Muốn trả Bằng di tích để tôn tạo nhà thờ họ

14/05/2013 09:28 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngót 20 năm, loay hoay tìm mọi cách chống úng lụt song nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc vẫn ngập sâu tới nửa mét. Và sự việc một số người làng Đường Lâm viết đơn trả lại danh hiệu di tích gợi mở cho ông Nguyễn Khả Thị, hậu duệ dòng họ Nguyễn Khả, người trông coi nhà thờ mong muốn trả lại Bằng di tích lịch sử văn hóa để dòng họ có thể tôn tạo nhà thờ tổ tiên. 

Chúng tôi tới nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc - di tích lịch sử văn hóa - tại quận Cầu Giấy, Hà Nội trong một buổi chiều đầu Hè.

Ông Nguyễn Khả Thị bày tỏ những bức xúc dưới di tích trũng sâu tới nửa mét so với mặt đường

Nước thải tràn di tích

Mở đầu câu chuyện, ông Nguyễn Khả Thị nói thẳng: "20 năm trước, khi làm hồ sơ di sản, chúng tôi mong có tiền đầu tư cho nhà thờ tổ để thanh thế xứng đáng với những đóng góp của cụ Trạc. Song từ bấy đến nay, chúng tôi không nhận được bất cứ một khoản tiền đầu tư nào. Trong khi đó, nhà thờ cụ Trạc xuống cấp, ngập lụt thường xuyên, gia đình muốn nâng nhà thờ lên cũng không được vì phạm luật di sản".

Cụ thể, theo ông Thị, lần sửa nhà thờ gần nhất được ghi lại là năm 1939. Hơn 70 năm nay, ngoài việc sửa những cấu kiện rất nhỏ, không có một cuộc trùng tu nào lớn để chống lụt. Trong khi ấy, đường sá nâng thêm không biết bao lần. Nên việc "nước chảy chỗ trũng" là không thể tránh khỏi.

Ông Nguyễn Khả Trạc (1598-1672), tên thật Nguyễn Văn Trạc, là người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau làm quan đến chức Công bộ thượng thư, tước Hầu thời Lê trung hưng. Trong quá trình làm việc cho triều đình và phủ chúa, ông được ghi nhận là người làm khá, nên vua Lê Thần Tông ban tặng ông chữ Khả. Và dòng họ ông cũng đổi tên đệm, từ Nguyễn Văn thành Nguyễn Khả từ đó.

"Mà không phải nước mưa thường, nước chảy về đây là cả nước thải từ cống rãnh của cả khu phố. Điều này không thể chấp nhận được với bất cứ ngôi nhà nào chứ đừng nói là nhà thờ dòng họ, di sản thành phố!"- Ông Thị nói.

Cũng theo ông Thị, suốt gần 20 năm qua, dòng tộc Nguyễn Khả nhiều lần gặp chính quyền địa phương xin nâng nền nhà di tích lên nhưng đều không được chấp thuận. Ông Thị chia sẻ: "Có vẻ như nhà thờ người ta không mấy quan tâm so với đình chùa. Bởi họ quan niệm, nhà thờ dòng họ là cộng đồng nhỏ. Còn đình chùa là tâm nguyện của cộng đồng lớn hơn nên người ta chú trọng đầu tư hơn".

Song những bức xúc của dòng tộc Nguyễn Khả trở lên gay gắt khi dòng tộc muốn bỏ tiền túi ra để nâng nền nhà thờ song bao nhiêu năm qua vẫn chưa được chấp thuận.  

"Chúng tôi đã bỏ tiền túi ra mua máy bơm, máy phát điện, đào hố ga có thể tích 6-7 khối để chống ngập. Song khi mưa lớn, nếu máy bơm hoạt động tốt thì ngập nửa mét. Còn khi máy bơm trục trặc, nhà thờ họ bị ngập trắng"- Ông Thị bức xúc.

Muốn trả Bằng công nhận di tích

Ông Thị còn cảnh báo hệ lụy của việc để nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc "ngâm nước": "Tôi cũng chắc chắn rằng, nếu nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc không được nâng lên, hệ quả tất yếu là mất nhà thờ. Nên chúng tôi sẵn sàng trả lại bằng di tích để giữ sự trường cửu của nhà thờ họ. Hơn thế, dù có hay không có bằng di tích, bia đá ngoài Văn Miếu vinh danh cụ Nguyễn Khả Trạc vẫn là vĩnh cửu. Nên việc muốn trả lại bằng di tích không phải là mong muốn của cá nhân tôi mà là mong muốn cháy bỏng của cả dòng tộc Nguyễn Khả".

Theo quan sát của TT&VH, sân nhà thờ và gian ngoài của di tích, hiện nền rất thấp so với mặt đường. Và nếu mưa, ngập úng lớn là không thể tránh khỏi. Song cấu kiện bên trong nhà thờ còn khá tốt, thậm chí có vài thanh gỗ trông rất.... mới (?!).

Khi nhận được câu hỏi: "Có hay không việc "xé rào", thay cấu kiện mới y hệt vào di tích của gia đình?", ông Thị thành thực: "Năm ngoái, chúng tôi có vá víu bằng cách thay các cây gỗ mục, đảo ngói. Và chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở đấy. Còn việc nâng nhà thờ để bảo vệ di tích, nếu không được chính quyền cho phép, chúng tôi không thể làm được".

Công trình nhà thờ ông Nguyễn Khả Trạc vẫn giữ nét vút cong cổ kính

Và những lựa chọn khác....

Không như hơn bảy chục hộ ở Đường Lâm viết đơn xin trả danh hiệu di tích, gia tộc Nguyễn Khả vẫn loay hoay tìm những phương pháp để “đàm phán” với các cấp sở tại.

Theo ông Thị, trước đó, chính quyền địa phương đã đưa ra một bản vẽ chi tiết để nâng nhà thờ lên. Song do một vài trục trặc, nên vẫn chưa thể thực hiện được.

"Tâm nguyện cuối đời tôi là làm sao để không xấu hổ là con cháu cụ Trạc. Thời trai trẻ, tôi đã ra trận, hoàn thành nghĩa vụ với quốc gia. Giờ tôi chỉ mong muốn giữ cho được di sản của dòng tộc, địa phương. Nếu phải trả bằng di sản để nhà thờ được tôn tạo, tôi sẵn sàng. Song đó là vạn bất đắc dĩ. Điều tôi mong muốn nhất là ngôi nhà thờ được nâng lên đúng như bản vẽ của phường Mai Dịch trước đây để bảo tồn di tích một cách khoa học"- Ông Thị bày tỏ.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

***

“Nhà thờ Nguyễn Khả Trạc là di tích thời Lê- Trịnh song đã bị trũng hẳn xuống, mỗi khi mưa đều bị gập do từ lâu mặt đường và các ngôi nhà xung quanh đã tôn cao lên. Nhà thờ mỗi ngày một xuống cấp. Là di tích quốc gia nên gia tộc muốn sửa nhưng rất khó khăn, các thủ tục quá phiền hà, năm này qua năm khác người ta bảo chờ kế hoạch.

Các cơ quan quản lý cần thay đổi cách tư duy về việc quản lý các di tích thuộc về sở hữu của một cộng đồng như dòng họ. Cần tôn trọng vai trò của người chủ sở hữu là dòng họ. Nhiều quy định hiện nay quá cứng nhắc, không phù hợp với sự thay đổi của xã hội, không khuyến khích được cộng đồng tự nguyện tham gia bảo tồn và phát huy di tích của mình.

Nếu các cơ quan hữu quan không tạo điều kiện cho người dân tu sửa những trường hợp như thế này, chắc chẳng ai dám tự nguyện đưa nhà mình vào diện xếp hạng di tích!”- ông Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trao đổi với TT&VH.




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm