Lương tối thiểu tăng từ 110-200.000 đồng/tháng

13/10/2008 17:11 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Theo Nghị định 110/2008/NĐ-CP và 111/2008/NĐ-CP ban hành ngày 10/10, Chính phủ đã quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, HTX, trang trại, các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế...


Theo đó, tiền lương tối thiểu của người lao động đối với doanh nghiệp trong nước được tăng thêm từ 110.000 đồng/tháng - 180.000 đồng/tháng; Doanh nghiệp FDI tăng thêm từ 120.000 đồng/tháng - 200.000 đồng/tháng. Việc tăng lương này không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp (chỉ khoảng từ 1,3 đến 1,7%) vì trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã trả cao hơn mức này nên khi điều chỉnh tiền lương chủ yếu làm tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội. Phía Bộ LĐTBXH cũng thừa nhận, việc điều chỉnh lương lần này chưa bù đủ so với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, nhưng trong điều kiện kinh tế thế giới, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang có nhiều khó khăn do giá đầu vào tăng... thì mức điều chỉnh này là hợp lý.

Mức lương tối thiểu sẽ được tính dựa trên cơ sở Đề án cải cách chính sách tiền lương, tình hình thực tế về mức tăng trưởng kinh tế (GDP), chỉ số tiêu dùng 9 tháng năm 2008, mức tăng tiền công trên thị trương thông qua số liệu điều tra, khảo sát các doanh nghiệp năm 2007 và 8 tháng đầu năm 2008... Điểm mới trong lần quy định mức lương tối thiểu lần này chính là việc phân vùng kiểu mới, cụ thể là chia thành 4 vùng thay vì 3 vùng như trước đây.

Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng vụ tiền lương, tiền công, Bộ LĐTBXH:
 "Việc phân chia 4 vùng nhằm đảm bảo tiền lương cho người lao động phù hợp với giá cả sinh hoạt , mặt bằng tiền công và khả năng chi trả của các doanh nghiệp ở từng vùng, nhất là ở các địa bàn thành phố thuộc tỉnh nơi kinh tế, xã hội và thị trường lao động phát triển hơn so với các huyện ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nó tạo điều kiện cho những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm bớt mức tăng chi phí, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức lương tối thiểu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, tiến tới thực hiện thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp".
Theo Bộ LĐTBXH, lần điều chỉnh lương này một số địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế phát triển về kinh tế, xã hội, thị trường lao động của địa phương đã đề nghị điều chỉnh lên vùng cao hơn. Có vùng 3 xin chuyển lên vùng 2 hoặc vùng 2 chuyển lên vùng 1. Tuy nhiên Bộ cho rằng cần phải cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các địa phương xem xét thêm. Bởi trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động, sức ép tăng chi phí đầu vào và cạnh tranh ở đầu ra rất lớn, nếu gộp cả tăng lương tối thiểu và điều chỉnh vùng sẽ gây khó khăn, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp làm gia công, sử dụng nhiều lao động và những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mức lương tối thiểu vùng được Bộ LĐTBXH công bố áp dụng từ ngày 1/1/2009 cụ thể như sau:

Vùng 1:
- Đối với các doanh nghiệp trong nước là 800.000 đồng/tháng
- Đối với doanh nghiệp FDI là 1.200.000 đồng/tháng

Vùng 2:
- Đối với doanh nghiệp trong nước là 740.000 đồng/tháng
- Đối với doanh nghiệp FDI là 1.080.000 đồng/tháng

Vùng 3:
- Đối với doanh nghiệp trong nước là 690.000 đồng/tháng
- Đối với doanh nghiệp FDI là 950.000 đồng/tháng

Vùng 4:
- Đối với doanh nghiệp trong nước là 650.000 đồng/tháng
- Đối với doanh nghiệp FDI là 920.000 đồng/tháng

4 vùng mới cụ thể là:
- Vùng 1 giữ như hiện nay, chỉ bổ sung thành phố Hà Đông thuộc thành phố Hà Nội
- Vùng 2 giữ như hiện nay và bổ sung thành phố Đà Nẵng, một số huyện mới thuộc thành phố Hà Nội và một số quận huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển.
- Sắp xếp lại vùng 3 hiện nay thành vùng 3 (mới) và vùng 4 (mới), trong đó các thành phố trực thuộc tỉnh và một số địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội và thị trường lao động phát triển thì giữ nguyên và chuyển thành vùng 3 (mới); Các địa bàn còn lại ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa thì chuyển xuống thành vùng 4 (mới).


Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm