Kỷ niệm 570 năm ngày mất ‘nữ tình báo’ đầu tiên trong chính sử

02/01/2014 09:11 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, chính quyền và nhân dân xã Yên Nghĩa (Ý Yên, Nam Định) đã long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm 570 năm ngày mất của liệt nữ Lương Thị Minh Nguyệt - người vẫn được biết đến là “nữ tình báo” đầu tiên trong chính sử Việt.
 
Lễ hội được tổ chức hàng năm tại đền Ruối (thôn Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa), nhằm tưởng nhớ và tri ân vị liệt nữ anh hùng Lương Thị Minh Nguyệt, người đã có công lao to lớn với dân tộc.

Năm Mậu Thân (1428), Vua Lê Thái Tổ đã ban tước danh cho bà Lương Thị Minh Nguyệt là Kiến Quốc Trinh Liệt Phu Nhân; ban cho ông Đinh Tuấn (chồng bà) tước danh Kiến Quốc Trung Dũng Công Thần. Cũng nhờ công bà, nhân dân nơi đây được vua ban cho 200 mẫu ruộng tốt để làm ăn sinh sống.

Ngày 25/11 năm Quý Sửu (1433), hai ông bà qua đời. Vua Lê Thái Tổ sai quân về tang chế theo tước Vương, phong làm Nhị vị Phúc thần. Cho lập đền thờ Kiến Quốc (nay là đền Ruối), ở làng Ngọc Chuế.

Cũng từ đó cho đến nay, cứ đến ngày 25/11 âm lịch hàng năm, dân làng Ngọc Chuế cùng các thôn trong xã lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ và tri ân vợ chồng Liệt Nữ Minh Nguyệt.

Lễ kỷ niệm 570 năm ngày mất của vị liệt nữ Lương Thị Minh Nguyệt được diễn ra trong năm ngày từ 22-26/11 âm lịch (tức 24-26/12 dương lịch) tại đền Ruối (thôn Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa), với sự tham gia rước kiệu và hành lễ của 8 thôn trong xã.

Lễ hội là dịp khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của người dân.      

Lễ hội được diễn ra gồm nhiều hoạt động nổi bật như: Tổ chức Lễ yên vị nhà thờ tổ và lễ khánh thành công trình xây dựng Táp Môn; Lễ rước bánh vưng lên đền; Lễ Chiếu văn; Lễ rước Thánh về đình Ruối; Lễ dâng hương tại đền Ruối, tượng đài Liệt sĩ, và dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ.

Đặc biệt, trong đó lễ hội rước Thánh về đình được tổ chức long trọng và trang nghiêm. Trong đó, đi trước gồm có kiệu ông và kiệu bà tượng trưng cho vợ chồng Đinh Công Tuấn và Lương Thị Minh Nguyệt. Kiệu ông do 6 nam khiêng, còn kiệu bà do 6 nữ khiêng. Theo sau là 6 kiệu thờ thành hoàng làng của các thôn. Lễ rước thánh sẽ được rước qua các thôn để người dân có cơ hội được biết và tôn vinh vị nữ anh hùng. Các tế phẩm dâng lên hai đức thánh gồm các loại bánh vưng, bánh mật, bánh gai, mía, cam… tượng trưng cho những đồ ăn mà bà Nguyệt Nương từng bán cho quân Minh để dò la tin tức của giặc.

Trong khuôn khổ của lễ hội, du khách còn có dịp tìm hiểu những nghi thức tế lễ cổ truyền mang đậm dấu ấn lịch sử thời Lê; thưởng thức các món ăn chay tượng trưng cho các món ăn bà Minh Nguyệt từng bán cho giặc Minh như: bánh giầy, bánh chưng, bánh mật, bánh gai….  

Trực tiếp nghiên cứu về lễ hội đình Ruối, PGS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam cho biết: Trước đây, ở thời Hùng Vương, thời Hai Bà Trưng cũng có nhiều nhân vật làm nội ứng, nhưng chính sử không ghi chép. Họ chỉ tồn tại trong huyền thoại, truyền thuyết. Còn bắt đầu từ thời Lê, bà Minh Nguyệt bán hàng nước ở thành Cổ Lộng, làm nội ứng cho nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi, giúp quân Lam Sơn bắt sống giặc Minh đã được ghi lại trong chính sử.

“Theo cách gọi ngày nay, thì có thể nói bà chính là “nữ tình báo” đầu tiên được ghi trong chính sử Việt Nam. Đối với nhân vật lịch sử này, nếu chúng ta biết bảo tồn văn hoá tín ngưỡng, bảo tồn lễ hội thì nó vừa có giá trị ghi nhận hình ảnh chân thực của một thời điểm lịch sử cụ thể, vừa có giá trị văn hoá, giáo dục nhận thức cho thế hệ trẻ sau này."- Ông Thanh nói
Nguyễn Hoa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm