Ngậm ngùi trước 'Bảo tàng chiến tranh' Vực Quành

07/11/2013 09:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi Nhà nước phải bỏ nguồn kinh phí lớn để xây mới hay duy trì các bảo tàng thì một “bảo tàng chiến tranh” do người dân tự nguyện xây dựng đang chết dần chết mòn. Đó là làng chiến tranh Vực Quành (xã Nghĩa Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình).

Năm 2004, ai cũng biết đến người đàn ông “gàn dở” Nguyễn Xuân Liên đã bỏ Thủ đô về Đồng Hới để xây dựng “làng sinh thái chiến tranh” Vực Quành. Tái hiện một thời bom đạn của nhân dân Quảng Bình nói riêng và cả dân tộc nói chung, Bảo tàng chiến tranh của ông Liên đã thu hút hàng trăm du khách trong và ngoài nước, là bằng chứng lịch sử sinh động cho học sinh nơi đây. Năm 2013, khi quay trở lại đây với bao nhiêu niềm náo nức, chúng tôi sửng sốt thấy cảnh hiu quạnh, hoang vu đến nao lòng.

Tấm biển “Khu du lịch sinh thái văn hóa Vực Quành” chìm trong cây cỏ. Từ cổng đi vào chừng mươi bước, phía bên tay trái, từng là nơi tạm nghỉ cho bộ đội hành quân, với từng gàu nước ngọt lành; giờ cây dại cao lút đầu người.

Một góc bảo tàng thành nơi chứa củi
Trước kia, khi mới bước chân vào làng, điểm ấn tượng đầu tiên là tấm bia thiêng liêng ca ngợi chiến công của người dân Quảng Bình với các mốc son lịch sử. Nay tấm bia ấy nằm lấp ló sau lùm cây. Lại gần hơn, những dòng chữ đã bị nắng mưa xóa nhòa, không còn rõ chữ. Xung quanh đó là những mảnh bom nằm ngổn ngang mời gọi những người buôn sắt vụn. Căn nhà sinh hoạt của ông Liên khóa cửa im ỉm.

Vực Quành chia thành hai khu đất, nằm ở bên này và bên kia sông. Chiếc cầu phao khi xưa giờ chỉ còn trơ lại vài thanh cọc đã mục nát. Thay vào đó là vài ba chiếc thùng phi ghép tạm bợ. Muốn sang sông phải nhờ thanh niên khỏe mạnh, kéo phao vào rồi lần theo sợi dây mà qua.

Nếu như bên kia sông cho cảm giác hoang vắng thì cảnh vật bên này sông lại khiến người ta đau lòng. 8 quả bom “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và 7 vỏ bom “Chiến đấu giỏi sản xuất cũng giỏi” nằm chỏng chơ. Vẫn còn đó tấm bia đá khắc tên các liệt sĩ trong nhà tưởng niệm nhưng khói hương đã lạnh tanh lạnh ngắt. Phòng y tế đã thành kho chứa củi. Nơi tưởng niệm cán bộ giáo dục Quảng Bình cũng thành nơi trú ẩn của trâu bò. Tấm bản đồ chiến lược bị lũ trẻ vô ý lấy gạch, que cào xước hết.

Ông Trần Đình Dinh - Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới cho biết: “Vực Quành là do cá nhân muốn khơi dậy hình ảnh của thời chiến tranh ở khắp các địa phương của tỉnh này. Nhưng cái khó là các công trình này sử dụng những vật liệu đơn giản, dễ bị hư hỏng trong mưa nắng, khó tồn tại lâu với khí hậu miền Trung. Muốn giữ lại các hình ảnh này, chỉ có thể làm theo mô hình với những vật liệu bền. Khi xây dựng Vực Quành, ông Liên lại không bàn bạc với chính quyền. Tuy nhiên chúng tôi luôn tạo điều kiện cho cá nhân làm. Hiện nay tỉnh và thành phố đang bàn bạc để tìm phương án tốt nhất cho khu vực này”.

Dưới đây là những hình ảnh về Bảo tàng chiến tranh Vực Quành:


Tấm biển “Khu du lịch sinh thái văn hóa Vực Quành” nằm rất bí mật sau những dây leo


Cánh cổng rách nát đung đưa theo gió


Tấm bia tưởng niệm đã mờ chữ, bị cây cối che lấp


Nơi nghỉ chân của bộ đội thành nhà của cây dại


Chiếc cầu qua sông chỉ còn trơ lại cọc mục


Giờ muốn sang sông, phải kéo cái phao này vào


Cỏ dại thi nhau mọc tại giao thông hào


Bệnh viện thành nơi chứa củi


8 quả bom “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ”

Hình ảnh sập sệ của bảo tàng.

Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm