Kỳ 1: Cà phê vang bóng

03/09/2008 09:21 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Cuối tuần) - Một ngày cách đây không lâu, quán cà phê 304 trước sân mặt trận thị xã Hội An đột ngột biến mất. Và như có phép lạ của cây đèn thần trong truyện “nghìn lẻ một đêm”, ngay lập tức thay thế vào đó là shop vải Nhi Nhi. Mà quán 304 này “ruột rà” với nhiều người lắm, chỉ cần một tin nhắn điện thoại “tới 304 nhé” thì ai cũng hiểu. Cuộc sống bây giờ là vậy, khối thứ “ruột rà” có thể biến đi như hóa phép…
 Một quán cà phê nổi tiếng ở Hội An. Ảnh: Nhiêu Huy
Người Hội An, không ai không nhớ những quán cà phê lừng lẫy một thời, được gọi tên một cách đơn giản, thân mật bằng chính tên người chủ quán : cà phê Đạo, cà phê Tiêu, cà phê Chanh. Chủ quán cà phê Tiêu - người đàn bà Bắc di cư vào đất Hội An những năm 1954 - dẫu chuyển kế sinh nhai từ lâu và bây giờ đã về sống vui tuổi già cùng con cháu trong ngôi nhà nhỏ nằm trong chợ Hội An nhưng khi kể về “thời vàng son” của “cà phê Tiêu” thì kỷ niệm vẫn tươi rói như mới xảy ra ngày hôm qua. Bà Tiêu đưa cho tôi xem những bức ảnh đen trắng chụp bà cùng quầy hàng cà phê những năm 1960 do khách nước ngoài “vì yêu mến vẻ đẹp khuôn mặt cô chủ quán người Bắc nên chụp làm kỷ niệm”. Bao nhiêu năm đã qua, chiến tranh rồi lũ lụt, chồng lên lũ lụt nhưng trong những lần di chuyển nơi sinh sống, bà Tiêu luôn giữ gìn những bức ảnh ấy cẩn thận. Trò chuyện với tôi, bà không vồn vã nhưng đủ ân cần và thân tình khiến tôi thấy ấm áp. Phải chăng hồn đất, hồn người nơi mảnh đất Hội An đã thấm vào máu thịt của bà? Cuộc nói chuyện khiến tôi chợt nhớ đến một nhận định từng đọc được ở đâu đó rằng mảnh đất và con người Hội An có thể lan tỏa chất Hội An “mưa dầm thấm lâu” vào những người nơi khác tới đây sinh sống.
 
 Cà phê Đạo nay bị che khuất bởi hàng lưu niệm
 Tôi gặp ông Đạo - người chủ quán “cà phê Đạo” từ năm 1950 nay đã 88 tuổi nhưng rất thích “xê dịch”. Quán ông nằm ngay bên chùa Phước Kiến nhưng ông đã nghỉ bán bảy năm, để quán cho con gái bán hàng lưu niệm. Tấm biển “Cà phê Đạo” làm bằng gỗ và sơn chữ xanh - đỏ được làm từ những năm 1960 đến nay trông vẫn còn rất mới nhưng đã bị những áo quần, túi xách... che lấp. Ông nói “mua bán bây giờ khác tôi ngày xưa lắm. Ngày xưa tôi ngủ ít, phục vụ khách uống cà phê từ ba giờ sáng đến mười hai giờ khuya.” Riêng đêm giao thừa, ông mở cửa để khách tới uống cà phê và đón năm mới ngay tại quán cho tới sáng ngày mồng Một. Khi khách ra về còn được ông tặng một tấm thiệp nhỏ chúc Tết. Những người khách quen - nhất là giới văn nghệ sĩ - giờ vẫn nhớ ông, người chủ quán vui tính và nói chuyện rất duyên. Nhớ về những ngày còn bán cà phê, ông bảo: “Tôi chẳng đi đâu cả nhưng mọi chuyện trên trời dưới đất chi tôi cũng biết hết”. Mỗi ngày ông bán mấy trăm ly cà phê mà vẫn không phải kêu người giúp việc. Ông tự lựa hạt và rang, xay cà phê với những bí quyết mà đến bây giờ nhắc lại ông vẫn còn tự hào: “Làm cái đồ đó công sức nhiều lắm. Mỗi ngày mỗi nghiên cứu, sáng tạo mới có được ly cà phê hương vị riêng độc đáo. Bây chừ trăm ngàn người như nhau. Chỗ mô cũng cà phê, cà phê...”. Bây giờ mỗi sáng ông Đạo vẫn tự chế cà phê uống rồi “xê dịch” theo cách riêng của ông: áo quần đàng hoàng, mang mũ phớt đi khắp phố cổ. Mệt thì ngồi nghỉ. Ông bảo: “Chết già sống mai. Tôi đi cho thỏa những năm tuổi trẻ chỉ lo bán cà phê mà không đi đâu được. Chừ tôi đi. Chập cái tôi về lại rồi tôi lại đi...” Ông Đạo vẫn giữ một tấm biển sắt xanh chỉ nhỏ bằng hai bàn tay thiếu nữ trên đó ghi dòng chữ “cà phê Đạo” bằng sơn trắng gắn ở bức tường nhà ông đang ở. Tôi đã nhiều lần đi ngang con hẻm và thấy ông đứng, ngồi bên tấm biển với khuôn mặt tâm trạng tới nỗi tôi không cầm lòng được nên đã phải kín đáo ghi lại hình ảnh ấy bằng máy chụp hình.
Trong ba quán cà phê từng vang bóng của Hội An năm nào, giờ chỉ còn quán bà Chanh tọa lạc trước “Trung Hoa hội quán” (hay trường Lễ Nghĩa) vẫn “bán chừng chừng” và diện tích quán cũng đã thu hẹp chỉ còn non nửa so với trước. Nếu không phải khách quen thì sẽ không nhận ra đây là một quán cà phê. Quán không có biển. Không nhạc. Không “design” cũng chẳng “décor”. Chỉ có năm cái bàn gỗ nhỏ, vài ghế thấp kê trong nhà, không xa một cái sập để nằm ngủ. Bà Chanh chủ quán- người phụ nữ đã ngoài 60 cũng ngồi bên một chiếc bàn cùng những người khách quen. Tôi dè dặt hỏi: “Quán cà phê Chanh đây phải không ạ?”- “Phải”, “Giờ này có bán không ạ?” - “”. Bà Chanh trả lời ngắn nhưng bằng một giọng rất đỗi dịu dàng và ngay sau đó trong câu chuyện về “cà phê Chanh” năm xưa, bà tâm sự với tôi như với một người bạn thân tình lâu ngày gặp lại. So với “cà phê Đạo”, “cà phê Tiêu” thì “cà phê Chanh” ra đời muộn hơn (1969), lượng khách cũng ít hơn nhưng sau sự kiện nổ mìn plastic năm 1970 ở cà phê Tiêu, khách chủ yếu dồn về đây và quán đắt khách ngay cả khi đã gia nhập Hợp tác xã Kinh Tiêu với hình thức thanh toán bằng ... phiếu. Đó là những năm 1980, những năm toàn bộ nền kinh tế nước nhà vận hành theo hướng bao cấp, vậy mà có ngày bà đã bán được 1016 ly cà phê (cũng là ấn tượng để nhớ của thời bao cấp). Chỉ mấy năm trước, quán bà vẫn còn đắt khách tới mức ghế, bàn phải kê thêm ra ngoài vỉa hè, nhưng bây giờ mỗi ngày bà chỉ bán được vài chục ly. Khách tới uống cũng chủ yếu là khách quen từ mấy chục năm trước. Trong số những khách quen ấy phải kể tới một người đàn ông từ Hà Nội vào sinh sống ở Hội An từ những năm 1950. Ông tên M. “Ngày nào ông ấy cũng tới uống cà phê ở đây chứ nhất định không chịu thay đổi quán khác” - bà Chanh kể - nếu có ngày nào ông không tới uống được cữ buổi sáng thì câu đầu tiên khi ông đến quán vào lúc nửa buổi của ngày hôm ấy sẽ là “Sớm mai, chiều mấy đứa em mà đi uống với chúng nên bây giờ mới tới đây được.” Ông nói cho mọi người cùng nghe nhưng dường như chỉ hướng vào một đối tượng đó là bà chủ quán. Bà Chanh tự nhận mình là người thua thiệt về nhan sắc, cũng rất thiệt tình khi thú nhận rằng mình chưa đi hết... Hội An chứ đừng nói chi đến chuyện đi ra tới tỉnh ngoài. Bà nói bà chỉ rành hai con phố: Lê Lợi và Hoàng Văn Thụ (đó là hai phố bà từng mở quán cà phê) và con đường từ nhà bà tới chợ thôi. Nhưng những người bạn của khách quen nơi quán bà từ khắp mọi miền lại mang theo nhiều câu chuyện mỗi khi tới đây và bởi vậy bà không cho rằng mình là người “lạc hậu” với sự phát triển của thời đại. Ghế bàn nhỏ, không gian hẹp ở quán này khiến tôi nhớ tới quán cà phê Đinh Tiên Hoàng ở Hà Nội cùng thời sinh viên của mình. Quán nhỏ, nằm trên gác hai. Muốn lên tới quán phải đi qua một cửa hàng bán túi xách, va li rồi leo lên một cầu thang gỗ chật chội tới mức chỉ đủ cho một người đi với tư thế ghé nghiêng... Đã bao năm tôi chưa về Hà Nội để tới lại chỗ mình ngồi xưa? Nghe nói quán vẫn thế, không hề thay đổi. Cuộc đời có những chuyện bất di, bất dịch đáng quý biết bao...
Bây giờ, những quán cà phê ở Hội An nhiều tới nỗi sẽ không phải là quá lời nếu ai đó nói rằng muốn vẽ một bản đồ cà phê phố Hội. Từ những “gu” của khách mà bản đồ ấy trở nên rõ nét với những màu sắc khác nhau. Một “phố cà phê” đã được hình thành nhanh chóng trong vòng mấy năm trở về đây trên đường Nguyễn Duy Hiệu được thiết kế với nhiều phong cách kiến trúc ấn tượng như Thiên Đường, Ba Lu, Đá Cuội, GoGo... Những khách hàng muốn vừa uống cà phê vừa nghe nhạc trong tiếng nước róc rách nhân tạo sẽ tìm đến phố cà phê này. Tới cà phê hộp, GoGo khách sẽ được ngắm nhìn một không gian kiến trúc đương đại vừa độc đáo vừa sang trọng vì chủ nhân của quán là một kiến trúc sư rất mê âm nhạc. Trên trần nhà của quán là một bản đồ âm nhạc với những con đường mang tên các nhạc sĩ, ca sĩ, ban nhạc... trong nước và quốc tế. Hầu hết những người trẻ tuổi, ưa nhịp sống sôi động sẽ tìm đến cà phê Tình Thương nằm ở ngã năm Lê Lợi. Ở đó có thể nói to một chút, đập chân theo nhịp ca khúc đang phát ra từ những chiếc loa của quán một cách ngẫu hứng. Chị em phụ nữ sẽ tụ họp ở những quán yên lặng như Thiện Thanh, Tigon. Dân trí thức, văn nghệ sĩ hoặc những người có “máu văn nghệ” lại tìm đến những quán cà phê với dàn dây leo màu tím, nhạc cổ điển trong những con hẻm như Lạc Viên, Sérénade, Hạ Vàng... mà trong đó, Lạc Viên có vẻ “chảnh” hơn cả bởi quán có... giờ nghỉ trưa không tiếp khách (“chảnh” như vậy nhưng Lạc Viên vẫn là nơi tụ họp của nhiều anh em văn nghệ, vì ở đấy khách có thể vừa thưởng thức âm nhạc đã được chủ quán - vốn con nhà nòi - chọn lựa kỹ lưỡng, tinh tế, vừa ngắm tranh trên tường hoặc đọc những ấn phẩm báo chí mới nhất trong ngày hay luận bàn văn chương, thế sự với bạn bè và không khí của quán - điều này quan trọng hơn cả - là môi trường văn nghệ để anh em quần tụ).
 
(Xem tiếp trên TT&VH Cuối tuần số 36)

Khiếu Thị Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm