Làm thí điểm với ô tô trước

05/10/2011 12:14 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong nghị quyết 88 về tăng cường các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT, Chính phủ giao cho Hà Nội và TP.HCM thựchiện các biện pháp hạn chế xe máy, ô tô lưu thông trên một số tuyến phố trong thời gian nhất định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong thành phố.

Xung quanh vấn đề này, TT&VH đã có cuộc trao đổi với TS Khuất Việt Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT. Hiện ông đang là Chủ nhiệm bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế về đào tạo và nghiên cứu - Trường ĐH GTVT

* Thưa ông, ông có đồng tình với chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị như Hà Nội vàTP.HCM?

- Hiện TP.HCM đã lập xong dự án nghiêncứu khả thi về thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm. Nhưng một đề án chung về hạn chế, kiểm soát việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân của cả TP.HCM là chưa có, của Hà Nội lại càng chưa có.

Chủ trương của Chính phủ trong Nghị quyết 88 là muốn Hà Nội, TP.HCM nghiên cứu xây dựng đề án để quản lý và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Cần thấy rõ quản lý và kiểm soát, nếu nói là hạn chế, cấm thì hơi nặng nề. Trong quản lý linh hoạt, có chỗ thắt chặt, có chỗ nới lỏng, có chỗ thì xe cho đi cả ngày, có chỗ chỉ đi theo giờ cụ thể.

Tôi cho rằng, đây là chủ trương hết sức đúng đắn, đúng ra đã phải được nghiên cứu từ lâu rồi. Tôi thực sự cảm thấy rất vui mừng khi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT, cũng như lãnh đạo của hai thành phố có nhận thức rất rõ ràng về nguyên nhân gây ách tắc và TNGT, do hành vi sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân của người tham gia giao thông là chính.

Trước đây chúng ta cứ đổ tại hạ tầng kém, nhưng bây giờ thì nhận thức rất rõ ràng là hành vi sử dụng sai, tham gia giao thông sai của người dùng phương tiện cơ giới cá nhân.

* Thưa ông, việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sai ở đây là gì?

- Cái sai gồm nhiều vấn đề khác nhau. Đầu tiên là sai luật, khi quy định xe chỉ được đi ở làn trong thì lại đi ra làn ngoài, đi phần đường của phương tiện khác, đáng ra chỉ đi dưới đường thì lại trèo lên vỉa hè, chỗ khôngđược phép đỗ xe lại cứ đỗ.

Còn cái sai nữa mang tính chất tương đối, đấy là sử dụng quá mức, lạm dụng phương tiện cá nhân. Có những chuyến đi có thể đi bộ, có thể đi xe đạp nhưng vẫn sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Ví dụ chuyến đi ngắn trong đô thị, thậm chí có 1 cây số, nhiều người cũng đi ô tô. Đấy là sử dụng sai so với nhu cầu thực sự của chuyến đi.

Theo TS Khuất Việt Hùng nên thí điểm kiểm soát với ô tô trước

* Giao thông Hà Nội và TP.HCM phức tạp, phố thông nhau như bàn cờ. Nếu kiểm soát chặt chẽ một số tuyến, liệu có dồn ách tắc từ tuyến này vào cáctuyến khác?

- Thực ra hiện nay chưa có một phươngán nào rõ ràng cả, tất cả đều mới là giả thiết. Phải nghiên cứu, xây dựng một mô hình giao thông cho toàn bộ Hà Nội,TP.HCM. Trong đó có mô hình vĩ mô thể hiện việc phân bổ các loại phương tiện theo từng thời gian trên toàn bộ mạng lưới.

Mô hình vi mô là việc chúng ta tạm làm một đoạn đường, một phần của mạng lưới. Xem xét khi cấm đường, hành vi của chủ phương tiện là có chui vào ngõ không, khiđó chúng ta lại phải có biện pháp quản lý giao thông trong ngõ.

Như vậy, phải xây dựng mô hình giao thông. Khi đó chúng ta mới tạo ra và thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, tạo ra mạng lưới giao thông thuận tiện.

* Theo ông, nên kiểm soát ô tô trướchay xe máy trước?

- Muốn người tham gia giao thông có những hành vi đúng, hành vi đầu tiên là chọn phương tiện nào, vừa đảm bảo thuận lợi cho mình và cho người khác. Ví dụ một người có thể chọn ô tô, xe máy hoặc xe buýt, làm sao để họ chọn phù hợp?

Có một cách là Nhà nước có thể cấm ô tô, buộc phải đi xe máy hoặc xe buýt. Nhưng có một giải pháp nữa mà chúng tôi gọi là giải pháp thị trường. Diện tích giao thông đô thị rất là hữu hạn, trong giờ cao điểm đông người muốn dùng, trong giờ thấp điểm thì ít người dùng. Giống như đi xem bóng đá, trận hay đông người muốn xem thì vé đắt hơn. Vậy cũng là diện tích đường ấy nhưnggiờ cao điểm chi phí phải tăng lên như quyluật thị trường. Khi đó, ai đi vào giờ cao điểmsẽ phải trả phí cao hơn vào giờ thấp điểm, ai đỗ xe chiếm diện tích nhiều hơn thì phải thanh toán nhiều tiền hơn. Đấy là giải pháp thị trường để điều tiết hành vi.

Muốn làm vậy, đầu tiên chúng ta phải tính toán được chi phí cơ bản để đầu tư 1m2 đường. Thu phí trong 1 giờ bình quân là bao nhiêu tiền, giờ cao điểm là bao nhiêu, cái này hoàn toàn có thể làm được.

Tôi ủng hộ thu phí theo giờ và theo không gian, ví dụ vào trung tâm và giờ cao điểm sẽ đắt hơn. Việc thu phí kiểu đó tất cả các đô thị các nước châu Âu đều áp dụng.

Đầu tiên chúng ta thực hiện với ô tô trước, hiện nay ô tô chỉ chiếm 10% tổng phương tiện nhưng chiếm 55% diện tích đường. Tôi đề nghị làm trước với ô tô, làm mạnh, làm chặt chẽ, quyết liệt và dứt điểm, chứ không thể làm ngay với hơn 80% số tham gia giao thông khác được.

Khi thành công chắc chắn về mọi thứ, cả về luật lệ và công nghệ, chúng ta sẽ mở rộng ra các phương tiện khác. Nếu bây giờ mở ra “dàn trận” làm ngay với xe máy là thất bại. Khó lắm!

* Liệu hệ thống giao thông công cộng có kham nổi khi có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn xe cá nhân?

- Nếu chúng ta làm từng bước một thì không vấn đề gì. Hiện nay hệ số sử dụng ghế bình quân trong ngày của hệ thống vận tải công cộng của Hà Nội và TP.HCM là khoảng 0,4 còn vào giờ cao điểm của Hà Nội là khoảng 1,8. Như vậy, nhìn chung chúng ta vẫn còn dư, nên khi áp dụng phương án cụ thể để điều tiết người sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng, không có gì là không kham nổi.

Chỉ có điều, vận tải công cộng phải phát triển hơn nữa, muốn vậy phải đổi mới, phương tiện thân thiện với môi trường hơn, cần sử dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh ITS, tự động hóa quá trình quản lý, kiểm soát phương tiện trên đường...Khi vận tải công cộng tăng sức hấp dẫn, người dân sử dụng nhiều hơn. Lúc đó càng dễ kiểm soát và điều tiết các phương tiện cơ giới cá nhân. Việc làm từng bước sẽ không có ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến kinh tế xã hội. Chúng ta quản lý và kiểm soát chứ không dùng để cấm, cũng không phải để thu tiền, hay bất cứ mục đích nào khác.

* Xin cảm ơn TS!

Mạnh Cường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm