Lo cho Vườn quốc gia Cát Tiên

18/12/2012 08:01 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Lo ngại việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Cát Tiên là ý kiến chung của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, cũng như nhiều nhà khoa học trong hội thảo do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM.

Trao đổi với TT&VH, một số nhà khoa học và giám đốc một số vườn quốc gia đều bày tỏ lo ngại nếu hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A xây dựng. Cụ thể, đó chính là lo ngại sự mất mát những cánh rừng nguyên sinh, đặc hữu, dẫn đến sự tàn phá môi sinh và đặc biệt là cuộc sống của hàng triệu người dân vùng hạ lưu sông Đồng Nai.

Nếu xây đập thủy điện…

Hội thảo về tác động của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến lưu vực sông Đồng Nai được tổ chức ngày 16/12 tại TP.HCM vừa qua không có đại diện lãnh đạo bộ, hoặc lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông hay Bình Phước tới dự. Hội trường nằm trong Khu du lịch Bình Quới 2 với khoảng 100 ghế kín chỗ, phần lớn là các chuyên gia về môi trường, thủy lợi, các nhà khoa học và cánh báo chí.

TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia về biến đổi khí hậu và tài nguyên nước đã khẳng định: Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nếu xây dựng sẽ làm ngập vĩnh viễn 171 ha rừng phòng hộ thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Theo Nghị quyết Quốc hội số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010, tại điều 3 có quy định: Tiêu chí về dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư khi dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên…".

 Sông Đồng Nai chảy qua Vườn quốc gia Cát Tiên vào mùa khô vẫn thường cạn do các thủy điện tích nước

Từ đó, ông Tuấn cho rằng, cả 2 dự án thủy điện này đều có diện tích chiếm dụng vườn quốc gia trên 50ha, nên phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, theo Luật Đa dạng sinh học Việt Nam thì đều nghiêm cấm các hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ an ninh, quốc phòng. Như vậy 2 dự án thủy điện này cũng đã vi phạm Luật Đa dạng sinh học Việt Nam.

Đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng: Việc quy hoạch xây dựng thủy điện là thuộc quy hoạch ngành, phải ưu tiên quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Vườn quốc gia Cát Tiên là quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. Việc điều chỉnh đất của Vườn quốc gia để làm thủy điện là vi phạm điều 11 của Luật Đa dạng sinh học.

Xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ xóa sổ khoảng 372 ha rừng, trong đó có 171 ha rừng phòng hộ thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên.

Nhiều chuyên gia về môi trường nghi ngại, việc xây 2 thủy điện sẽ làm biến mất bàu Sấu, một khu vực đất ngập nước đã được UNESCO công nhận là khu Ramsar của Việt Nam. Hiện Vườn quốc gia Cát Tiên đang hoàn thành hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, thì việc xây 2 đập thủy điện càng phải được tính toán kỹ lưỡng.

Những tranh cãi, phản biện

Cuối tuần qua, trong cuộc họp báo do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức, các phóng viên đều đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Trả lời báo giới, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng tỉnh cũng đã có văn bản gửi Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phản đối 2 dự án thủy điện này. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản, ý kiến chất vấn các thành viên Chính phủ trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13.

Ông Thái cho rằng, những ý kiến nói "2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không xây dựng trên địa bàn tỉnh" là đi ngược lại những phản biện khoa học chân chính. Ông Thái cho rằng các địa phương ở hạ lưu có quyền phản đối việc xây đập ở thượng lưu. Bởi việc đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân.

TS Lê Anh Tuấn cho biết: Phần tóm tắt của Báo cáo đánh giá tác động môi trường, có đoạn “Khi thủy điện Đồng Nai 6A đi vào hoạt động thì mực nước sẽ dâng lên cao làm ngập khu vực rừng trước đây không ngập, điều này tạo cho cây rừng tiếp xúc với mực và mặt nước gần hơn do đó cây cối trong những vùng lân cận của vùng ngập sẽ có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với trước đây (ở xa mặt nước)”.

Phản đối gay gắt lập luận trên, TS Lê Anh Tuấn cho rằng, ở các khu rừng không ngập nước thường xuyên, cây rừng đã tồn tại nhiều năm trong điều kiện khô hạn vào mùa nắng và chỉ nhận nguồn nước vào mùa mưa, kết cấu thổ nhưỡng là cứng chắc và thoáng khí. Khi chuyển sang điều kiện ngập nước thì nền đất chuyển sang trạng thái bão hòa, khiến kết cấu của nó chuyển sang mềm nhão dễ sạt lở và rửa trôi. Đất úng ngập sẽ làm cây rừng dễ dàng bị chết, xói mòn tăng cao và kéo theo diện tích rừng mất đi càng lớn lên.

Đồng tình với TS Lê Anh Tuấn nhiều nhà khoa học đều cho rằng, không nên xây dựng 2 đập thủy điện này, bởi tác hại của nó quá lớn đối với con người cũng như môi sinh.

Thái Nguyên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm