Khi nghĩa trang Văn Điển cũng là nạn nhân của… tin đồn!

06/11/2008 15:19 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sau tin đồn vỡ đê xuất hiện ở TP Hà Đông, lại xuất hiện tin như “nghĩa trang Văn Điển chìm trong nước, người quá cố không thể an táng được”.

Đội trưởng đội án táng nghĩa trang Văn Điển Trần Đình Đăng phủ nhận, đó chỉ là tin đồn thất thiệt, hoạt động tang lễ của người dân vẫn diễn ra bình thường.

Nghĩa trang chống lụt bằng 4 máy bơm công suất lớn

Theo số liệu từ Cty cấp thoát nước Hà Nội, Nghĩa trang Văn Điển thuộc xã Tam Hiệp (Thanh Trì) là một trong những điểm có lượng mưa lớn của Hà Nội, xấp xỉ 600mm trong 4 ngày qua. Tuy vậy, Văn Điển hoàn toàn không bị ngập nước, lượng nước mưa đọng trong nghĩa trang cũng rút rất nhanh. Theo lí giải của ông Trần Đình Đăng, người đã có thâm niên 30 năm gắn bó với nghĩa trang này thì đó là do cốt nền của nghĩa trang cao hơn các khu vực cánh đồng xung quanh từ 1,5m – 2m. Khi tiến hành xây dựng nghĩa trang, cốt nền đã cao hơn khu vực xung quanh khoảng 1m, trải qua thời gian, mỗi năm lại được tôn cao thêm qua công tác tôn tạo tu bổ, đặc biệt là sau trận lụt năm 1984.

Ông Trần Đình Đăng: “thân nhân các gia đình phải lội nước đẩy xe tang qua chỗ ngập chỉ diễn ra trong ngày đầu mưa lũ”.


Trong trận lụt lịch sử này, đường Phan Trọng Tuệ, quốc lộ 70 chạy trước mặt nghĩa trang Văn Điểm có điểm ngập từ 0,7m – 1m. Đường Giải phóng nối với Quốc lộ 1A (cũ) là đường chính lưu thông từ các quận nội thành ra nghĩa trang Văn Điển là khu vực ngập nặng nhất của Hà Nội, có điểm lên tới -1,5m. Tuy nhiên, lượng nước như vậy là không đủ để tràn vào khu vực nghĩa trang.

Thoát nước cho nghĩa trang là hệ thống cống đa cấp, từ cao xuống thấp. Quanh mỗi khu vực chôn lấp là hệ thống rãnh thoát nước nhỏ, nối với hệ thống cống thoát nước chính xung quanh nghĩa trang. Đêm mưa lớn đầu tiên 31/10, BQL nghĩa trang đã huy động 4 máy bơm công suất lớn đặt ở 4 đầu cống thoát nước chính tại 4 góc nghĩa trang, đề phòng các trường hợp bất trắc. Hơn 60 cán bộ của đội an táng đều được huy động phục vụ công tác thoát nước chống úng nghĩa trang. Nền nghĩa trang vốn cao ở giữa, thoải ra các hướng xung quanh, vì vậy nước rút nhanh. Lượng nước mưa đọng lại cũng được các máy bơm hút ra ngoài. Toàn bộ phần mộ của những người dân Hà Nội đều không bị úng ngập như nhiều người lo ngại.

Không hề có chuyện “dùng đá chèn vào áo quan”

Việc các tuyến đường chính từ nội thành ra nghĩa trang đều bị ngập sâu dẫn đến cảnh nhiều xe tang lễ chết máy giữa đường không thể di chuyển, thân nhân các gia đình phải lội nước đẩy xe qua chỗ ngập, ông Đăng cho biết: hiện trạng đó chỉ diễn ra trong ngày đầu Hà Nội bị ngập do không đối phó kịp. Sau đó, Ban tang lễ TP đã hướng dẫn đội xe thay đổi tuyến đường. Từ nhà tang lễ TP, xe không đi theo các tuyến đường nội thành mà lên cầu Long Biên, theo đường đê sông Hồng không bị ngập úng, rẽ về Ngọc Hồi (Thường Tín) rồi vào nghĩa trang. Đoạn đường xa hơn nhiều lần nhưng đảm bảo được việc phục vụ tang lễ cho nhân dân diễn ra bình thường.

Ông Đăng cho biết thêm, hiện có rất nhiều những tin đồn thất thiệt cho rằng nghĩa trang Văn Điển không thể an táng người quá cố. Thậm chí, có thông tin người dân phải đến chèn đá để áo quan “không nổi lềnh bềnh trên nước”. Liên tục những ngày qua, mỗi ngày ông Đăng nhận được vài chục cú điện thoại của người dân hỏi thăm về phần mộ người thân với tâm lí bất an. Nhiều gia đình có người quá cố cũng lo lắng về việc an táng. Ông Đăng khẳng định đó là những tin đồn thất thiệt, không đúng sự thật gây hoang mang. Việc phục vụ tang lễ của người trong – sau mưa lũ hiện vẫn diễn ra bình thường.

Nghĩa trang Văn Điển không bị ngập nước như tin đồn


Nỗi lo ô nhiễm

Tuy nghĩa trang không bị ngập úng nhưng nỗi lo ô nhiễm vốn đã thường trực trong hàng nghìn hộ dân xung quanh khu vực xung quanh lại càng bức thiết. Nước bơm từ Văn Điển tràn ra các khu dân cư xung quanh gồm khu tập thể kinh doanh dịch vụ số 1 Tam Hiệp, khu tập thể 15/2, khu dân cư Quỳnh Lâm và khu tập thể xóm mới Huỳnh Cung. Đa số các hộ dân khu vực này đều dùng nước giếng khoan. Mưa lớn, lượng nước từ nghĩa trang thẩm thấu xuống mạch nước ngầm càng mạnh, khiến người dân càng lo ngại. Chị Trần Thị Lý, công nhân nhà máy cơ khí Tam Hiệp ở tập thể 15/2 cho biết: “Trước đây, người dân chỉ dùng nước giếng khoan vào việc giặt giũ, sinh hoạt, nước ăn mua từ xe téc chở nước của Cty nước sạch Hà Nội. Nhưng mưa lũ không thể mua được nước sạch, người dân phải ăn uống bằng nước giếng ị ngấm nước bẩn nghĩa trang, nặng mùi và có màu vàng nhờ nhờ”.

Về vấn đề ô nhiễm, ông Trần Đình Đăng cho biết, TP đang gấp rút hoàn thành xây dựng nghĩa trang tại Kim Bôi, Hòa Bình. Dự kiến năm 2010 sẽ di dời toàn bộ nghĩa trang Văn Điển. Trước mắt, trong lúc chờ di chuyển ban tang lễ TP có hướng vận động, thuyết phục thân nhân người quá cố chuyển sang điện táng thay bằng chôn lấp, vừa nhanh chóng vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đưa tang: khổ nhất là phải đi vòng

Hôm qua 4/11, ông Hoàng Thành Thái, Trưởng ban phục vụ tang lễ Hà Nội cho biết, trong 4 ngày mưa lũ nước lên căng thẳng nhất, toàn bộ 350 cán bộ của ban được huy động tối đa, đặc biệt tại các nghĩa trang số nhân lực trực là 100%. Trên tổng số 198 lượt xe đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, có 20 xe hỏng hiện đã kéo về, trong số này có xe chưa sửa được. Có đám ngoài xe hợp đồng với khổ chủ, phải cho chạy kèm xe tăng – bo đề phòng chết máy trong dòng nước. Có đám ở Mỹ Đình, đoàn xe đã phải mất 4 tiếng đồng hồ để di chuyển tới được Văn Điển. Chỉ có một con đường duy nhất: đi lên đê sông Hồng, chạy tới Đông Mỹ (Thanh Trì) rồi quay ngược trở lại Văn Điển. Trong 4 ngày lũ lụt nguy hiểm nhất, có đám đưa tang xa nhất, để tới được nghĩa trang đã mất hơn 40km.

“Thông thường, các gia đình sau khi có người quá cố đến ký hợp đồng mai táng sẽ đưa luôn thân nhân tới quàn tại phòng lạnh. Sau khi người thân xem ngày giờ, tìm lô đất hoặc quyết định hình thức an táng, chúng tôi mới tiến hành. Trong trường hợp thời tiết bất khả kháng, việc lưu lại phòng lạnh một vài ngày là bình thường. Chúng tôi vẫn có đủ chỗ, ở số 125 Phùng Hưng có thể lưu được 10 người, tại phòng lạnh Văn Điển có thể lưu được 40 – 50 người, không hề có chuyện thiếu chỗ quàn. Vất vả nhất vẫn là chuyện di chuyển trong nước ngập” – ông Thái cho biết. Trong 4 ngày đã làm thủ tục trọn vẹn cho 60 ca hỏa táng, 20 ca địa táng, đồng thời tiến hành bốc mộ cho 20 trường hợp theo hợp đồng đã ký. Tang lễ một cán bộ nguyên Thứ trưởng tại Mai Dịch cũng được tổ chức suôn sẻ trong những ngày này.

T.V

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm