Mức án nào dành cho bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường?

29/10/2013 18:01 GMT+7 | Pháp luật

(Thethaovanhoa.vn) - Cho tới lúc này, thi thể nạn nhân nữ trong vụ phẫu thuật thẩm mỹ gây chết người ở thẩm mỹ viện Cát Tường vẫn chưa được tìm thấy.

Để làm rõ vấn đề, Thethaovanhoa.vn đã trao đổi với luật sư Phạm Văn Mỹ, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị xung quanh tình huống này.

Luật sư Phạm Văn Mỹ - Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị.

Luật sư Phạm Văn Mỹ cho biết: "Với ca phẫu thuật thẩm mỹ của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, nếu sau khi sự việc xảy ra do phẫu thuật, biết nạn nhân chưa chết, nhưng vì lý do nào đó mà đem đi phi tang, thì hành vi đó coi là tội giết người theo điều 93 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt của tội giết người là từ 12 năm đến tử hình. Những người khác tham gia thì coi là đồng phạm".

"Còn nếu biết rõ là nạn nhân đã chết do phẫu thuật, chỉnh hình bởi việc làm của mình, mà đem xác nạn nhân đi phi tang thì hành vi đó sẽ là "vi phạm qui định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dich vụ y tế khác" theo điều 242 Bộ luật Hình sự. Theo thông tin tôi nắm được thì cơ sở này chưa được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên vì đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng (chứ chưa phải là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng), nên mức hình phạt cao nhất cũng chỉ đến 15 năm tù. Những người khác biết việc làm đó nhưng vẫn giúp sức là đồng phạm về loại tội đó.

Khi được hỏi về các ý kiến trái chiều xung quanh việc hình phạt dành cho bác sĩ Tường, luật sư Phạm Văn Mỹ cho biết: "Vừa qua, một vài ý kiến cho rằng, nếu không tìm được xác nạn nhân là không quy trách nhiệm được là không đúng. Vì căn cứ vào lời khai nhận, mô tả của bị can cũng như lời khai của những người làm chứng về kíp trực hôm đó và điều tra thu thập các chứng cứ khác (ví dụ như cho diễn tả lại các thao tác khi phẩu thuật, xem xét theo kết luận của chuyên môn, các loại thuốc đã sử dụng, tình trạng diễn biến của nạn nhân sau khi mổ...), để xem xét đó là tội giết người hay là tội vi phạm qui định về khám chữa bệnh. Điều quan trọng nữa là bị can phải chịu tất cả các chi phí cho việc tìm kiếm nạn nhân từ A đến Z".


Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường tại hiện trường vụ án. Ảnh Nguyễn Quyết - Người Lao Động

Như tin đã đưa, ngày 19/10, chị Lê Thị Thanh Huyền có đến phẫu thuật thẩm mỹ tại Thẩm mĩ viện Cát Tường. Song tại đây, sau khi phẫu thuật, chị có biểu hiện sùi bọt mép, mặt tím tái, khó bắt mạch. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường có tiêm thuốc trợ tim nhưng nạn nhân đã chết lâm sàng.

Khi thấy nạn nhân tắt thở, thay vì khai báo với cơ quan chức năng, Nguyễn Mạnh Tường lập tức cho toàn bộ 20 nhân viên của Thẩm mỹ viện Cát Tường về sớm, đồng thời tẩu tán toàn bộ trang thiết bị y tế trong trung tâm cùng nhiều giấy tờ quan trọng hòng che mắt cơ quan chức năng.

Ngay hôm đó, nhân viên bảo vệ của Thẩm mỹ viện Cát Tường là Đào Quốc Khánh đã lái chiếc xe máy của chị Huyền đem vứt bên vệ đường Cổ Linh, ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Tiếp đó, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường cùng Đào Quốc Khánh khiêng xác nạn nhân ra xe ô tô riêng mang biển kiểm soát 29A-4881 chở lên cầu Vĩnh Tuy rồi ném xuống sông Hồng.

Cho đến nay, thi thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm