Miền Tây

07/08/2009 09:51 GMT+7 | Thế giới

Ghi chép của Trần Thế Vinh

(TT&VH) - Cuối cùng, tôi cũng đã đặt chân đến được đồng bằng châu thổ Cửu Long, nơi mà riêng cái tên của nó đã có một mãnh lực đầy lôi cuốn.

Tổ tiên trên bước tiến ngàn dặm của mình, tới nơi đây hẳn cũng đã từng cảm thấy ngây ngất khi lần đầu tiên nhìn thấy một đồng bằng mênh mông với những dòng sông bờ xa tít tắp. Hơn 300 năm bị chinh phục, bãi bờ vẫn nồng ấm mùi vị của phù sa ngày đêm bồi đắp. Nước sông ngay vào mùa lũ cũng không đục như nước ở sông Hồng, do hàm lượng phù sa nhỏ.

Tuy vậy, tổng lượng phù sa của các con sông Cửu Long hợp lại vẫn lên đến một con số khổng lồ, vào khoảng 100 triệu tấn/năm, nghĩa là gấp khoảng vài lần tổng lượng phù sa sông Hồng, và lượng nước đổ ra biển trung bình lên đến 475 – 500 tỉ mét khối. Ở quanh TP.HCM, chiều dày phù sa chỉ có khoảng vài mét, nhưng nó đã đạt đến 20m ở Long An, 70m ở Mỹ Tho, 100m ở Long Toàn, 110m ở Bạc Liêu, 200m ở Cà Mau, thậm chí tới 260m ở Năm Căn. Miền Tây là nơi các đạo quân thực vật bền bỉ tiến ra biển rộng, mở đầu là Mắm đen, sau đó là Vẹt tách, Đước, Cốc, Ráng, Sú, Bần, sau đó một chút là Chà là và Dừa nước, và chúng chỉ chịu dừng lại ở những nơi có nền đất không thích hợp hoặc vực sâu.

Hành trình về miền Tây trên container đầu kéo


Tôi đi miền Tây chuyến này bằng xe container đầu kéo, một chiếc của Mỹ, mầu xanh nước biển, còn rất mới. Anh Hùng đợi tôi với anh Hai Lúa (“tên riêng” chúng tôi gọi phóng viên Tấn Đức của báo Tuổi trẻ) ở bùng binh An Lạc, lúc nào cũng kẹt cứng thì phải, khi gặp được nhau đã vào quãng 24h đêm. Leo lên, đi thôi, giảm xóc hoàn hảo, ghế êm tuyệt vời. Như một chiếc tuần dương hạm trên cạn vậy.

Đường miền Tây, chỉ trừ khi đi qua những cây cầu bắc qua kênh rạch thì mới có cảm giác dốc lên, dốc xuống một chút. Hùng kể rằng, bề mặt của châu thổ trông bằng phẳng gần như tuyệt đối. Ngay cả những con đường rải nhựa bóng loáng cũng phẳng đến mức, vào giữa trưa, người ta thấy hiện trên mặt đường ảo ảnh của những vũng nước lớn mà trong thực tế không hề có. Anh Hùng là “đại ca” của tôi từ bé, hai vợ chồng vỡ nợ dắt díu nhau vô miền Tây lánh nạn. Khi đó chị Quỳnh Anh bụng đã to lắm, trong túi chỉ còn vẻn vẹn có 2 triệu đồng để sinh con. Vậy mà nằm nhà trọ bị móc trộm mất. May gặp được một bà đỡ tốt bụng cho chậm tiền. Hai vợ chồng anh làm đủ nghề để sống, giờ cũng đã có nhà riêng ở gần sân bay Cần Thơ. Mỗi chuyến chạy container miền Tây – Sài Gòn được 1 triệu đồng, tháng chạy hơn chục chuyến, cộng với 5 triệu tiền cơm, cũng có thể đủ nuôi gia đình. Tài xế ở đây được trả khá hơn miền Bắc. Hỏi rằng lái container thì có gì khó, bảo rằng khó nhất là vào cua đường hẹp và cài số de đi lùi. Hỏi rằng người miền Tây thế nào, bảo là thẳng thắn thật thà dễ chịu, sống được lắm. Miền Tây dung nạp tất cả. Chuyện trên xe đêm cứ rả rích thế, tôi ngủ lúc nào không hay.

Sáng mở mắt đã thấy bát ngát màu xanh cây trái. Kênh rạch chằng chịt, ghe xuồng san sát. Có người ví, miền Tây cò bay gãy cánh, chó chạy đứt lưỡi. Nhưng cây trái thường che lấp tầm mắt, để nhìn được rõ cái mênh mông dường như vô tận đó, chỉ có thể đứng trên những vị trí cao như cầu Mỹ Thuận, hoặc ra các ngã năm, ngã bảy sông Hậu, sông Tiền. Đất bồi quá ư bằng phẳng, khác một trời một vực với cái hùng vĩ, hiểm trở của phía Bắc Tổ quốc này.
Miền Tây chỉ có hai mùa mưa khô, khí hậu ôn hòa, mùa nước nổi có thể dâng cao hơn mặt nước mùa khô 3 – 5m, nhưng một ngày nước lên khá chậm, chỉ tựa một lóng tay. Nước mấy tháng mới lên tới đỉnh, rồi mấy tháng mới rút hết, để lại một lớp phù sa không ở đâu tại Việt Nam mỡ mầu hơn. Khi nước lớn, chỉ còn vài loại cây là sống được dù ngâm thân trong nước, như xoài, cóc, dừa lửa.

Ở đây không trồng được cây công nghiệp. Hai Lúa bảo, hồi bé anh còn bắt cả cá sấu con mang về nuôi chơi. Cá sấu con răng còn thưa, không sắc, cái cạp cạp của nó thinh thích, ngưa ngứa. Bây giờ cá sấu có lẽ chỉ còn ở những đầm lầy, bưng biền heo hút, nhưng tôm cá vẫn ê hề. Người ta đã dựng lên tại dải đất này tượng đài cá ba sa nhằm tôn vinh những người đã thuần dưỡng loại cá này, khiến hàng vạn người thoát khỏi đói nghèo và trở nên giàu có.

Cô gái miền Tây (ảnh: Zidean)


Tụi tôi nhảy xe máy xuống tứ giác Long Xuyên. Nơi ấy, Hai Lúa lớn lên từ bé. Hai Lúa người to đùng, râu quai nón, răng cửa hàm trên đâm chênh chếch vào răng cửa hàm dưới, cười hiền khô. Dạo mới biết nhau, chúng tôi thường xúm vào chọc ghẹo Hai Lúa đến độ ảnh ngẩn tò te. Đến khi rằng “nói đùa đấy”, ảnh mới cười xòa “ủa vậy hả”? Vô nhà thấy nằm chình ình một ông Tây, hóa ra em gái Hai Lúa lấy chồng người Bỉ. Đất lành chim đậu, bốn phương tụ hội, đến người của đất nước tại trung tâm châu Âu cũng thấy có mặt ở nơi này. Tôi muốn nói chuyện với chàng rể người Bỉ một chút, về sự giống nhau của hai quốc gia đã từng phải gánh chịu chiến tranh liên miên, nhưng chàng không hứng thú lắm, mà mải mê thưởng thức những món đồ bà nhạc nấu.

Vị tôm cá lẫn với cái đăng đắng ban đầu, rồi ngọt dần của lá sầu đâu, rất lạ lẫm. Loại cây Ấn Độ tên neem này, không hiểu bằng cách nào lại đến đây, mọc đặc biệt nhiều ở An Giang. Thời gian tôi ở miền Tây chỉ có 24 tiếng, nên chưa được ăn món gỏi sầu đâu đặc sản của Long Xuyên, chưa được đi nghe vọng cổ trên sông nước, về tiếc mãi. Đêm về bến Ninh Kiều còn tranh thủ nhậu một trận tơi bời, mà món chủ đạo là ba khía và càng cua đồng. Những con ba khía chân đầy lông to như nắm đấm, những chiếc càng cua to như càng của biển, mà ngay cả ở Sài Gòn cũng không có mà bán. Tôi nghe Hai Lúa kể về nước mắm ướp bằng rươi ở đây, lại nhớ món chả rươi bà con tranh nhau mua ở vỉa hè Hà Nội mỗi độ nắng lên trong cái hanh hao của tiết thu tháng chín, bất chợt tủm tỉm cười. Nghe đồn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư quyết định định cư ở miền Tây này chứ không chịu về nơi đô hội, rồi đây chắc cô ấy sẽ viết được rất nhiều điều.

Tôi đi Tây Bắc nhiều đến nỗi, đến miền Tây này thấy ngỡ ngàng rằng, Tây Bắc mới nghiêm nghị, khắc khổ làm sao. Người nghèo Tây Bắc đói quá thì vô rừng đào củ sắn, củ mài sâu dưới hai ba mét đất, và họ có thể bị chết đói. Nhưng người nghèo miền Tây đói ra sông bắt con tôm con cá, vô giồng hái rau, không thể nào mà chết được. Cái khác biệt thiên nhiên ấy đã tạo ra những tính cách hoàn toàn khác của người sống tại hai vùng đất hai đầu đất nước: cởi mở xởi lởi/ kín đáo thâm trầm; phóng khoáng thoải mái/ chắt chiu tằn tiện; ngày mai tính sau/ làm khi lành để dành khi đau…Quản trị xã hội, theo đó cũng có nhiều điều khác. Nhưng đều thích rượu. Một nơi rượu để xua giá rét, đỡ buồn, có thể uống một mình, một nơi rượu để kết giao thêm bè bạn.
Thầy tôi Vũ Ngọc Khôi từng nói, miền Bắc là văn hóa ngôn từ, miền Trung là văn hóa quyền lực, miền Nam là văn hóa tứ hải giai huynh đệ, quả có nhiều điều đáng nghĩ.

Đất nước thật rộng dài.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm