'Nắn' cầu chính, thêm cầu phụ để cứu đàn Xã Tắc?

08/06/2013 07:01 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều khả năng, cầu vượt qua nút Ô Chợ Dừa - Kim Liên sẽ được kéo lệch về phía tay trái, đồng thời bổ sung thêm một cầu vượt phụ về phía tuyến phố Khâm Thiên. Đó là phương án thay đổi thiết kế cầu vượt đạt được sự đồng thuận cao nhất trong cuộc họp của UBND Hà Nội vào chiều 5/6.

Cuộc họp được UBND TP Hà Nội tổ chức, với sự tham gia đầy đủ của hàng loạt cơ quan chuyên môn về xây dựng, giao thông, khảo cổ, lịch sử... Theo đó, 6 phương án thiết kế cầu vượt này (do Sở Giao thông Vận tải HN xây dựng) được đưa ra với mục đích lấy ý kiến đóng góp, trước khi đi tới lựa chọn cuối cùng trong thời gian gần.

“Chui ngầm” hoặc đổi hướng cầu: hay nhưng không khả thi

Thực chất, phương án 1 để xây cầu vượt Kim Liên chính là thiết kế ban đầu. Theo đó, cầu này dài 464m, bao gồm 2 nhánh cầu riêng biệt (tương đương với 2 chiều giao thông), kéo từ trục phố Xã Đàn sang trục đường mới (đang giải phóng mặt bằng) và “ôm” đàn Xã Tắc vào giữa.

Tuy nhiên, với việc phạm vào một phần diện tích của đàn Xã Tắc (đang nằm ngầm dưới đất), thiết kế trên đã gây nên những phản ứng rất mạnh từ dư luận và được đưa ra chỉ để so sánh với 5 phương án mới bổ sung.

Phối cảnh của phương án số 4: cầu vượt vòng về bên tay trái đàn Xã Tắc và bổ sung cầu vượt phụ sang phía Khâm Thiên

Trong số đó, phương án số 5 được coi là lựa chọn lý tưởng để bảo vệ đàn Xã Tắc. Theo đó, đường vành đai đi qua đàn Xã Tắc sẽ chui ngầm dưới đất ở độ sâu hơn 11m (thấp hơn 6 mét so với độ sâu của di tích đàn Xã Tắc nên không ảnh hưởng). Tất nhiên, theo lời GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN), việc thi công hầm chui phải tiến hành bằng phương pháp khoan hầm đặc biệt, chứ không thể đào lộ thiên từ phía trên để khỏi ảnh hưởng tới di tích này.

“Đó là phương án rất hay, nhưng chúng ta đều hiểu là rất khó thực hiện trong điều kiện hiện nay” - GS Lê nhận xét. Bổ sung cho lời ông, các chuyên gia của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: lựa chọn này sẽ đẩy mức kinh  phí lên tới hơn 1.000 tỷ đồng (gấp đôi dự kiến ban đầu) - chưa kể tới nhược điểm không thể giao cắt với các trục phố khác quanh nút Ô Chợ Dừa - Kim Liên.

Tương tự, phương án 6 đã được dư luận nhắc tới rất nhiều trong thời gian qua, nhưng cũng gây khó về kinh phí. Theo phương án này, cầu vượt sẽ được “xoay ngang”, vượt qua nút giao thông theo hướng Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, các số liệu đi kèm cho thấy: để tạo diện tích mặt bằng ở 2 đầu cầu vượt, dự án sẽ phải giải phóng thêm 4.000m2 đất của 170 hộ dân.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Quốc Hùng (Giám đốc Sở Giao thông Vận tải HN), cầu vượt Kim Liên nằm trên tuyến đường vành đai 1, đó là 1 trong 3 tuyến đường vành đai chạy chếch theo hướng Đông - Tây. Đây là tuyến đường quan trọng và đã được quy hoạch để tạo hướng giao thông mới cho luồng xe lưu thông và giảm tải cho các tuyến đường chạy vào khu vực trung tâm thành phố theo hướng Nam - Bắc.

“Nếu đổi hướng như vậy, chúng ta lại tiếp tục đẩy các luồng giao thông vào khu vực trung tâm thành phố và giảm bớt rất nhiều hiệu quả của tuyến đường vành đai 1 vốn đã triển khai được một nửa” - ông Hùng nói - “Thêm vào đó, việc đổi hướng cầu bắt buộc phải đi kèm với yêu cầu mở rộng gấp đôi diện tích các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng - vấn đề cực kỳ phức tạp trên thực tế”.

Chọn phương án “ảnh hưởng ít nhất”?

Điểm chung của các phương án 2, 3, 4 còn lại nằm ở việc chỉ thiết kế một trục cầu vượt rộng chừng 14 - 15m (thay cho 2 trục, mỗi trục rộng 7,5m như thiết kế ban đầu). Trong đó, phương án 2 quyết định “nắn” trục cầu này lệch bớt sang hướng Bắc, nghĩa là về bên tay phải di tích đàn Xã Tắc.

Còn phương án 3 thì ngược lại, nắn trục cầu lệch sang hướng Nam, về bên tay trái. (Ở cả 2 phương án, cầu đi vòng nhưng vẫn tiếp đất ở vị trí dự kiến trong quy hoạch).

Theo phân tích của các nhà khảo cổ, phương 2 án dù “né” nhưng trục cầu vẫn chạy qua khu vực trung tâm đàn Xã Tắc. Còn lại, phương án 3 mang tính khả thi cao hơn, vì chỉ chạm vào khu vực được coi là phần rìa của di tích này. Tuy nhiên, với tính chất hoàn thiện cao hơn, phương án 4 nhận được sự tán đồng nhiều nhất của những người tham gia cuộc họp.

Theo đó, phương án này vẫn thiết kế một cầu vượt lệch về phía Nam như  phương án 3. Tuy nhiên, để bổ sung cho việc giải quyết giao thông tại khu vực này, một  nhánh cầu vượt phụ sẽ được xây dựng để nối từ phố Khâm Thiên lên cao và nhập vào trục cầu chính.

Đánh giá ban đầu cho thấy, phương án này có tác động tích cực hơn tới việc giảm ách tắc, đồng thời vẫn bảo tồn được vùng trung tâm của di tích, cho dù vấn đề tổ chức giao thông có thể gặp khó khăn vì các luồng xe phải di chuyển theo hướng... hình cong.

“Quyết định chưa đưa ra, nhưng suy đi tính lại, chúng tôi vẫn thấy phương án thiết kế số 4 có tính khả thi cao nhất ở thời điểm này” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận xét. Về ý kiến của ông Thảo, TS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện khảo cổ học VN)cho rằng, trong thời điểm các phương án xây đường ngầm, tạo đảo giao thông kiêm khu bảo tồn di tích là.... viển vông, thì phương án số 4 là chấp nhận được vì “ảnh hưởng ít nhất tới di tích Xã Đàn”.

Với bối cảnh “hạn chế đủ đường”, dường như thiết kế cầu vượt theo phương án số 4 là lựa chọn khả dĩ trong thời điểm hiện tại. Khi đó, vấn đề tiếp tục được đặt ra sẽ chỉ còn là... tìm cách để nâng cao tính thẩm mỹ của 2 cây cầu cong tạo thành hình chữ Y này.

6 phương án cho cầu vượt Kim Liên - Ô Chợ Dừa

1. Xây 2 nhánh cầu “ôm” đàn Xã Tắc vào giữa, kinh phí dự kiến 720 tỷ đồng (phương án đầu tiên)

2. Xây 1 trục cầu lớn, vòng về bên tay phải đàn Xã Tắc, (650 tỷ đồng)

3. Xây 1 trục cầu lớn, vòng về bên tay trái đàn Xã Tắc (670 tỷ đồng)

4. Như phương án 3, bổ sung 1 nhánh cầu vượt sang phía Khâm Thiên (610 tỷ đồng)

5. Hạ ngầm trục đường xuống độ sâu 11 mét (ước tính hơn 1.000 tỷ đồng)

6. Đổi hướng cầu vượt theo trục Nam - Bắc (kinh phí rất lớn, chưa xác định)

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm