Khi người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng

22/12/2010 09:01 GMT+7 | Thế giới

Bắt đầu mùa mua sắm, dù là ở một số siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội, như Nguyễn Kim, Pico, Topcare hay siêu thị thuộc các chuỗi mua sắm lớn ở TP.HCM như chi nhánh Thiên Hoà ở đường Quang Trung, Gò Vấp, khách mua sắm không tăng dù trước cửa băngrôn treo đầy các chương trình giảm giá. Nhiều ngành hàng khác như thời trang, thực phẩm cũng trong tình trạng tương tự.

Đông khách là chuyện lạ

Hai siêu thị của hệ thống bán lẻ điện máy Tú Trinh cũng nằm trên đường Quang Trung, Gò Vấp hầu như không có khách vào mua hàng dù thời điểm đó là buổi chiều ngày thứ bảy và tại đây có treo băngrôn “bán hàng giá rẻ nhất”. Nhân viên bán hàng ở đây nói vui, đông khách mới là chuyện lạ.

Có lượng khách đông nhờ nằm ngay giao lộ Phan Văn Trị – Nguyễn Oanh, Gò Vấp, nhân viên phụ trách gian hàng tivi nhãn hiệu Sony của siêu thị Home One cho biết, cả ngày thứ bảy vừa rồi, chỉ bán được hai chiếc loại 32 inch. Người này cho biết thêm, bên quầy điện gia dụng đông khách hơn nhưng chủ yếu bán được các sản phẩm giá vài trăm ngàn đồng. Ở ngay trung tâm quận 3, cả siêu thị Ideas chỉ có vài chục khách đi xem hàng là chính. Dù có chương trình bán hàng giảm giá được một nhà sản xuất tiết lộ thấp hơn giá nhập, nhưng ở Nguyễn Kim, Thiên Hoà, Chợ Lớn, Phan Khang, Wonder Buy… không có cảnh chen nhau mua hàng như các đợt mua sắm cuối năm trước đây.



Hàng hạ giá mạnh vẫn vắng khách ngay giữa mùa mua sắm cuối năm. Ảnh: A.Q

Theo một nhà bán lẻ, từ tháng 6 cho đến tháng 11, thị trường khá chậm nên lượng hàng còn tồn trong kho các nhà bán lẻ với số lượng lớn. Vị này cho hay, nhà nhập khẩu rất dè dặt trong chuyện nhập hàng mới, chủ yếu là tivi LED, tivi 3D, máy ảnh, máy tính xách tay… Chính vì vậy, giám đốc tiếp thị của một nhà bán lẻ lớn tại TP.HCM khẳng định: “Phần lớn lượng hàng tung ra trong đợt khuyến mãi này và những đợt tiếp theo là những mặt hàng đã được nhập từ giữa năm 2009 cho đến đầu năm nay”.

Gặp đôi vợ chồng trẻ đang chọn mua bình nước nóng và nồi cơm điện ở Home One, người chồng vui tính chia sẻ: “Cũng có chút tiền nhưng còn phải tính đến chuyện về tết và những khoản lo khác. Chắc chắn năm nay thưởng sẽ thấp vì năm nay công ty có làm ăn được gì đâu”. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, lang thang ở Wonder Buy, bà Đan Trâm, Q.5, tìm mua một chiếc bếp điện từ với số tiền không quá một triệu đồng, thay cho bếp gas đang dùng do giá gas tăng mạnh. Làm lương tháng bốn triệu đồng, chưa kể thu nhập của chồng, bà Trâm không ngại chia sẻ chuyện nhà. Bà nói: “Mỗi tháng, trừ những khoản chi tiêu, số tiền dành dụm của hai vợ chồng khoảng hai triệu đồng. Nhưng mấy tháng gần đây, có nhiều chuyện nên không còn đồng nào”.

Lo đẩy bán hàng tồn kho

Ông Đỗ Thăng, giám đốc một doanh nghiệp đang sở hữu một thương hiệu thời trang công sở nữ tại Hà Nội cho biết, năm nay, doanh số bán hàng của công ty ông giảm 20 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Thăng cho biết thêm, khi chi phí đầu vào từ vải, phụ kiện, nhân công, thuê mặt bằng, lãi vay tăng khoảng 20% như hiện nay, doanh nghiệp của ông đã chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí có mặt hàng bán huề vốn, song sức mua vẫn èo uột. Ông nói: “Tồn kho của công ty hiện đã lên tới 40 – 50%”.

Giám đốc công ty may túi xách Minh Tiến Nguyễn Trí Kiên (thương hiệu Miti), cũng cho hay, so với cùng thời điểm này mọi năm, sức mua trung bình trên toàn hệ thống của Miti năm nay giảm khoảng 20%. Chủ tịch HĐQT công ty TNHH thương mại XNK Việt Hà Phạm Ngọc Tiến, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm điện tử, điện lạnh thông tin ngắn gọn: “Doanh số chỉ tương đương năm ngoái. Không tăng trưởng – giữa mùa mua sắm cuối năm – nghĩa là sức mua rất yếu!”

Hàng tồn nhiều buộc các công ty phải điều chỉnh sản lượng. Ông Thăng cho biết, trước kia, trung bình một tháng, công ty cho ra đời trên chục mẫu thời trang mới, với đơn hàng khoảng 200 sản phẩm/mẫu nhưng thời điểm này đã giảm phân nửa, cả về số lượng mẫu cũng như số sản phẩm mới. Ông Thăng chia sẻ: “Một trong những yêu cầu quan trọng đối với kinh doanh thời trang là phải thay đổi mẫu mã liên tục, nhưng chúng tôi buộc phải tập trung vào tiêu thụ hàng tồn kho, ráng cầm cự qua giai đoạn khó khăn này”.

Tiểu thương ở các chợ đầu mối cũng không khá hơn. Bà Nguyên Thành, chủ hai sạp áo quần nữ ở chợ An Đông cho biết, áo quần nữ vốn bán chạy nhất mà năm nay, ngay từ giữa tháng 10, bạn hàng ở tỉnh đã ngưng nhập hàng.

60 – 65% nhu cầu là hàng ăn uống

“Nhu cầu tiêu dùng vẫn có, song thời điểm này tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm”, chủ tịch hiệp hội Kinh doanh siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết. Ông Phú phân tích, giá cả các mặt hàng đều tăng, trong khi thu nhập của một bộ phận lớn người dân vẫn chưa được cải thiện, như những người làm công ăn lương, người nghỉ hưu…, do vậy, tâm lý chung là cái gì cần mới mua. Quan sát từ thực tế kinh doanh của các siêu thị tại Hà Nội cho thấy, sức mua vẫn “giậm chân tại chỗ”. Giá trị bình quân giỏ hàng của khách hàng đã giảm 15 – 20%, từ mức trung bình khoảng 500.000 đồng xuống còn khoảng 400.000 đồng/người, trong đó, 60 – 65% hàng phục vụ nhu cầu ăn uống. Ông Phú dự báo, sức mua trong dịp tết Nguyên đán năm nay chỉ tăng khoảng 15% so với mức tăng 20 – 30% của trung bình các năm trước.

Chưa thấy tín hiệu mua hàng tết

Ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm D&F Đồng Nai cho biết khoảng vài ngày nay, chỉ có mặt hàng lạp xưởng là bán chạy hơn chút đỉnh, nhưng so với năm ngoái thì vẫn còn kém xa. Mọi năm, theo ông, giờ này là công nhân đã bắt đầu tìm mua một số loại thực phẩm chế biến chuẩn bị về tết.

Một số doanh nghiệp làm hàng thực phẩm khác cũng nhìn nhận vẫn chưa thấy tín hiệu mua sắm nào từ thị trường lễ, tết năm nay. Ông Trần Văn Hạc, giám đốc kinh doanh công ty C.P cho hay doanh số bán hàng những ngày này vẫn như các tháng trước. Sức mua các mặt hàng thường tiêu thụ chạy nhất vào dịp lễ, tết như giò chả, xúc xích, thịt heo xông khói, gà quay… vẫn chưa có. “Có cảm giác như năm nay người dân không có tâm trí ăn xài, họ như đang cố gắng thắt chặt chi tiêu”, ông Hạc nói.

Tiểu thương chợ Bình Tây cho biết mới chỉ xuất hiện một vài mối ở tỉnh lên lấy hàng lai rai, nhưng sản lượng họ lấy ít hơn năm ngoái nhiều. Chủ sạp Tư Sáng chuyên bán hàng khô nói: “Mọi năm, một số mặt hàng thực phẩm, hải sản khô lấy từ miền Tây như lạp xưởng tươi Gò Công, Sóc Trăng, lạp xưởng khô Mai Quế Lộ, hay tôm khô, mực khô, khô cá đuối, cá lóc thường bán khá chạy cho tiểu thương miền Trung và Tây Nguyên. Dịp này có ngày họ xuống lấy hàng trị giá vài chục triệu, nhưng năm nay thì chẳng thấy, một vài mối có gọi điện hỏi giá nhưng chưa hẹn ngày”.



Theo SGTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm