Mỏi mồm ở Sầm Sơn

30/05/2013 18:30 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ông chủ hàng nước giải khát trên bãi biển gần như túc trực thường xuyên ở các dãy ghế của mình. Ai đi qua ông cũng mời và luôn kèm thêm câu: "Đúng giá, không chặt chém". Nhưng có vẻ như chẳng ai tin. Ai muốn ngồi cũng phải hỏi đi hỏi lại khá nhiều.

Thế là chủ quán đã phải nói nhiều, khách cũng phải hỏi nhiều. Vậy nên mới có chuyện "Mỏi mồm ở Sầm Sơn".

Ám ảnh quá khứ

Thời gian gần đây, nhiều tờ báo, trang thông tin, các diễn đàn, mạng xã hội liên tục nhắc đi nhắc lại chuyện chặt chém ở Sầm Sơn. Các diễn đàn, mạng xã hội thì khỏi phải nói, mắng thái độ 'làm' dịch vụ của Sầm Sơn tơi tả. Nhiều lúc ngôn từ không thể kiểm soát được khiến người chưa đến Sầm Sơn có thể nghĩ rằng đây là địa ngục trần gian của thế giới du lịch. Nhưng thông tin này đối với 'dân' du lịch chỉ mang ý nghĩa tham khảo.

Báo chí cũng vào cuộc. Nhưng thái độ vào cuộc của họ lại khá giống cộng đồng mạng. Các thông tin từ 3-4 năm, thậm chí cả chục năm trước được lôi ra làm ví dụ cốt chỉ để khẳng định Sầm Sơn là trung tâm chặt chém khách du lịch. Rằng thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ và cảnh quan ở đây là hết sức tệ hại. Viết như vậy liệu có khách quan?

Nhưng cái gì cũng vậy, đều có cơ sở cả. Những năm trước đây Sầm Sơn chặt chém, bắt nạt khách du lịch thế nào, bạn có thể tìm thấy thông tin đầy trên mạng. Những bài chê thi thoảng thấy xuất hiện trên 1 vài tờ báo, nhưng từ khá lâu.

Điều đó khiến vùng biển này gần như mất tên trên bản đồ du lịch của các hãng cung cấp dịch vụ du lịch. Họ vẫn có tour nhưng chỉ làm khi khách yêu cầu chứ ít khi chủ động đề xuất khách đến đây. Và đó là lý do giải thích cho việc những đoàn khách đến đây thường là người của tỉnh Thanh Hóa và các đoàn đến từ các tỉnh lân cận.

Nếu bạn chỉ cần đăng lên mạng xã hội yêu cầu tư vấn đi Sầm Sơn, chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên mà nếu người Thanh Hóa đọc được sẽ... đau lòng lắm. Nào thì mặc cả từng tí một, hỏi rõ các dịch vụ, tránh chụp hình ở những khu vực có dịch vụ chụp hình, hát karaoke thì phải kiểm tra kĩ gầm bàn, ăn lẩu nhớ hỏi giá nồi lẩu có cả nước lẩu, ăn ghẹ nhớ hỏi giá ghẹ đã luộc và có gồm muối chấm chưa... Mọi sự hớ hênh đều có thể phải trả giá bằng... rất nhiều tiền. Thường thì chốt lại, họ sẽ khuyên bạn... không nên đi.

Nhưng nếu bạn hỏi người đưa ra lời khuyên đó là họ đi Sầm Sơn từ bao giờ, chắc chắn đa số họ sẽ nói đi từ rất lâu rồi. Và những gì họ bị đối xử ở Sầm Sơn ám ảnh họ tới tận bây giờ. Chỉ một lần như vậy thôi, họ sẵn sàng cạch không bao giờ đến đây nữa. Và khả năng bị chặt chém này thường rơi vào những người thành phố, khách nước ngoài, những người có vẻ ngoài nhiều tiền.

Mỏi mồm giải thích

Đến Sầm Sơn thời điểm này, bạn có thể phì cười. Thay vì mời chào ăn uống, người ta sẽ giải thích trước là cửa hàng của họ không chặt chém!!! Tại khu vực bãi biển gần mũi đá, những ông chủ hàng nước giải khát, ghế nghỉ đứng túc trực và liên tục chào mời khách đi qua. Ngay sau câu mời ngồi, họ luôn kèm theo vài câu đại khái như: "Đảm bảo đúng giá anh ơi, 1 ghế hai người ngồi thoải mái, anh yên tâm bọn em không chặt chém đâu mà...".

Ở bãi đá phía Nam đền Độc Cước, một chủ quán giải khát kêu than: "Oan cho tôi lắm. Ai vào cũng hỏi từng ly nước, từng chỗ ngồi. Không giải thích thì sợ hiểu nhầm lừa khách. Giải thích thì không hết được vì đoàn có 10 khách thì đến 9 khách hỏi kỹ giá đối với mỗi món đồ".

Nhưng dường như những câu giải thích đó vẫn là chưa đủ để tạo niềm tin cho khách hàng. Đa số họ lắc đầu quầy quậy và đi tiếp. Ai thèm ngồi lắm thì mới chịu đứng lại ngập ngừng và hỏi đủ thông tin: "Hai người ngồi 1 ghế là 20 nghìn đúng không? Nước dừa giá đó đã tính tiền bổ dừa chưa? Tôi chỉ uống 1 chai bia thôi đấy nhá...". Nói tóm lại, họ gần như lúc nào cũng phải trong tình trạng rào trước, đón sau, đảm bảo không để lộ ra kẽ hở gì, tránh trường hợp bị chặt chém.

Anh Cường, một nhân viên làm dịch vụ theo thời vụ cho anh trai ở bãi biển Sầm Sơn cho biết: "Tất cả mọi người đều nghi ngờ bọn em. 1 chai bia giá 20.000 đồng, rẻ quá họ cũng nghi sẽ bị lừa cái gì đó. Mua bao thuốc bọn em tặng luôn cái bật lửa cho dùng cũng tròn mắt ra nhìn. Vẫn biết cái tiếng chặt chém ở Sầm Sơn đã ăn quá sâu vào đầu khách du lịch nhưng quả thực, em không nghĩ giờ muốn làm tử tế lại khó đến vậy".

Anh Cường cũng khẳng định, việc chặt chém ở Sầm Sơn hiện vẫn còn nhưng hiếm. Những quán có đăng ký kinh doanh nếu bị khách phải ánh, lực lượng an ninh trật tự sẽ đến và xử lý. Nhưng nhiều đối tượng làm trộm, bỏ bừa ghế ra bãi biển kiếm khách thì vẫn có thể chặt chém khách bằng nhiều cách. Đặc biệt là những ai tỏ vẻ ngu ngơ hoặc sĩ diện, ra vẻ có tiền thì càng dễ dính.

Không như anh Cường nói, một chủ nhà nghỉ lại khẳng định, Sầm Sơn vẫn còn đầy chặt chém. Từ ngồi ghế, đi hát karaoke cho đến chụp ảnh... cứ ai không cẩn thận là bị chém với giá cao. Và anh khuyên, nếu cần sử dụng dịch vụ gì, tốt nhất là nên hỏi chủ khách sạn. "Như vậy đảm bảo hơn", anh nói.

Chờ một thay đổi lớn

Thực tế, Sầm Sơn thời điểm hiện tại không tệ hại như những gì đang đồn thổi trên mạng.

Chúng tôi đi với tư cách là một người khách bình thường, sử dụng dịch vụ nhà nghỉ bình dân với giá 200.000 đồng/ngày, ăn cơm với nhóm 5 người chỉ hết có 750.000 đồng và ngồi bãi biển, uống bia chỉ hết có 40.000 đồng. Đó là một mức giá chấp nhận được, nếu không muốn nói là rẻ ở một khu du lịch.

Nhưng đó chỉ là câu chuyện giải quyết vấn đề Sầm Sơn có còn chặt chém hay không và chặt chém đến đâu mà thôi. Còn những vấn đề khác có lẽ phải xem xét nhiều.

Vệ sinh môi trường: Thật bất ngờ khi Sầm Sơn sạch hơn rất nhiều so với những gì tôi biết trước đây (có lẽ cũng gần 5 năm rồi). Không còn rác lổn nhổn khắp bãi biển, phân ngựa trôi lềnh bềnh theo sóng, không còn những thứ khiến khách đi trên cát mà cứ phải nhón nhón chân cho đỡ đau.

Trở lại với Sầm Sơn, điều có thể không hứng thú lắm với du khách là các món ăn. Cơm bình thường, các món ăn kèm không có gì quá đặc biệt. Hải sản ư? Đơn giản chỉ là luộc, hay rán lên và chấm với các đồ chấm đơn giản nhất như nước mắm, bột canh, chanh, ớt. Bạn khó có thể kiếm được những cách chế biến đột phá ở các quán ăn bình dân hoặc các nhà hàng. Bạn sẽ thấy rõ điều này nếu bạn là người thích đi du lịch và thích nếm các món ăn ở những vùng miền mình đến. Vì vậy, đến Sầm Sơn, bạn không nên hi vọng có những bữa ăn đã mồm trừ khi sử dụng các dịch vụ cao cấp trong các resort. Mà Sầm Sơn lại không phải là một khu du lịch cho những đối tượng khách có nhiều tiền.

Tôi rất tâm đắc với câu nói của ông chủ nhà nghỉ nơi tôi thuê: "Các anh là khách, không có sự lựa chọn nào khác cho việc ăn uống nên phải ăn ở đây thôi. Chứ dân thành phố Thanh Hóa họ chỉ xuống tắm rồi về nhà ăn cơm. Thèm hải sản, họ mua đồ về nhà tự nấu, nêm nếm, chế biến cho ngon". Vâng, đó là người Sầm Sơn nói.

Về giải trí: Bạn có thể kể được dịch vụ giải trí gì đáng kể ở Sầm Sơn? Thăm hòn Trống Mái, đền Độc Cước, dạo quanh phố phường, một số dịch vụ trên biển. Tất cả đều không quá nổi bật nhưng cơ bản là phù hợp với đối tượng khách bình dân. Với giới trẻ, duy nhất có một sàn nhẩy mới nổi. Còn lại thì vẫn là những chiếc xe đẩy bán hàng lưu niệm, những con phố cơ bản vẫn như cách đây cả chục năm, những ngôi nhà cũ kĩ không có gì nổi bật hay ra dáng là một khu du lịch.

Nhiều đoàn khách đến Sầm Sơn không phải vì họ chọn mà vì cơ quan, đoàn thể chọn. Ở đây rẻ, ở đây cũng cơ bản có đủ các dịch vụ du lịch và thế là đủ. Nhưng không phải ai đi đến đây cũng hài lòng. Họ theo đoàn nhưng không tắm biển, không thăm quan. Họ thậm chí còn không bước chân ra khỏi khách sạn mà ngồi rịt trong phòng đánh bài. Có gì đủ hấp dẫn để lôi họ ra khỏi phòng chứ?

Có thể nói, ngoại trừ việc chặt chém đang được chấn chỉnh, Sầm Sơn vẫn vậy. Đây chỉ là điểm đến chấp nhận được chứ chưa có gì thực sự hấp dẫn, thực sự phải đến.

Vậy làm gì khi phải đến Sầm Sơn?

Nếu nói là phải đến Sầm Sơn e rằng hơi quá lời. Nhưng quả thực, trong nhiều trường hợp, bạn khó có thể chọn cho mình lựa chọn khác khi cơ quan, đoàn thể đã quyết định chọn điểm đến này. Vậy hãy cứ tận hưởng nếu đến đây.

Trước tiên, hãy cứ quên đi những phòng nghỉ không quá tiện nghi và ra biển. Biển Sầm Sơn không xanh trong nhưng bù lại có những con sóng tuyệt vời. Đi biển nếu không tắm biển thì thật dở. Đi Sầm Sơn nếu không để sóng đánh đến tức ngực thì hỏng cả một kỳ nghỉ.

Tiếp đó, bạn hãy nghĩ đến việc thăm đền Độc Cước, ngắm hòn Trống - Mái, dạo phố, mua quà lưu niệm. Mặc dù những địa điểm này không phải là quá thú vị nhưng nó đủ giúp bạn đốt được ít thời gian khi đến đây và cũng phần nào hồi phục được sức khỏe sau 1 buổi vờn sóng.

Nếu bạn nghĩ thế là chưa đủ cho một kỳ nghỉ của mình, bạn nên chuẩn bị máy ảnh và tất nhiên là đi chụp ảnh. Hãy chụp dọc bờ biển với nền là những con sóng lớn vỗ bờ. Hãy thử lang thang đêm trên bãi biển và chụp phơi sáng với những con thuyền đánh cá đang nằm chờ sáng để ra khơi. Hãy vào rừng thông gió thôi vi vu với 1 bên là biển, 1 bên là núi.

Nhưng ấn tượng nhất, bạn hãy đến phía nam đền Độc Cước, hỏi đường xuống bãi đá. Nếu đến đây vào buổi sáng, khi thủy triều rút, bạn chắc chắn sẽ mê mẩn với bức tường đá nhiều màu sắc, nhiều hình thù. Đó cũng sẽ là nơi bạn có thể tạo dáng và để lại nhiều kiểu ảnh ấn tượng mà không phải khu du lịch biển nào cũng có.

Vâng, có thể nhiều du khách có nhiều cách nghĩ khác nhau về Sầm Sơn, tuy nhiên, đi đâu, đến đâu, làm gì cũng cố gắng nhìn bằng con mắt của một người sử dụng là khách quan nhất. Còn bạn, bạn có chọn Sầm Sơn không? 

C.M.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm