Mưu sinh bằng nghề bắt gián

19/11/2012 15:43 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ai cũng biết, gián là loại côn trùng có hại, là vật trung gian truyền bệnh. Vậy mà ở Sài Gòn, có những người, cuộc sống lại dựa hoàn toàn vào những con vật hôi hám, bẩn thỉu này.

Chị Kim Anh bắt gián mưu sinh

Trường hợp chị Trần Thị Kim Anh ở đường Hồng Bàng, phường 1, quận 11, TP.HCM là một ví dụ. Nhiều năm nay, cuộc sống của hai vợ chồng và 4 đứa con anh chị phụ thuộc vào nghề bắt gián, không kể nắng mưa. Căn nhà trong hẻm nhỏ 748 trên đường Hồng Bàng đầy những thùng, hũ đựng các loại gián to nhỏ khác nhau.

Nhọc nhằn với nghề

Chúng tôi đến nhà chị Kim Anh lúc chị chuẩn bị đồ nghề đi bắt gián. Người phụ nữ cao và hơi gầy, khuôn mặt sạm nắng, đôi bàn tay đầy những vết sần sùi, dấu hiệu nhận biết của cái nghề có một không hai này.

Chị kể, vợ chồng chị đến với cái nghề bắt gián cũng là có cái duyên. Trước đây, anh Hồ Hoàng Khanh, chồng chị Kim Anh làm nghề mài lưỡi câu thuê phục vụ dân câu cá. Thu nhập thấp, lại phập phù, thấy nhiều người đi câu cần gián làm mồi, vậy là vợ chồng chị đi bắt gián cho đến tận bây giờ. Tính ra đã được tới 15 năm.

Công việc không dễ dàng, cũng không kiếm được nhiều tiền nhưng vợ chồng chị vẫn gắn bó với cái nghề cơ cực này. Bởi “trước đây cả gia tài của nhà tôi chỉ có cái quạt máy là giá trị nhất, đem đi bán lấy vốn đi bán bánh ướt nhưng không có lời, tính làm nghề khác nhưng cũng không có vốn để làm nữa. Làm nghề này thì không cần có vốn cũng làm được” – chị Anh cười buồn.

Chị Kim Anh kể: “Việc bắt gián ngày càng khó khăn, khi các khu đất trống nơi có nhiều gián trú ngụ dần dần dựng lên các dãy nhà cao tầng, khu công nghiệp… Gián cũng ít hơn ngày xưa, cả hai vợ chồng làm một tuần cũng chỉ kiếm được 200.000 đến 300.000, có khi còn ít hơn. Mỗi con gián chỉ bán với giá 100 đồng cho người đi câu. Tôi cũng đi bán vé số để kiếm thêm chút tiền, còn chồng thì bắt thêm trùn để “tăng gia”.

Nói rồi chị chuẩn bị đồ nghề để đi bắt gián mặc dù trời đang mưa phùn. Nói là đồ nghề nhưng thực ra chỉ là một cái hộp sắt nhỏ, một túi xách làm bằng tơi rứa và một cái que sắt.

Trèo lên chiếc xe đạp cũ đã tróc hết sơn, chị đưa chúng tôi đến một khu đất trống, cỏ dại, gạch, đá ngổn ngang. Một tay chị cầm cây sắt nhỏ đào xuống đất, tay còn lại vén cỏ và rác xung quanh. Khi cây sắt bới đất lên, những con gián đất màu đen xuất hiện, chị nhanh tay bắt chúng bỏ vào hộp sắt đặt bên cạnh. Công việc cứ tiếp tục như vậy. Chị bắt cả những con gián nhỏ xíu chỉ bằng hạt gạo, những con gián nhỏ này sẽ được chị mang về nuôi khi lớn thì đem bán.

Những con gián đất không có cánh sau khi bị bắt thì nằm yên trong hộp sắt có đựng đất ẩm. Còn những con có cánh thì bay loạn xạ bên trong. Những con gián đất rất nhanh, chỉ cần chậm tay là chúng đã lẩn vào đất vì vậy chị phải luôn tay, luôn mắt.

“Việc này đơn giản, nhưng cũng nguy hiểm bởi trong những bãi đất trống thì người ta có thể vứt bất cứ thứ gì như kim tiêm, mảnh sành. Nhưng không được đi găng tay vì gián rất trơn và nhanh, nếu đi găng tay thì làm sao tóm được chúng. Nghề này cũng cực lắm” - chị nói.

Bắt hết gián tại chỗ đất vừa đào lên, chị cẩn thận lấy tay gạt lại đất như cũ, chị bảo: “Phải gạt đất lại thì lần sau mới có gián để bắt tiếp, nếu để đất khô thì gián sẽ chết”.

Ngoài cách bắt gián bằng tay không ở khu đất trống vào ban ngày thì tối đến chị lại đến chợ Bình Thới bắt gián đỏ. Để bắt được gián đỏ chị phải đi xin vỏ sầu riêng ở chợ để làm mồi nhử gián.

Công việc khá đơn giản. Chị đem những vỏ sầu riêng đặt rải rác khắp chợ, sau đó một lúc quay lại, sẽ thấy gián bâu đầy lên miếng sầu riêng, chỉ việc dùng tay bắt. Chị bảo: “Hàng ngày cứ 9 giờ tối đi ra chợ bắt gián về đến nhà có hôm 12 giờ đêm, hôm nào nhiều thì cũng được vài trăm con”.

Vật lộn mưu sinh nhờ con gián

Cuộc sống người phụ nữ bắt gián này khá nhiều truân chuyên. Chị kể, mới lên 3 tuổi thì người cha qua đời bỏ lại mẹ con côi. Một thời gian sau, mẹ cô đi bước nữa với một người đàn ông đã có gia đình. Trong kí ức tuổi thơ của cô chỉ có hình ảnh đánh lộn giữa mẹ và cha dượng. Khi đang học lớp 2, mẹ và cha dượng chia tay, cũng từ đó chị không còn được đi học.

Thời con gái cũng khổ, lấy chồng cũng khổ. Hai vợ chồng phải bươn trải vật lộn với nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Khi 4 đứa con trai lần lượt ra đời thì gánh nặng trên đôi vai vợ chồng lại tăng lên. “Nhà nghèo quá nên không đứa nào được đi học cả” - chị kể. Nỗi buồn của người mẹ khi không lo nổi cho các con mình ăn học hằn lên trong mắt chị.

Chị kể: “Làm ăn khó quá, gián càng ngày càng ế, mà lại khó tìm. Đi bắt gián cả ngày, cả đêm mà không đủ sống, tôi tính làm nghề khác. Nhưng không có vốn, có nghề nên cũng chưa biết làm gì”.

Trong màn mưa phùn nhỏ cuối buổi chiều, chúng tôi chia tay chị. Đằng sau chúng tôi là hình ảnh người phụ nữ còm cõi trên chiếc xe đạp cũ đang đi trong màn mưa để về với gia đình nhỏ của mình. Treo trên xe, là chiếc túi đựng cái hộp sắt, bên trong chứa đầy gián.

Yến Hoa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm