Ngăn chặn việc 'ngồi nhầm chỗ' trong trường ĐH

24/09/2013 10:29 GMT+7 | Giáo dục

Nhân dịp tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 296 của Thủ tướng về đổi mới quản lý giáo dục đại học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2013-2014, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi.

Siết chặt đào tạo hệ liên thông

* Thưa ông, sứ mệnh của giáo dục đại học là đào tạo nhân lực trình độ cao và sáng tạo tri thức mới. Vậy nhưng trong thực tế có những học sinh học lực rất bình thường với con đường đi vòng như là học liên thông cũng vào được đại học. Ông đã chấn chỉnh tình trạng này như thế nào?

- Đúng là thời gian qua có hiện tượng như một số người nói là “ngồi nhầm chỗ” trong giáo dục đại học. Bộ Giáo dục – Đào tạo đã nhìn rõ thực tế này, từ đó chúng tôi đề ra chủ trương kiên quyết chấn chỉnh giáo dục đại học. Cụ thể chúng tôi xây dựng và ban hành Thông tư 55 có hiệu lực từ đầu năm 2013 với mục đích là đưa đào tạo liên thông về đúng bản chất của nó. Đó là giúp người học tích lũy được kiến thức, bảo lưu kết quả học tập ở bậc dưới để học tiếp trình độ cao hơn. Tuy nhiên thực tế nhiều năm vừa qua chúng ta thấy đào tạo liên thông đã biến tướng không đúng với bản chất của nó mà trở thành một hình thức đào tạo, một hệ đào tạo riêng, tạo ra một hình thức là đào tạo chính quy liên thông, đào tạo vừa học vừa làm liên thông.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo - Nguồn: Internet

Trong Thông tư 55 mới chúng tôi kiên quyết chấn chỉnh lại và đưa ra những điều kiện về thắt chặt đầu vào tuyển sinh, đảm bảo tất cả các em thí sinh vào đại học, cao đẳng, dù là hệ liên thông cũng đều phải đạt một trình độ mặt bằng chung thông qua kỳ thi 3 chung. Bên cạnh đó chúng tôi tăng cường những điều kiện để đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo liên thông và không cho tổ chức thành một chương trình đào tạo riêng. Thí sinh muốn học liên thông chính quy phải học chung chương trình với sinh viên chính quy, thí sinh muốn học liên thông hệ vừa học vừa làm cũng phải học chung.

Thực tế triển khai việc này cũng gây ra nhiều ý kiến trong xã hội. Tuy nhiên Bộ Giáo dục – Đào tạo kiên quyết triển khai nhằm đảm bảo chất lượng chung của hệ đào tạo đại học giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn tới.

Lần đầu tiên thu hồi quyết định 57 chuyên ngành tiến sĩ và 161 chuyên ngành thạc sĩ

* Thưa ông, ngay cả ở bậc đào tạo cao nhất hiện nay là thạc sĩ, tiến sĩ ở một số cơ sở cũng có những ý kiến rất băn khoăn lo ngại về chất lượng của nó. Vậy quan điểm và cách giải quyết của Bộ để kiểm soát được chất lượng đào tạo ở bậc học cao nhất này như thế nào?

- Quan điểm chung của chúng tôi là phải đảm bảo và kiểm soát được chất lượng của bậc học này. Thời gian vừa qua, chúng tôi một mặt tăng cường các yêu cầu đối với nhà trường để đảm bảo thực hiện đúng các quy chế đào tạo.

Bộ không cho phép các trường thực hiện đào tạo thạc sĩ ngoài cơ sở đào tạo; yêu cầu các trường nếu đào tạo sau đại học ở ngoài cơ sở thì phải đưa về các trụ sở chính để đào tạo. Bên cạnh đó chúng tôi rà soát, kiểm tra việc đào tạo.

Có thể nói là lần đầu tiên Bộ Giáo dục Đào tạo tiến hành kiểm tra rà soát điều kiện về đảm bảo chất lượng. Năm 2011 và năm 2012 chúng tôi đã tiến hành rà soát các chương trình đào tạo tiến sĩ và kết quả đã tiến hành thu hồi quyết định đào tạo của 57 chương trình đào tạo của 27 cơ sở. Năm 2012 chúng tôi đã tiến hành rà soát, kiểm tra các chương trình đào tạo thạc sĩ và kết quả đầu năm 2013 chúng tôi đã tiến hành dừng tuyển sinh 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ không đảm bảo điều kiện.

Năm 2013, Bộ Giáo dục – Đào tạo tiếp tục triển khai rà soát việc đảm bảo chất lượng của tất cả các ngành đào tạo ở trình độ đại học. Dự kiến có khoảng 2.000 ngành đào tạo đại học sẽ được rà soát và kiểm tra. Kế hoạch năm 2014 chúng tôi tiếp tục kiểm tra rà soát lại tất cả các ngành đào tạo ở trình độ cao đẳng.

Phát cảnh báo về các khối ngành dư thừa nguồn nhân lực

* Có ý kiến cho rằng các trường đại học hiện nay như là những tháp ngà khép kín và không gắn kết được với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đất nước dẫn đến tình trạng một số ngành nghề ra trường không tìm được việc làm. Ông có thể cho biết hướng giải quyết bất cập này như thế nào?

- Một điều rất đáng mừng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH - CĐ giai đoạn 2006- 2020 trong đó có nhiều chỉ tiêu liên quan đến việc điều chỉnh quy mô, chất lượng đào tạo, đặc biệt nhấn mạnh tới việc tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Trong đó có điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường và có điều chỉnh lại cơ cấu ngành nghề đào tạo như ngành kinh tế, khoa học xã hội rồi ngành kỹ thuật, sư phạm, y dược ...

Để cảnh báo cho các nhà trường, cho thí sinh trong việc đăng ký thi tuyển vào các trường ĐH- CĐ thì lần đầu tiên, Bộ Giáo duc - Đào tạo đã phát đi cảnh báo xã hội về việc dư thừa nguồn nhân lực. Năm 2012, chúng tôi đã cảnh báo về vấn đề dư thừa nguồn nhân lực khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, ngành kế toán kiểm toán. Kết quả số lượng thí sinh đăng ký thi vào các ngành này năm 2012 so với năm 2011 giảm 10%.

Năm 2013, Bộ Giáo dục Đào tạo tiếp tục cảnh báo và số lượng thí sinh đăng ký vào ngành này tiếp tục giảm 10% so với năm 2012. Chúng tôi cũng phát đi một cảnh báo đồng thời là quyết định của Bộ Giáo dục - Đào tạo dừng mở mới một số ngành đào tạo mà năng lực đào tạo đã dư thừa như khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, và gần đây nhất là dừng mở mới khối ngành đào tạo sư phạm và giáo viên.

Sẽ không nhận hồ sơ nâng cấp lên cao đẳng, đại học

* Việc thành lập và nâng cấp các trường đại học mới gần đây đã gây lên những lo ngại sẽ phá vỡ cơ cấu hợp lý giữa hệ thống đào tạo đại học với đào tạo nghề. Ông có thể cho biết hướng giải quyết của Bộ thời gian tới để điều chỉnh xu hướng này như thế nào?

- Trước hết là chúng tôi triển khai thực hiện nghiêm quyết định 37 của TTg CP về điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH - CĐ giai đoạn 2006 - 2020 trong đó có một loạt giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phát đi thông điệp là chúng tôi tạm dừng nhận hồ sơ nâng cấp các trường từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học. Căn cứ vào quy hoạch mạng lưới các nhà trường đã được TTg CP phê duyệt, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ chủ động làm việc với các Bộ, ngành, các địa phương về việc thành lập mới hoặc là nâng cấp các trường.

* Xin cảm ơn!

Hoàng Hoa - TTXVN (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm