Một lần tới Lệ Giang (Kỳ 2): Không đi rất phí

05/12/2012 16:07 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - Như để bù đắp lại cho những tổn hại về vật chất lẫn tinh thần của chúng tôi trên đường tới Lệ Giang như đã kể ở phần 1, thành phố với hơn 8.000 cây số vuông này chiêu đãi du khách ham khám phá một thực đơn thịnh soạn mà để thưởng thức hết bạn phải có đủ thời gian, sức khỏe và sự đam mê.

Lên núi xem nhạc kịch

Trong lúc còn đang lơ vơ trên chuyến xe bus tới Lệ Giang, như mọi du khách tới đây, chúng tôi đã lên sẵn lịch trình lên ngọn núi Ngọc Long Tuyết Sơn xem vở nhạc kịch Ấn tượng Lệ Giang do đích thân đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu dàn dựng. Một vở nhạc kịch được biểu diễn ngoài trời, trên độ cao hơn 3.000m, với cảnh nền sân khấu chính là bầu trời và dãy núi Ngọc Long…, thật khó tưởng tượng nếu không một lần “mục sở thị”.

Thật ra, Ấn tượng Lệ Giang là một trong chuỗi các vở, tạm gọi là “nhạc kịch du lịch” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu có cùng tên Ấn tượng…, khởi đầu từ vở Ấn tượng Lưu Tam Tỉ, được dàn dựng vào năm 2003, lấy bối cảnh sân khấu là dãy núi và dòng sông Quế Lâm, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Quế Lâm vốn là một thị trấn nhỏ bé nhưng đông nghẹt khách du lịch và Ấn tượng Lưu Tam Tỉ là một trong những thỏi nam châm giữ khách của địa phương này. Sau thắng lợi của vở nhạc kịch ngoài trời đầu tiên, ê-kíp của đạo diễn họ Trương tiếp tục được các địa phương mời dàn dựng những vở diễn nghệ thuật tương tự để thể hiện vẻ đẹp của địa phương và thu hút du khách. Sau Ấn tượng Lưu Tam Tỉ Ấn tượng Lệ Giang - vở nhạc kịch được dàn dựng trên núi cao và Ấn tượng Tây Hồ - được thực hiện trên mặt nước Tây Hồ ở Hàng Châu.

Diễn viên nghiệp dư và màn biểu diễn Ấn tượng Lệ Giang trên độ cao 3.100m

Khi chúng tôi tới Lệ Giang thì vở Ấn tượng Lệ Giang đã trình diễn được 5 năm, vậy nhưng vẫn có tới 3 suất diễn mỗi ngày và không dễ gì mua được vé. Thuê một chuyến xe rời cổ trấn từ sáng sớm hướng về Ngọc Long Tuyết Sơn, khi tới “nhà hát”, nằm ở độ cao 3.100m so với mực nước biển, chúng tôi tá hỏa khi thấy xe du lịch chật kín ngoài bãi, hàng ngàn du khách đã đổ về đây sớm hơn cả chúng tôi và suất diễn đầu tiên trong ngày đang diễn. Vé xem được bán thông qua các công ty du lịch, và như đã nói, bạn phải có vé du lịch phố cổ (80 tệ) mới được phép mua vé xem nhạc kịch. Nhờ cậy mãi rồi chúng tôi cũng mua ké được mấy vé qua một công ty du lịch nội địa. Giá vé 190 tệ/người (khoảng 650 ngàn đồng), ngồi ngoài trời, không có số ghế.

Để có thể không chết cóng vì lạnh khi ngồi ngoài trời cả tiếng đồng hồ để xem Ấn tượng Lệ Giang, chúng tôi phải bỏ thêm mỗi người 50 tệ (khoảng 170 ngàn đồng) để thuê áo khoác. Ấy thế mà lọt vào được bên trong “nhà hát” thì đã thấy ghế kín khoảng 3 phần 4, những chỗ ngồi tốt đã có người hết cả. Suất diễn chúng tôi xem là suất thứ hai trong ngày. Hơn 5 năm, liên tục như thế, Ấn tượng Lệ Giang thu hút bao nhiêu khán giả, chịu không tính được, có lẽ phải tới hơn 10 triệu người xem và còn tiếp tục xem… Đạo diễn họ Trương “ghê gớm” thật!

Cái “ghê gớm” đầu tiên có lẽ là quyết định lấy thiên nhiên hùng vĩ và khắc nghiệt của Ngọc Long Tuyết Sơn ở độ cao hơn 3.000m để làm bối cảnh cho sân khấu. Điều này cũng có nghĩa, Ấn tượng Lệ Giang chỉ có thể diễn ra vào ban ngày và không thể dùng bất cứ một hiệu ứng ánh sáng nào để che giấu những khiếm khuyết khi dàn dựng hay để tạo thêm hiệu ứng thị giác như hầu hết các vở nhạc kịch trên thế giới. Ánh sáng của vở diễn là mặt trời. Trương Nghệ Mưu cũng mạo hiểm sử dụng một lực lượng hùng hậu tới 500 diễn viên mà tất cả đều là người dân địa phương, được chọn từ 10 dân tộc sống tại 16 thị trấn và làng mạc trong vùng Lệ Giang. Trong những bộ trang phục dân tộc được thiết kế cách điệu, các diễn viên nghiệp dư này cưỡi ngựa, biểu diễn các điệu vũ dân tộc, trình diễn các lễ nghi truyền thống, và cất tiếng hát khi trầm hùng mạnh mẽ, khi cao vút trong trẻo (hoàn toàn không dùng micro) giữa đất trời. Để giúp khách du lịch có thể hiểu được nội dung lời ca, có một màn hình dịch lời bài hát ra tiếng Anh, những lời ca thật cảm động, nói về tình yêu của con người Lệ Giang với thiên nhiên ở đây, với cuộc sống và con người ở đây, nói về nỗi buồn và tình yêu, về chia ly và hạnh phúc… Khác xa không gian ngồi giữa nhà hát Broadway (New York) xem vở nhạc kịch Beauty And The Beast ngày nào nhưng sự cảm động trước sức lay động của nghệ thuật thì không khác. Ở đâu thì nghệ thuật thực sự cũng có chung một ngôn ngữ…

Nhảy múa trên phố cổ

Nhưng ở Lệ Giang không nhất thiết cứ phải lên núi mới thưởng thức được âm nhạc và các điệu dân vũ. Phố cổ Lệ Giang còn có thể gọi là phố của âm nhạc dân tộc và dân vũ mà bạn chẳng cần tốn một xu tiền vé lại có thể trở thành diễn viên ngay nếu thích.

Đi chợ vùng cao

Ngay khi chúng tôi đặt chân tới quảng trường chính, thì các cụ bà người Nạp Tây cao hứng một điệu múa dân tộc với âm nhạc phát ra từ chiếc đài bán dẫn cũ. Trong số các “diễn viên” này có nhiều người mà về sau chúng tôi biết, mới đi chợ về, trang phục còn chưa thay. Từ quảng trường tỏa ra bốn dãy phố kéo dài theo bốn hướng. Hai bên các phố này, và bên những ngách nhỏ quanh co chạy dọc theo bờ con sông Ngọc là cả một hệ thống quán ăn, quán rượu décor độc đáo, không cái nào giống cái nào. Thú vị là, mỗi buổi chiều, các cô gái chàng trai phục vụ quán, trong những bộ trang phục dân tộc đẹp mắt lại bắt đầu bài tập các tiết mục văn nghệ của mình ngay trên phố. Mỗi quán một kiểu trang phục (dĩ nhiên đều là trang phục dân tộc), mỗi quán một chương trình khác nhau. Du khách nếu thích có thể hòa vào tập theo… Phố cổ Lệ Giang nhờ thế vui không thể tả. Đông, vui, có chen chúc, nhưng tuyệt không thấy mất cắp. Ở đây mới thấy “Thiên hạ vô tặc”!

Không thích ồn ào đám đông thì nhất định phải vào Thính phòng Nạp Tây, nhà hát cổ xưa nhất của Lệ Giang. Ban ngày nhà hát mở cửa vào tham quan thoải mái không mất tiền (dĩ nhiên phải có vé du lịch phố cổ), còn muốn vào xem trình diễn thì phải mua vé từ 120 đến 160 tệ (khoảng 400 tới 500 ngàn). Điều đặc biệt nhất của nhà hát này (bên ngoài trông nó khá tuềnh toàng) là dàn diễn viên cao tuổi nhất thế giới: toàn các cụ ông tuổi từ 70 tới 90! Và các diễn viên cao tuổi này lại biểu diễn với những nhạc cụ lâu đời nhất Trung Quốc: có những cây đàn vài trăm năm tuổi!

Quán xá ở Lệ Giang đặc biệt thích trưng bày… lợn ướp khô nguyên con

Nhà cổ ở Lệ Giang cũng nhiều tuổi. Theo sử sách ghi lại thì Lệ Giang được xây vào cuối đời Tống, đầu đời Nguyên, cách đây hơn 800 năm. Tuy nhiên một trận động đất vào tháng 2/1996 đã phá hủy một phần ba thành phố. Hôm chúng tôi ở Lệ Giang, chứng kiến chuyện hy hữu: một căn nhà cổ bỗng dưng đổ sụp sau một trận cuồng phong bất ngờ. Lạ là, loáng cái đã thấy xe (xe ô tô chạy điện, gần như không có tiếng động) tới và chở sạch đống đổ nát ấy đi. Mọi thứ được dọn dẹp rất nhanh. Và chúng tôi lại thấy nhiều ngôi nhà cổ khác đang được dựng lại. Có thể trước đó ở những nơi ấy đã có những căn nhà cũ sụm chân với thời gian và chúng đã được thay thế rất nhanh bằng một “phiên bản” khác.

Quán xá ở Lệ Giang đặc biệt thích trưng bày… lợn ướp khô nguyên con. Kỹ thuật ướp thật cao tay. Thoạt đầu, chúng tôi cứ ngỡ đó là đồ giả, đồ bằng nhựa (!), về sau mới biết tất cả đều là đồ xịn 100%. Đi dọc phố Lệ Giang, hoặc ngồi cà phê ở quán bên dòng sông Ngọc (nước trong như ngọc), thoảng lại nhìn thấy từng xâu thịt treo ngay trên mái nhà những căn nhà cổ. Thịt ướp khô là một trong những đặc sản ở vùng cao này. Cứ đi theo những xâu thịt treo mái nhà và mùi thịt ướp của các quán ăn xinh đẹp, chúng tôi tình cờ được dẫn tới chợ Lệ Giang (khu chợ nằm giáp ranh giữa cổ trấn và thành phố mới). Những súc thịt ướp khô ở đây ấn tượng như những tác phẩm nghệ thuật đương đại! Bên kia đường là Lệ Giang phố mới, là cửa hàng bách hóa tổng hợp, là siêu thị như bất cứ một thành phố hiện đại nào. Nhưng bên này đường là chợ Lệ Giang cổ trấn, với tất cả sự hồn nhiên, hoang dã và thơ ngây của nó. Mấy bà gánh rau đi chợ bán. Thịt xông khói từng lớp treo ở mặt tiền các cửa hàng. Cụ ông ngồi bó gối cười móm mém bên cạnh quầy thuốc Bắc trải ngay dưới đất. Một xe bò chở chó con và cả những bu gà. Vợ chồng kiến trúc sư Phó Đức Tùng đã tậu được một con chó Alaska lông xù ở đây… Mùi chợ vùng cao đậm đặc.

Giờ thì thật khó kiếm được chốn nào vừa hồn nhiên vừa có nghệ thuật làm du lịch được như Lệ Giang.

Thủy Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm