Ký ức

27/07/2012 09:30 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng khốc liệt. Tất cả đàn ông hai bên nội ngoại nhà tôi đều ra trận. Tôi ở với bà ngoại và mấy chị gái.

Chị cả tôi làm Thư ký Ủy ban hành chính xã. Trong túi áo chị khi ấy lúc nào cũng có một vài bao thuốc lá hiệu Điện Biên, Tam Đảo, Tam Thanh hoặc Đồ Sơn. Chị cả tôi không hút thuốc. Tôi cũng không hiểu sao chị lại hay giữ những bao thuốc lá ấy trong túi áo để làm gì.

Nghĩa trang liệt sỹ Hương Điền. Ảnh Be Art

Thanh niên ra trận hết, chẳng có ai hút, còn lớp trung niên và các ông lão quê tôi chỉ chuộng mỗi thuốc lào. Mang bán ra ngoài thì không dám. Đang là thời chiến, công an bắt được thì lại khổ. Thế là thuốc lá cứ để mốc rồi vứt đi.

Tôi vẫn còn nhớ như in một buổi chiều thu năm 1969, chị cả tôi từ trên xã về, mắt đỏ hoe. Chị giấu bà, giấu các em, lặng lẽ chui vào một góc hầm chữ A ngồi khóc. Mãi sau này tôi mới biết, hôm đó chị nhận được tin anh Ba, em giáp chị, đã hy sinh.

Mấy hôm sau, đi làm về, chị đưa cho tôi một bao thuốc lá và bảo: "Nhà toàn đàn bà. Buồn quá. Em hút đi cho nhà có mùi đàn ông". Bà ngoại nghe vậy, không nói gì, chỉ lặng lẽ kéo vạt áo chấm nước mắt. Khi đó tôi vừa lên 7, chẳng hiểu mùi đàn ông là thế nào. Nhưng tôi thương chị, nên hút. Và tôi đã hút thuốc lá từ ngày đó cho đến tận bây giờ.

Bây giờ chị tôi đã ngoài 60. Tôi cũng gần 50 rồi. Hai chị em sống ở hai đầu đất nước, mỗi năm chỉ gặp nhau được một vài lần. Mỗi lần gặp mặt, thấy tôi hút thuốc, chị lại khóc.

Tôi đã rất nhiều lần nói rằng, chị không có lỗi. Nhưng hình như chị không tin điều đó.

Mai Thanh Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm