Khối doanh nghiệp: Tăng lương tối thiểu sớm 3 tháng

02/07/2011 10:57 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 1/7 tại Hà Nội, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH thông báo, trong phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế xã hội, Chính phủ đã thống nhất tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời tăng sớm lương 1 quý so với lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, việc điều chỉnh lương tối thiểu dịp này nằm trong lộ trình tăng lương 2008 - 2012 đã được Chính phủ thông qua. Hằng năm, Chính phủ đều điều chỉnh lương theo thông lệ là công bố thông tin vào tháng 10 và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1 năm sau.

Thu nhập thực tế của người lao động giảm

Theo ông Huân: “Lần này, điều chỉnh lương tối thiểu sẽ thực hiện sớm hơn 1 quý so với thông lệ. Việc điều chỉnh tăng lương sớm trước 3 tháng so với lộ trình là do tình hình thực tế thu nhập của người lao động, người làm công ăn lương giảm sút”. Theo đó, trong tháng 7 này, Bộ LĐ,TB&XH sẽ trình Chính phủ thông qua và thực hiện trả lương mới ngay từ 1/10/2011 thay vì 1/ 1/2012 như lộ trình.

Điểm mới nhất là việc tăng lương khối doanh nghiệp ở khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước sẽ có một mức lương tối thiểu chung, thống nhất cả nước. Dự kiến, mức lương vẫn phân chia thành 4 vùng với các mức như sau: Vùng 1 là 1,9 triệu đồng; vùng 2 là 1,73 triệu đồng; vùng 3 là 1,55 triệu đồng; vùng 4 là 1,44 triệu đồng.

Tăng lương tối thiểu sớm giúp người lao động cải thiện phần nào đời sống - Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, trong tuần sau Bộ LĐ,TB&XH sẽ lấy ý kiến của doanh nghiệp và các địa phương sau đó trình Chính phủ ban hành nghị định. Theo nhận định của ông Huân, không chỉ người lao động mà doanh nghiệp cũng rất khó khăn trong thời điểm này. Việc tăng lương cũng phải tính tới khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, ước tạo việc làm cho khoảng 722.800 người, bằng 45,2% kế hoạch năm; trong đó xuất khẩu lao động khoảng 44.000 người, đạt 50,6% kế hoạch năm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, tình hình công nhân lao động rất khó khăn. Đình công, lãn công xảy ra ở nhiều địa phương.

Cũng tại phiên họp, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, Chính phủ đã thông qua phương án do Bộ Tài chính xây dựng để trình Quốc hội trong tháng 7. Theo phươn án, dự kiến, sẽ có thể mở rộng đối tượng miễn thuế thu nhập cho những người có mức thu nhập dưới 9 triệu đồng.

Chưa đến mức “vỡ bong bóng” thị trường bất động sản

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt trong thời gian qua là sự bất ổn của thị trường bất động sản. Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Bộ Xây dựng có đề nghị nới lỏng chính sách tín dụng cho bất động sản hay không, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: “Bộ có báo cáo về tình hình bất động sản gửi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhưng tôi khẳng định, cả hai văn bản đó đều không có đề nghị nào nới lỏng tín dụng cho thị trường bất động sản cả”.

Cũng theo ông Nam, hiện nay có nhiều quan ngại, thị trường bất động sản mất khả năng chi trả. Thậm chí, có người nói đến việc sụp đổ, “vỡ bong bóng” thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thực tế quy mô và tổng lượng bất động sản xây dựng lên để bán chỉ chiếm 30%, chứ 70% là nhà cửa để ở nên tính chất giao dịch không quá cao. Đồng thời, dư nợ bất động sản chỉ chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ chung. Ngoài ra, giá bất động sản thời gian qua, tuy có suy giảm nhưng giá vào thời điểm cuối tháng 5/2011 vẫn cao hơn thời điểm tháng 1/2010 và vẫn cao hơn giá thành tạo lập nên bất động sản.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định: “Bộ Xây dựng không đề nghị tăng dư nợ cho bất động sản mà chỉ muốn kiểm soát dòng tiền vào bất động sản một cách chặt chẽ. Đặc biệt là không chuyển dòng tiền vào giải phóng mặt bằng, vào các dự án cao cấp, mà chuyển sang cho vay ở các dự án nhà ở quy mô nhỏ, giá trung bình, nhà cho người có thu nhập thấp”.

Phương Linh - Tử Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm