Nghiên cứu 'Binh thư' của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (kỳ 8): 'Đường 9 - Nam Lào' - Đỉnh cao nghệ thuật nghi binh

19/10/2013 14:27 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - “Sau trận Điện Biên Phủ, nếu phải chọn một chiến thắng thể hiện rõ nhất tài năng và tầm nhìn của tướng Giáp, tôi sẽ chọn chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971” - TS Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử quân sự VN) nhận xét.

Lam Sơn 719 (cách gọi của liên quân Mỹ - Việt Nam Cộng hòa (VNCH) được coi là cuộc thử nghiệm đầu tiên về khả năng tác chiến của quân đội VNCH, khi người Mỹ bắt đầu từng bước rút khỏi chiến trường Đông Dương. Bởi vậy, bên cạnh 10.000 quân và 1.200 máy bay của người Mỹ, tổng số lượng quân nhân VNCH được huy động cho chiến dịch này lên tới 31.000 người.

Theo kế hoạch chi tiết được MACV (Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại VN) lập ra, sau những hoạt động nghi binh của người Mỹ, các lực lượng VNCH sẽ tiến dọc theo đường quốc lộ 9 sang thung lũng Sepon (Lào), tấn công vào các căn cứ quân sự VN tại đây và cắt đứt hẳn tuyến đường mòn Hồ Chí Minh - nơi vận chuyển 90% hàng quân sự vào Nam. Một cuộc hành quân như vậy sẽ gây ra sự thiếu thốn đạn dược vũ khí cho Giải phóng quân VN trong vòng 18- 24 tháng trong thời điểm nhạy cảm, khi người Mỹ đang dần rút quân khỏi miền Nam.

Tướng Giáp và tướng Đồng Sỹ Nguyên bên một giò phong lan của bộ đội Trường Sơn sau chiến dịch Đường 9. Ảnh Mạnh Thường

Nghệ thuật nghi binh

"Từ trước đó ít nhất 4 năm, Đại tướng đã nghĩ tới việc người Mỹ sẽ bắt buộc phải tổ chức một cuộc hành quân như vậy" - TS Bồng nói - " Nhiều tư liệu đã ghi lại các chỉ thị của tướng Giáp trong vai trò Bộ trưởng Bộ quốc phòng  về việc lưu ý và từng bước chuẩn bị cho khả năng này".

Đặc biệt, sau cuộc đảo chính của Lon Nol tại Campuchia vào tháng 3/1970, tướng Giáp đã gần như phán đoán chuẩn xác về địa bàn tấn công của liên quân Mỹ - VNCH trong thời gian tới.Theo TS Bồng, việc đảo chính, lật đổ chính phủ trung lập Sihanouk của Lon Nol cũng đồng nghĩa với việc cắt đứt tuyến vận tải đường biển của VN vào miền Nam qua vịnh Sihanoukville trước đây. Khi ấy, đường mòn Hồ Chí Minh trở thành tuyến vận chuyển chính yếu, được vận hành tối đa, và người Mỹ buộc lòng phải nỗ lực cắt đứt huyết mạch này.

"Ở chiến dịch này, Đại tướng đã cho tổ chức hàng loạt hoạt động nghi binh công phu và đạt tới nghệ thuật tầm cao. Nhiều lực lượng khác nhau được huy động tham gia, trong đó có cả những cánh quân đã được yêu cầu đóng quân và luyện tập tại Quảng Bình từ trước đó cả năm" - TS Bồng nhận xét - "Trong khi đó, phía quân đội Mỹ và VNCH vẫn hoàn toàn tin rằng từ sau Mậu Thân, các lực lượng quân sự VN đóng dọc theo Đường 9 đã mỏng đi rất nhiều".

Một ví dụ điển hình cho việc giữ bí mật tại chiến dịch Đường 9 là trường hợp sư đoàn 2 của Tướng Nguyễn Chơn, khi đó đang hoạt động tại mặt trận Nam Trung Bộ. Theo hồi ký, từ giữa năm 1970, sư đoàn 2 đã nhận được một mệnh lệnh “khó hiểu": Tiến gấp ra phía bắc Đường 9 để nhận nhiệm vụ mới. "Sư đoàn 2 là lực lượng chủ yếu của Liên khu V, không hiểu sao lại được "kéo" đi bất ngờ như vậy” - Tướng Nguyễn Chơn kể - "Sợ rằng cơ yếu dịch nhầm, chúng tôi "liều" điện thoại lên hỏi cấp trên thì nhận được câu trả lời: Nghiêm chỉnh chấp hành, không hỏi lại".


Một số máy bay Mỹ bị bắn rơi trong chiến dịch Đường 9. Ảnh tư liệu TTXVN

Chiến dịch "săn máy bay" độc đáo

TS Bồng kể một câu chuyện mà ông được nghe từ các chỉ huy quân sự từng tham gia chiến dịch này. Biết tin đối phương mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, Đại tướng nhận xét ngay: "Chọn thời điểm tấn công như vậy là dốt nặng. Họ không hiểu gì về địa hình và thời tiết cả. Tháng 2 âm, phía Tây Trường Sơn rất nhiều sương mù và bắt buộc trực thăng khi đổ quân phải rà rất thấp. Trận này ta nhất định thắng to".

Theo TS Bồng, trong giai đoạn sắp diễn ra chiến dịch, một lượng lớn súng đại liên 12,7 ly đang được cất giữ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh để chờ cơ hội vận chuyển vào Nam. Đây là loại súng có thể sử dụng cơ động và khá hữu dụng trong phòng không và tác chiến bộ binh. "Dự kiến, số súng này sẽ được chi viện với số lượng lớn cho chiến trường miền Nam để gây bất ngờ trong tác chiến. Nhưng, khi đó, Đại tướng đã rất quyết đoán và yêu cầu mang toàn bộ lượng súng 12,7 ly này ra sử dụng cho chiến dịch Đường 9, và phát rất rộng rãi tới mọi bộ phận chiến đấu".

Hồi ký của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ghi rõ: Khi tác chiến, Bộ Tư lệnh Trường Sơn yêu cầu các đơn vị nhử địch vào thật sâu để chủ động tiến công vào các đội hình trực thăng. Khẩu hiệu được đưa ra: "Cứ cho nó đến, quyết không cho về". Trong ba ngày đầu, trực thăng bay đầy trời tại khu vực Sê Pôn, Bản Đông để đổ quân, Bộ Tư lệnh vẫn kiên quyết không cho các loại pháo phòng không khai hỏa mà chỉ dùng súng máy để khiến đối phương chủ quan.

"Ngày thứ tư, thấy mẻ vó nặng tay, chúng tôi mới cho nổ súng. Tại Bộ chỉ huy, anh em ngồi nghe bên loa điện thoại rồi không ngừng reo hò khi từng chiếc trực thăng rơi" - Tướng Đồng Sỹ Nguyên kể trong hồi ký - "Cảnh tượng không khác gì các bạn trẻ bây giờ xem bóng đá rồi liên tục ồ lên sau mỗi quả sút vào".

21 giờ ngày 10/2/1971, đài BBC đưa bản tin: Quân đội VNCH tiến quân lên đường mòn Hồ Chí Minh đã vấp phải lưới lứa phòng không dày đặc chưa từng thấy của Bắc Việt, 50 chiếc máy bay lên thẳng bị bắn hạ.

Nhưng, đó chỉ là ngày đầu tiên! Theo TS Bồng, đây là chiến dịch mà phía VN hạ được nhiều máy bay các loại của người Mỹ nhất, với con số rất đẹp: 555 chiếc.

Mỹ “sợ” thống kê số trực thăng bị bắn hạ

Trong cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá, học giả Mỹ B. Currey đã dẫn lời Frank Margiotta (phi đội trưởng không lực Mỹ, làm việc tại Tổng hành dinh đặt tại Sài Gòn) Theo đó, trước lượng trực thăng bị bắn rơi quá nhiều, các sĩ quan Mỹ tại đây đã tìm đủ cách để trì hoãn, không báo lại thống kê chuẩn lên các chỉ huy cấp cao nhất. Họ sợ, số liệu thực sẽ gây tác động xấu tới việc thực thi nhiệm vụ của các phi công sau này.


(Còn nữa)

Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm