"Lương đủ sống" có tăng đúng lộ trình?

12/04/2013 17:03 GMT+7 | Thế giới

Ngày 12/4, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Mức sống tối thiểu và cơ sở xác định mức lương tối thiểu và lương đủ sống”.

Mức lương tối thiểu chung dùng để tính các mức lương đối với cán bộ, công chức, mức lương để đóng, hưởng bảo hiểm đối với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước và làm căn cứ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, các chế độ trợ cấp xã hội khác. Mức lương tối thiểu vùng chỉ áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp, là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương trả cho người lao động.


Đời sống công nhân vẫn ở mức thấp. Ảnh: Kỳ Anh - Báo Lao động

Đại diện Vụ tiền lương, Bộ LĐTB&XH cho biết theo Đề án đã trình Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XI nội dung cải cách chính sách tiền lương tối thiểu đến năm 2020 xác định và thực hiện lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động. Theo đó thực hiện điều chỉnh năm 2013 tăng 35-37%, năm 2014 tăng 25-27%, năm 2015 tăng 20-25%) để đạt nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2015.

Tuy nhiên thực tế năm 2012 do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và dự báo năm nay tiếp tục còn khó khăn. Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2013 với mức tăng 16-18% (thấp hơn so với mức dự kiến đã trình Trung ương tăng 35-37%).

Đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 1,15 triệu đồng từ 1/7/2013 (thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng từ 1/5/2013 như đã trình Trung ương). Vì vậy, nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu theo đúng lộ trình thì năm 2014 và năm 2015 phải điều chỉnh mức tăng rất lớn, doanh nghiệp rất khó đáp ứng.

Nếu điều chỉnh để bảo đảm ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm 2013 theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, da giày, gia công sẽ phá sản vì mức tiền lương thực tế của người lao động hiện nay thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu theo tính toán.

Qua nghiên cứu các loại hình doanh nghiệp tại 10 tỉnh thành phố thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Quang Điều kiến nghị cần sớm điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động vào năm 2015. Đại biểu cho rằng cần quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương và đăng ký với cơ quan quản lý lao động địa phương; nâng cao năng lực của công đoàn cơ sở trong thương lượng tiền lương…

Bà Văn Thu Hà, đại diện của Oxfam Việt Nam nêu thực tế, các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng đẩy lương tối thiểu lên mức cho phép trong khi năng suất lao động thấp hơn khu vực FDI. Các doanh nghiệp FDI ép lương tối thiểu xuống sát mức nhà nước quy định trong khi lao động phải làm cường độ cao, thêm giờ nhưng không được trả lương thỏa đáng. Đây là lý do giải thích lương của lao động nữ và lao động ngoại tỉnh thường thấp hơn so với nam và lao động địa phương.

Các doanh nghiệp tư nhân trong nước có xu hướng áp dụng mức lương tối thiểu vùng thấp nhất. Mức chênh lệch giữa tiền lương bình quân thấp nhất và cao nhất trong doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước là không lớn, khác với các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp tư nhân và FDI tự lập thang lương bảng lương theo cách giảm thiểu độ chênh lệch giữa các mức lương, chia nhỏ thang lương, trả lương cho lao động kỹ thuật bằng hoặc cao hơn một chút so với lương tối thiểu, tăng các phụ cấp và các khoản trả có tính chất lương khác để cắt giảm các khoản trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cũng như có thể trừ lương người lao động một cách dễ dàng mà không phạm luật.

Báo cáo khảo sát điều kiện sống và lương của công nhân nhập cư Đồng Nai của Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, Đoàn Văn Đây nêu lên thực tế hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự điều chỉnh lương đều hoặc cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định.

Tuy nhiên đời sống của người lao động, nhất là lao động nhập cư đang thuê nhà trọ ở các khu công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập trung bình của người lao động trong 2 năm 2011-2012 ở Đồng Nai chỉ dao động từ 2,9 triệu - 3,8 triệu đồng/người/tháng.

Mặt khác, ông Đây cho biết cùng một ngành nghề, cùng một địa bàn nhưng lương của người lao động ở doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi cao gấp 2 -3 lần doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân. Nhiều doanh nghiệp ở khu vực này khi xây dựng thang, bảng lương chủ yếu là để đối phó với cơ quan quản lý bằng cách chia thành nhiều bậc lương, khoảng cách giữa các bậc chỉ cách nhau từ 10.000 đến 20.000 đồng dẫn đến tình trạng mỗi lần tăng lương người lao động cũng chỉ được tăng mức rất thấp.

Trên cơ sở nêu lên thực trạng điều kiện sống và lương của lao động nhập cử ở Đồng Nai, ông Đây đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu và áp dụng thống nhất tiền lương tối thiểu giữa các doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư nước ngoài tránh tình trạng cùng một công việc, ngành nghề như nhau nhưng lương tối thiểu khác nhau, dẫn đến bất bình đẳng trong tiền lương và cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Chính phủ nên điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp với mức sống tối thiểu, đảm bảo nhu cầu tối thiểu thực tế của người lao động; xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu đi kèm với việc cải cách chế độ tiền lương để công nhân, viên chức, lao động có thu nhập đủ nuôi sống bản thân và gia đình….

Quỳnh Hoa - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm