Lưu Trọng Lư - người đưa động Phong Nha vào tiểu thuyết từ năm 1935

29/05/2013 09:10 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Nhân dịp này, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã công bố một phát hiện thú vị, có ý nghĩa văn học sử.

Nếu đặt câu hỏi: nhà văn Việt Nam nào là cây bút đầu tiên đưa động Phong Nha vào sáng tác văn học, thì câu trả lời hẳn còn dè dặt, vì hiện chưa có sẵn những khảo sát thống kê thật cặn kẽ.

Song, ở mức nêu tên những cây bút đã đề cập vào loại sớm nhất đến địa danh này, tôi có thể kể tên nhà thơ Lưu Trọng Lư (1911-1991). Vào năm 1935, ông đã công bố một truyện dài có nhan đề Động Phong Nha.

Tiểu thuyết Động Phong Nha

Động Phong Nha được đăng lần đầu trên tuần báo Tân Thiếu Niên, tờ báo của nhóm Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư, Vũ Trọng Phụng, ra số 1 vào 26/1/1935. Đáng tiếc là chỉ ra được 3 số, tức là sau số 3 (9/2/1935), báo đã bị đóng cửa. Sau đó, Lưu Trọng Lư cùng các bạn văn kể trên chuyển hoạt động lần lượt sang các tờ Tiến Hóa (cuối 1935) rồi Hà Nội báo (1936-1937), Tiểu thuyết thứ Năm (1937-1942), cho đăng rất nhiều sáng tác mới của mình, nhưng không cho đăng tiếp tiểu thuyết Động Phong Nha.

Sáu năm sau, ông mới đưa Động Phong Nha in ở Phổ thông bán nguyệt san (số 81, ra ngày 16/4/1941) của nhà xuất bản Tân Dân, nhưng đổi tên tác phẩm là Cô Bé Hái Dâu. 


Tiểu thuyết Động Phong Nha của Lưu Trọng Lư trên báo từ năm 1935

Đây là một cuốn truyện viết bằng thư; các phần liên tục của nó là những bức thư của Liên gửi cho Hạnh. Sau khi chứng kiến cô bạn là Tuyết chết vì tình (bị người yêu phản bội), Liên rời thành phố Huế, theo mẹ về sống ở quê ngoại, một làng miền núi gần động Phong Nha. Tại đây Liên tình cờ gặp một chàng trai từ Hà Nội về thăm ông chú với ý định tìm cảm hứng để viết văn. Họ thân nhau rồi cảm mến nhau.

Một hôm họ rủ nhau chèo thuyền vào thăm động Phong Nha; chính trong không khí thần tiên của động đá, chàng đã bày tỏ tình yêu đối với nàng; thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, chính nàng lại từ chối, khiến chàng vô cùng thất vọng. Từ đó chàng bỏ ra đi.

5 năm sau, tình cờ gặp lại chàng ở một đám cưới, Liên mới biết, chỉ vì thất tình với mình, chàng đã sống rạc rài trong các tiệm hút, tiệm nhảy, đã phá tán hết gia tài, đã lấy vợ và đẻ tới bốn đứa con mà không hề biết thương con yêu vợ! Liên hối hận vì chẳng những đã làm hại chàng mà cũng đã làm hại mình. Liên xin từ đây gắn bó với chàng mãi mãi, nhưng anh chàng đã thân tàn ma dại ấy dường như không muốn nghe, lại bỏ đi vào bóng đêm từ lúc nào...

Ý tưởng của tiểu thuyết này - như lời đề từ của chính tác giả cho thấy - đã được gợi từ một ý niệm của André Gide về cái đẹp của khoảnh khắc, tình yêu trong khoảnh khắc. Dương (tên chàng trai trong truyện) thể hiện tình yêu với Liên trong một khoảnh khắc đứng trước vẻ lộng lẫy kỳ diệu của động Phong Nha; còn Liên, như chính nàng tự bộc lộ ở cuối truyện: “Trong khoảnh khắc em đã để lọt tình yêu. Trọn đời em có ân hận cũng không hết”.

Vẻ đẹp kỳ diệu

Một trong những điểm nhấn của tác giả chính là vẻ đẹp kỳ diệu của động Phong Nha. Hãy đọc một đoạn trong truyện:

“... Liên còn nhớ ngày ấy là một ngày đầu Thu, Liên tới rủ anh Dương cùng đi xem động Phong Nha, một cái động mà người Pháp thường ca tụng cho là một cảnh đẹp nhất Đông Dương. Nhất là khi cái động ấy, ở xa Hoài Sơn chỉ độ 10 cây số, thì không có cái lý gì mà mình có thể hững hờ cho được...”

“... Chèo độ một trăm thước nữa, thì chúng tôi đã đến cửa động. Động chính là một hòn núi trổ ra một dòng nước. Bấy giờ vào khoảng 11 giờ trưa, nhưng chỉ đi khỏi cửa độ hai thước thì động đã tối om và hẹp lại chỉ để lọt một chiếc đò lớn. Liên thì đốt đuốc lên và rọi đường, còn anh Dương thì giữ lái. Dưới bóng đuốc, những thạch nhũ phản chiếu ra đủ sắc màu. Những thạch nhũ ấy rủ xuống hai bên khi thì lấy hình những ông tiên ngồi đánh cờ, khi thì lấy hình con hạc hay con voi phục, và có khi chỉ là những tảng phẳng lỳ, ở trên ấy những người phương xa xứ lạ tới khắc cái tên mình, hoặc là ghi cái cảm giác kỳ lạ của mình khi tới xem cái cảnh kỳ lạ ấy: cái cảm giác ấy là một bài thơ. Động càng vào sâu, càng hẹp lại nữa, rồi bỗng mở to ra: chúng tôi thấy đứng trước một cảnh vô cùng kỳ xảo, vô cùng diễm lệ. Ở đây không còn là cái động nữa: ta có cảm giác là lạc bước vào cái cung điện nguy nga lộng lẫy của các hàng vua chúa giàu sang nhất trong thiên hạ.

Ở đây ta thấy một sự xa hoa vô độ của hoá công, ta thấy một công trình mỹ thuật vô giá... Những thạch nhũ rủ xuống như những cột điện và có hình những con rồng; những cái cột ấy lại chiếu xuống vùng nước khiến cho ta lúc bấy giờ, có cảm giác như mình chỉ là một bóng rơi lạc vào trong một cái bọt xà phòng.

Liên ngồi ngây người trong một giây lâu lặng im không thốt ra một tiếng, mà tiếng ấy phải là tiếng gì bây giờ! Trước một cảnh đẹp và huyền ảo như thế, lúc bấy giờ Liên không thấy mình có cái cảm giác rõ rệt nữa; Liên chỉ biết rằng lúc bấy giờ, trên má Liên có hai giọt lệ từ từ rơi…”

Tình yêu của loài người thường được xem như một giá trị vĩnh cửu, đặc trưng cho tính nhân loại; tuy vậy, ở tác phẩm này, Lưu Trọng Lư lại gắn tình yêu với thuộc tính bé nhỏ, yếu ớt, nhất thời của đời người (ý niệm con người là “cây sậy”, tuy là “cây sậy biết suy nghĩ”, - rút từ Pascal) và đem đặt nó bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và vĩnh cửu của động Phong Nha, khiến nó chỉ còn như là “cái bóng, cái bọt,... chỉ lấp lánh như những sắc màu sặc sỡ của thạch nhũ dưới bóng đuốc”... Đó chính là cách lập tứ của một nhà thơ để ngợi ca vẻ đẹp của một khu động đá là kỳ quan ở quê hương mình mà người đương thời hầu như chưa biết đến.

* Sự quảng bá sớm cho một kỳ quan thiên nhiên

Nên lưu ý là thiên truyện viết xong vào cuối năm 1934 và đăng 3 kỳ Tân Thiếu Niên đầu năm 1935 ấy ban đầu được tác giả đặt tên là Động Phong Nha. Những dòng đầu tiên của thiên tiểu thuyết đăng báo ấy là những dòng giới thiệu như đích thị của người hướng dẫn du lịch:

“Ngược dòng Linh Giang (Quảng Bình) cách ga Ngân Sơn độ mươi cây số, ta sẽ thấy có một cái động ở trên mặt nước gọi là động Phong Nha. Theo như lời một vài nhà du lịch Pháp thì động Phong Nha có thể liệt vào những thắng cảnh đệ nhất Đông Dương...”

Tuy vậy, sự quảng bá một kỳ quan thiên nhiên ấy của Lưu Trọng Lư, xảy ra đầu năm 1935, xem ra là còn quá sớm. Trên báo chí đương thời ít ai nói đến động Phong Nha. Ngay giới viết văn đương thời cũng vậy. Chính Lưu Trọng Lư, khi cho in lại toàn văn thiên truyện này vào năm 1941, đã đổi tên truyện. Thế nhưng, câu chuyện tình buồn bã được ông gắn với địa danh quê ông, chính là một sáng tác để vinh danh động Phong Nha, đó là điều không thay đổi; đọc tác phẩm sẽ thấy điều đó.

Phải chăng ở văn học Việt Nam thời hiện đại (thế kỷ 20) Lưu Trọng Lư chính là nhà văn đầu tiên lấy động Phong Nha làm đề tài viết truyện?

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm