‘Khát’ nước trầm trọng, Đà Nẵng và Quảng Nam ‘đòi’ thủy điện phải mở cửa xả

01/04/2013 09:53 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hàng năm cứ đến mùa khô, Quảng Nam và Đà Nẵng lại rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Nhưng năm nay, mới chỉ ở giai đoạn đầu của mùa khô, cả 2 địa phương này đều “khát” nước trầm trọng.

Ngày 31/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với các bên liên quan của 2 địa phương để giải quyết tình trạng trên.

“Nhà máy nước Đà Nẵng ở tình trạng khẩn cấp lắm rồi”

Ngày 25/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký công văn đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Công thương yêu cầu chủ đầu tư thủy điện ĐắkMi 4 xả nước về lại sông Vu Gia theo lưu lượng 25 m3/s để chống hạn cho vùng hạ du Quảng Nam, Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng “đòi” nước từ ĐắkMi 4.

Trước tiên, phải nói 1 chút về hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, đây là hệ thống sông lớn ở Vùng Nam Trung Bộ, bắt nguồn từ tỉnh Kontum chảy qua Quảng Nam, Đà Nẵng. Toàn bộ lưu vực có diện tích 10.350km2, tập trung phần lớn ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Thủy điện Đắk Mi 4 nằm trên sông Vu Gia chuyển nước sang sông Thu Bồn, khi phát điện sẽ chuyển toàn bộ dòng chảy cơ bản của sông Đắk Mi (nhánh của sông Vu Gia) về sông Thu Bồn, thay vì phải trả về hạ lưu sông Vu Gia. Do vậy, hoạt động của Thủy điện Đắk Mi 4 hay chính xác hơn là việc mở -  đóng cửa của công trình này có liên quan chặt chẽ tới nguồn nước của Đà Nẵng.

Thủy điện ĐắkMi 4 là vấn đề tranh luận kéo dài giữa Quảng Nam và Đà Nẵng

Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng bức xúc trong cuộc họp sáng ngày 31/3: “Hiện nay mực nước của hồ ĐắkMi 4 cao, lượng nước tự nhiên đến cũng tương đối cao từ 25m3/s - 40m3/s. Nguyên lượng nước đó cũng đã đủ cung cấp cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian dài. Nhưng ĐắkMi 4 không chịu xả nước trong khi thời gian này là lúc nước căng thẳng nhất trong vòng 40 năm qua. Biết rằng doanh nghiệp cần đảm bảo hoạt động nhưng chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu xả nước khi chúng tôi không cần. Chúng tôi chỉ yêu cầu ĐắkMi 4 trả nước về cho chúng tôi khi chúng tôi rất cần.

Trước đây chỉ có 20% nước sông Vu Gia đổ về Thu Bồn nhưng bây giờ con số đó đã lên tới 60%. Của ai phải trả về cho người đó. Nơi khát nước thuộc về Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) và Đà Nẵng, nên đề nghị ĐắkMi 4 không phát điện nữa và giữ nước lại để xả khi cần. Nếu ĐắkMi 4 không thực hiện thì chúng tôi sẽ đề nghị Bộ trả nguyên dòng cơ bản cho chúng tôi. Thiếu cơm ăn thì có thể 2-3 ngày hoặc lâu hơn nữa nhưng thiếu nước uống thì 1 ngày cũng không được”.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Ảnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước Đà Nẵng cho biết: “Chỉ trong 3 tháng đầu năm, nhà máy đã phải chạy 1.540 giờ, nhu cầu của nhà máy nước là 6m3/s lượng nước của sông Vu Gia đưa về cho sông Ái Nghĩa. Từ cuối tháng 11/2012 đến nay, nhà máy nước Đà Nẵng phải lấy nước thô từ đập dâng An Trạch do sông Cầu Đỏ (hạ lưu sông Vu Gia) bị nhiễm mặn dài ngày. Điều đó dẫn đến chi phí cho sản xuất nước sinh hoạt tăng cao nhiều lần.

Nếu vì thiên tai mà xảy ra hạn hán, thiếu nước thì chúng tôi sẵn sàng chia sẻ. Nhưng nếu con người can thiệp vào để dẫn đến tình trạng này thì không thể chấp nhận được. Mà theo luật Tài nguyên và Môi trường, phải ưu tiên số 1 cho nước sinh hoạt, số 2 cho thủy lợi và số 3 mới cho thủy điện”

“Phải bình tĩnh cùng nhau bàn bạc”

Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Năm 2013 là một năm hoàn toàn khác nên đòi hỏi ứng xử của chúng ta như thế nào cho phù hợp. Phải bình tĩnh cùng nhau ngồi lại xử lý, bàn bạc, không nên quy kết nhau như thế. Anh em mình tính toán lại theo đúng quy hoạch của Chính phủ thì câu chuyện nước sẽ khác. Bây giờ, tôi xin hỏi ai là người có quyền lệnh cho ĐắkMi 4 mở hay đóng cửa, Quảng Nam không phải, Đà Nẵng cũng không phải.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Năm nay hạn hán rất nặng nên tiêu xài nước phải hết sức tiết kiệm"

Vì thực ra, việc này liên quan đến rất nhiều vấn đề như sản xuất điện, kinh doanh điện. Quy trình hoạt động của một cái hồ phức tạp lắm, có phải như dập cầu giao một cái đâu. Nếu đồng ý cho ĐắkMi 4 xả nước thì chúng ta phải chịu trách nhiệm để ĐắkMi 4 còn báo cáo. Năm nay, hạn hán rất nặng nên tiêu xài nước phải hết sức tiết kiệm để làm sao xong vụ đông xuân thì vụ hè thu vẫn có điện, có nước.”

Ông Nguyễn Đình Hải - Phó Giám đốc Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam nói: “Hiện nay Sông Tranh gần như ở mực nước chết. Sông Ái Nghĩa đã 2 lần ở mực nước quá thấp so với quy định. Chúng ta phải làm thế nào để cân đối nguồn nước còn lại để phục vụ vụ hè thu tới. Quảng Nam và Đà Nẵng nên thống nhất một lần xả. Duy trì lượng phát điện của ĐắkMi 4 và lượng nước còn lại trên sông Tranh để ngăn chặn mặn. Tuy nhiên, trong thời gian này, chúng ta đừng có mơ tưởng đẩy mạnh vận hành nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng)”.

Ông Đào Minh Tiến - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty IDICO phụ trách trực tiếp Thủy điện ĐắkMi 4 cho biết: “Mực nước hiện nay của ĐắkMi 4 là 250m, nghĩa là hơn mực nước chết có 10m”. Đại diện của Thủy điện A Vương cũng bày tỏ: “Dân cần nước sinh hoạt, nước sản xuất nhưng cũng rất cần điện. Mỗi m3 nước đều cho ra chữ điện. Chúng tôi cũng phải dự phòng và luôn sẵn sàng lên lưới phát điện. Nhưng từ nay đến ngày 30/8, chúng tôi chỉ có tối đa 200 triệu m3 nước”.

“Nước bây giờ là vàng rồi”

Để giải quyết tình trạng căng thẳng về nhu cầu nước, sau khi các bên liên quan đưa ra ý kiến, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thủy lợi đề nghị: “Bây giờ nước là vàng rồi. Đề nghị phải tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Chỉ xả nước tập trung ở các hồ ĐắkMi 4 và A Vương chứ không dàn trải nữa, thống nhất xả một đợt vừa đảm bảo nước cho sinh hoạt và nông nghiệp là từ ngày 15/5- 30/5, lưu lượng 39m3/s với thủy điện A Vương và 50m3/s với thủy điện ĐắkMi 4, và cả 2 địa phương cũng phải xuống giống tập trung trong thời gian này.

Nếu xả tập trung như vậy chắc chắn sẽ đáp ứng được như cầu nước của Đà Nẵng và Quảng Nam. Tuy nhiên, hai địa phương cần xem xét cân đối lại nguồn nước, thậm chí chuyển đổi cơ cấu cây trồng nếu cần. Về lâu dài, phải nghiên cứu giải pháp lớn. Tuần sau, Bộ sẽ có văn bản thông báo lịch xả nước đến các địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ chỉ đạo việc lấy nước nên sau xả đợt 1 nếu cần, phải họp rút kinh nghiệm.”

Ông Nguyễn Văn Tỉnh cũng đặc biệt đề nghị: “ Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí Trung ươngvà địa phương thông tin lịch lấy nước để từ cụ già đến các em nhỏ đều phải biết”.

Năm 2013, dự đoán, Quảng Nam và Đà Nẵng phải đối mặt với tình trạng hạn hán hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi đối phó với bài toán khó này, dự đoán hai địa phương sẽ “chưa lo xong hạn đã phải lo lũ”. Bởi theo dự báo khí tượng thủy văn Quảng Nam: “Khả năng lũ tiểu mãn rất khó xảy ra. Mùa lũ bão năm nay có khả năng khắc nghiệt hơn nhiều”.

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm