Khi lương tri cộng đồng được đánh thức

13/10/2013 07:50 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục câu chuyện “Giới trẻ không thờ ơ, hời hợt, vô cảm với lịch sử, với văn hóa; hoặc hoàn toàn chỉ biết vọng ngoại, chỉ biết chào đón, rơi nước mắt với sao Hàn…”. Thông qua sự kiện lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hãy nghe chia sẻ của các nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh, Lê Anh Hoài và Nguyễn Đình Tú về giới trẻ.

Nhà văn Lê Anh Hoài: Cần đem lại niềm tin cho giới trẻ


Hiện tượng “thanh niên tình nguyện” ở lễ viếng tại tư gia Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày qua, tôi nghĩ đúng là rất đáng lưu tâm. Rõ ràng ở đây, khi lương tri của cả cộng đồng được đánh thức, thì giới trẻ (hay nói đúng hơn là bộ phận ưu tú trong đó) không hề thờ ơ. Và họ sẵn sàng tham gia với những gì thiết thực nhất, cần đến sự năng động và sáng tạo nhất của người trẻ.

Điều tôi thấy đáng lưu tâm ở đây là thực sự những người, những lực lượng tiến bộ trong xã hội Việt Nam có khơi gợi, phát động được những việc làm, những sự nghiệp có ích… đáng để giới trẻ hướng theo và cống hiến hay không?

Trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, người trẻ được quyền lựa chọn thái độ và hành động. Vấn đề ở đây là các cấp chính quyền, các đoàn thể cho đến những trí thức, những nhà văn hóa… có tạo ra những sự kiện thực sự có ích cho dân, cho nước và thu hút được sự quan tâm hưởng ứng hay không? Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều những phong trào chỉ to tát về cái tên hay về ý nghĩa mục đích, nhưng thực hiện thì không ra gì hết. Chính những điều này đã khiến giới trẻ mất lòng tin.

Lòng tin hay lý tưởng chính là những điều mà xã hội đang nợ những người trẻ hôm nay!

Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh: Khơi dậy “tính bản thiện”


Cá nhân tôi cho rằng, giới trẻ hiện nay vẫn có rất nhiều người tử tế, sống và hành xử có văn hóa. Chỉ một bộ phận nhỏ những người trẻ có những hành vi xấu nhưng thật không may mắn khi những hành vi xấu ấy lại có sức ảnh hưởng và lan tỏa rộng khắp vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan.

Việc giới trẻ có những hành vi đẹp trong lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày vừa qua, theo tôi, có nguyên nhân từ hai phía. Phía thứ nhất, Đại tướng là một vị anh hùng, một biểu tượng tuyệt đẹp cho công cuộc vệ quốc của nhân dân Việt Nam và là người hiếm hoi của cuộc kháng chiến thần thánh còn tại thế ở tuổi ngoài 100. Việc Đại tướng qua đời đã đem lại nỗi buồn chung cho nhiều người - đặc biệt là những người trẻ vốn rất nồng nhiệt (thậm chí là cuồng nhiệt) với những hình tượng anh hùng. Phía thứ hai là bản thân giới trẻ cũng có sẵn tính hướng thiện và Đại tướng đã khơi dậy trong họ cái mà người xưa gọi là “nhân chi sơ tính bản thiện”.

Tôi luôn tin rằng nếu có những cá nhân kiệt xuất với nhân cách lớn và tài năng lớn dẫn đường, nêu gương thì giới trẻ Việt Nam hôm nay sẽ làm được nhiều điều lớn lao.

Tôi mong đợi rằng những người trẻ đã có hành xử tử tế đáng trân trọng trong lễ tang của Đại tướng hôm nay sẽ sớm trở thành những người nối tiếp truyền thống của dân tộc theo ý nguyện mà Đại tướng. Cha ông đã chống giặc ngoại xâm để giành lại tự do cho nhân dân, cho đất nước thoát khỏi cái nhục mất nước, thì ngày nay, những người trẻ sẽ cố gắng làm kinh tế giỏi để nước nhà sớm thoát nỗi nhục nước nghèo.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Tinh thần dân tộc không bao giờ mất

Trong đời sống luôn luôn xuất hiện những… “đám đông”. Có những đám đông ý nghĩa nhưng cũng có những đám đông vô nghĩa. Dù ý nghĩa hay vô nghĩa thì nó cũng nói lên một điều gì đó. 


Cho nên nhìn vào những “đám đông” để đánh giá một xã hội là rất khó. Nhìn vào một đám đông để đánh giá những người trẻ cũng rất khó. Lớp trẻ chính là những người thích đám đông và thường tạo ra đám đông. Nhưng nhìn đám trẻ của một đất nước tụ tập nhau lại để “xem trai đẹp”, đón “người dị”, rước “sao Hàn”… thì không thể nói rằng lớp trẻ của dân tộc đó đã bạc nhược đến mức phải thở dài hay lo lắng.

Hãy tìm những đám đông khác để cảm nhận hồn cốt của một lớp người trẻ hôm nay. Tuy nhiên những đám đông biểu hiện tinh thần và khí phách của lớp trẻ một dân tộc không dễ được tạo nên.

Dòng người trẻ tuổi khắp nơi tìm đến những địa điểm viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước và trong ngày Quốc tang trên khắp cả nước cho thấy có những đám đông được kích hoạt từ nguồn mạch thẳm sâu của tinh thần dân tộc. Tinh thần ấy là gì? Là tự hào, thượng võ, nhân văn và giàu lòng trắc ẩn. Tinh thần ấy không bao giờ mất, nó được truyền từ lớp trẻ thế hệ này sang lớp trẻ thế hệ khác. Và chỉ khi nào đó, yếu tố cần và đủ hội tụ, nguồn mạch ấy mới trào sôi để tạo nên những đám đông mang tính đại diện thế hệ hay đại diện dân tộc.

NHƯ HÀ - TRẠC TUYỀN (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm