Ngày khai trường: Hãy chân tình và... 'hồn nhiên' hơn

05/09/2015 06:06 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nghi lễ ngắn gọn, không bắt các học sinh đứng nắng xếp hàng hoặc vẫy chào đại biểu.... là những chỉ đạo được đưa ra cho lễ khai giảng 5/9 trên toàn quốc hôm nay. Có nghĩa, chúng ta đang bắt đầu nói không với căn bệnh hình thức trong lễ khai giảng, vốn từng rất phổ biến trong quá khứ...

Cụ thể, vào giữa tháng 8, theo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các trường học nhất định cần tránh tình trạng học sinh phải tham gia các nghi lễ nhiêu khê, khổ sở. Thậm chí, theo Phó Thủ tướng, việc phải nghe bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh, huyện, sở, phòng - trong khi các cháu không hiểu gì cả - cũng là điều cần tránh.

“Không phải là lúc huấn thị hay báo cáo thành tích”

Trao đổi với Thể thao &Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam), một số học giả và chuyên gia giáo dục đều bày tỏ sự lạc quan về ý kiến chỉ đạo trên. Và xa hơn, một số ý kiến đóng  góp cũng được nhiệt tình đưa ra, để lễ khai trường là “ngày của học sinh chứ không phải là ngày của lãnh đạo” – như lời Phó Thủ tướng.

 “Đây là cách tiếp cận khá tân tiến và đáng mừng cho ngành giáo dục" – PGS Nguyễn Văn Huy nhận xét. “Nhưng,  để lễ khai trường thật sự trở thành một ngày hội, chúng ta cần thêm nhiều điều. Bởi, sự hồ hởi, háo hức của các em học sinh trong ngày khai giảng luôn là yếu tố quyết định để đánh giá thành công của buổi lễ”.


Sự hồ hởi, háo hức của các em học sinh trong ngày khai giảng là yếu tố quyết định để đánh giá thành công của buổi lễ. Ảnh: TTXVN

Theo PGS. Nguyễn Văn Huy, các nghi thức trong lễ khai giảng thời xưa vốn vẫn được tiến hành khá ngắn gọn, giản dị. Tuy nhiên, tới những năm sau này, căn bệnh hình thức dần phát triển, đặc biệt là khi các quan chức, lãnh đạo xuất hiện nhiều tại các buổi lễ này.

Theo quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại, lãnh đạo vẫn nên có mặt trong ngày khai trường. Bởi sự có mặt của các vị lãnh đạo ngày  khai trường khiến học sinh cảm thấy sự học được tôn trọng, việc đến trường của học sinh được quan tâm.

“Tuy nhiên, các vị lãnh đạo chỉ cần có mặt, tặng hoa cho đại diện học sinh”- GS Hồ Ngọc Đại nói - “Vì ngày khai trường là ngày của học sinh. Đó không phải là thời điểm lãnh đạo huấn thị, nhà trường báo cáo thành tích. Hay nói thẳng ra là biến ngày khai giảng thành màn giao đãi của người lớn mà chủ thể học sinh chỉ là phông nền”.

“Nên có lễ khai giảng và hội khai giảng”

Theo PGS Huy, điểm quan trọng nhất trong mỗi  khai giảng là lời phát biểu của các thầy cô hiệu trưởng. Và, để đạt hiệu quả, chắc chắn  không thể là những lời phát biểu lê thê, cứng nhắc, chủ yếu hướng về các vị quan khách. Và càng không phải là những lời phát biểu rập khuôn, sáo rỗng mà chúng ta có thể dùng ở bất cứ ngôi trường nào, trong mỗi năm học nào.

“Chỉ cần đôi lời chia sẻ đơn giản nhưng chân tình, chỉ cần những mẩu chuyện thật sự xúc động về một tấm gương trong học tập, tôi tin chừng đó đã là đủ để chuyển những thông điệp cần thiết tới các em học sinh”- PGS Huy chia sẻ.

Thậm chí, theo lời ông, sẽ càng đáng quý nếu thầy cô hiệu trưởng tổ chức một hoạt động nào đó để cùng các em tham gia  ngay trong lễ khai trường như chơi một trò chơi, hay có buổi sinh hoạt tập thể.

“Với độ tuổi chưa trưởng thành, sự trong sáng, gần gũi trong cách tiếp cận luôn là chìa khóa để khơi gợi  từ các em những cảm xúc đặc biệt trong ngày bắt đầu năm học mới" - PGS Nguyễn Văn Huy nói - "Theo dõi trên truyền hình, tôi từng thấy một số nguyên thủ quốc gia tại các nước đến thăm học sinh, tham gia trò chơi cùng các em một cách rất hồn nhiên và giản dị. Nhìn từ điều đó, phải chăng các thày cô giáo và các vị quan khách cũng không cần quá.... trang trọng và nghiêm túc trong buổi khai trường của chúng ta"?

Còn theo GS Hồ Ngọc Đại, nếu cần thiết thì tách ngày khai trường ra hai dịp: lễ khai giảng và hội khai giảng. Theo đó, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, trang nghiêm trong 15- 20 phút. Buổi lễ ngắn gọn khiến các em học sinh tập trung và cảm nhận được không khí thiêng liêng của ngày tựu trường, của tiếng trống trường đầu năm.

Còn hội khai giảng thì tùy điều kiện của từng trường. Nếu thống nhất, hội khai giảng có thể kéo dài cả ngày. Đó là thời điểm thầy cô, học sinh, phụ huynh cùng tổ chức hội hè, chơi các trò chơi dân gian, hát múa văn nghệ,... để các em học sinh (chủ thể của ngày khai trường) cảm thấy vui và tạo cầu nối giữa học sinh - gia đình - nhà trường.

Bài phát biểu khai trường “mẫu mực” của PGS Văn Như Cương

Năm ngoái, PGS Văn Như Cương đã có bài phát biểu khai trường khiến học sinh trường THPT Lương Thế Vinh và dư luận nghẹn ngào.

 Bài diễn văn khai trường đi vào lòng người khiến các chuyên gia giáo dục coi “hiện tượng” trên như một tiếng nói thức tỉnh về những bài phát biểu khai trường dài dằng dặc, rập khuôn, sáo rỗng.

Trong phát biểu khai trường tại trường THPT Dân Lập Lương Thế Vinh năm 2014, PGS. Văn Như Cương nói: "Các em học sinh thân yêu! Hôm nay, mở đầu một năm học mới, sân trường chúng ta tràn ngập sắc màu của lá cờ Tổ quốc vinh quang.

Buổi tựu trường hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta rất nhiều điều. Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất.

Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô. Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ Việt Nam, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng...".

Sơn Tùng- Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm