Mấy ý kiến về tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn ở công viên Thống Nhất

08/05/2009 16:41 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tượng Đài Bác Hồ và Bác Tôn đặt tại công viên Thống nhất là món quà nhiều ý nghĩa của TP HCM tặng TP Hà Nội nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Là biểu tượng cho sự thống nhất đất nước, cho độc lập dân tộc, tượng đài được lấy chủ đề từ bức ảnh lịch sử chụp năm 1960 khi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bầu Bác Hồ làm Chủ tịch nước, Bác Tôn làm Phó Chủ tịch nước. Chính vì ý nghĩa quan trọng đó nên một hội đồng nghệ thuật của hai thành phố được thành lập để xét chọn ra tác phẩm đạt yêu cầu, sau đó phía TP HCM thực hiện và chuyển tặng cho TP HN.

Có ít nhất 24 tác phẩm tham gia thi tuyển, ở vòng 2 rút lại còn 03 tác phẩm, Ngày3/5/2009 Sở Văn hoá, Thông tin và Truyền thông  HN đã trưng bày tại 93 Đinh Tiên Hoàng để lấy ý kiến góp ý của rộng rãi nhân dân thành phố và những người quan tâm. Đây là việc làm cần thiết và phù hợp nguyện vọng của nhiều người Hà Nội, vì tượng đài này sẽ đặt tại đảo ở công viên Thống Nhất, sẽ là điểm nhấn trong các công trình văn hoá tại không gian công cộng này. Là người quan tâm, tôi xin có vài ý kiến  (cá nhân) sau khi đã xem 3 tác phẩm đang trưng bày:

Đây là chủ đề khó, vì nó đòi hỏi phải được thể hiện thật sinh động và bám sát sự kiện lịch sử đã được ghi lại bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh khi chuyển sang ngôn ngữ điêu khắc với chất liệu hợp kim đồng, hơn nữa với kích thước khá lớn trong một không gian rộng rãi thoáng đãng, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có một tàm khái quát hoá cao và một chuyên môn vững vàng.

Ở tác phẩm có mã số 01- BHBT, hình ảnh Bác Tôn trân trọng cầm tay Bác Hồ, Bác Hồ trân trọng nâng tay Bác Tôn phong thái ứng xử lịch thiệp nhưng rất ân tình thắm thiết, thể hiện đậm nét văn hóa ứng xử phương Đông.


Phong thái ung dung nhưng ân cần. Gương mặt hai Bác tươi tắn, bình dị pha chút ưu tư vì hoàn cảnh nước nhà lúc ấy. Đó là những nét lớn toát lên từ tác phẩm, các chi tiết cụ thể cũng thể hiện được sự tự do thoải mái trong thế đứng bắt tay, các phần chuyển tiếp khá thanh thoát chân thực. Tác phẩm tái hiện sinh động hình ảnh hai Bác trong thời điểm lịch sử năm 1960, bám sát những hình ảnh tư liệu về hai Bác. Hơn nữa khi thể hiện ở phần phối cảnh tác giả đã để tượng đài trong một không gian khá thân thiện, cởi mở phù hợp với khung cảnh công viên.

Tác phẩm có mã số 05-BHBT, về cơ bản cũng là sự chuyển tải từ ảnh chụp song có lẽ do chú ý đến sự khái quát nhiều hơn nên các khối hình hơi thô, ở tượng đài này làm cho người xem có cảm giác quần áo được làm từ những miếng tôn gò.


Phần tay của hai Bác ngoài hai tay bắt chặt hai tay còn lại được để cách ra một khoảng khiến người xem có cảm giác hơi chờ đợi một cái gì đó, hơn nữa ở phần chân không có sự chia tách cụ thể giữa quần và giày/dép cộng thêm nếp gấp gang đầu gối khiến ta dễ nhầm là hai Bác đang đi ủng. Trong phần phối cảnh tác giả xử lý không gian cho tượng đài gần với không gian quảng trường hoặc lễ đài hơn là không gian công viên.

Tác phẩm có mã số 24-BHBT có nhiều nét tương đồng với tác phẩm có mã số 01-BHBT song có một vài chi tiết ở tay của hai Bác thì khác biệt.



Tay trái của Bác Tôn thả xuôi và cầm bao kính khiến người xem thấy có gì đó chưa thật tập trung, mặt khác tay trái của Bác Hồ lại được tác giả đặt ở lưng Bác Tôn khiến cho người xem liên tưởng đến tư thế chuẩn bị “dancing”. Phần phối cảnh thì giống không gian của tác phẩm có mã số 05BHBT.


Trên đây là ý kiến góp ý hoàn toàn mang tính cá nhân của một người quan tâm, trong tư cách một công dân, chứ hoàn toàn không mang tính chuyên môn.

Nguyễn Bình Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm