12/02/2017 13:48 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 12/2 (16 tháng Giêng), tại khu di tích Côn Sơn (thị xã Chí Linh), Ban Tổ chức Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã tổ chức khai hội mùa xuân 2017; khánh thành tòa Cửu Phẩm Liên Hoa và Tưởng niệm 683 năm (1334 - 2017) ngày mất của Đệ tam Tổ dòng thiền Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nêu rõ: Côn Sơn – Kiếp Bạc có ý nghĩa, tầm quan trọng trong lịch sử; thể hiện công lao to lớn của thiền phái Trúc Lâm với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, lòng tự tôn dân tộc; công lao của Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả.
Sân chùa Côn Sơn lung linh hoa đăng trong Lễ Liên Hoa Hội Thượng. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN
Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254, tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý. Ông là người thông minh, hiếu học, được mệnh danh là thần đồng, nổi tiếng khắp xứ Kinh Bắc và cả nước. Năm 20 tuổi, ông đỗ đầu khóa thi Hương, 21 tuổi đỗ đầu khoa thi Giáp Tuất.
Ngoài ra, ông cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi khắp nơi trong nước thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm. Những năm cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn, xây dựng tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau.
Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Hằng năm, ngày mất của ông trở thành ngày giỗ Tổ của chùa Côn Sơn. Từ đó, di tích Côn Sơn luôn giữ vai trò là trung tâm Phật giáo xứ Đông xưa.
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa hình bát giác, cao 10,3m với 9 tầng, mỗi tầng chạm 3 lớp cánh sen. Ở tầng 1 có 8 đầu rồng đúc bằng đồng ở 8 cạnh làm tay vịn quay cây Phẩm. Từ tầng 2 lên đến tầng 9, các cạnh là cột chạm đốt trúc đỡ các đài sen. Trên tầng thứ 9 có trang trí 8 đầu rồng uốn cong dạng long đình quay ra bốn phía. Trên cùng cây Phẩm là Đức Phật A Di Đà tọa thiền trên đài sen, phía trên Đức Phật là bông sen lớn sơn son thếp vàng gắn trên đỉnh nhà Phẩm rủ xuống như lọng vàng.
Cửu Phẩm Liên Hoa là một trong những tinh hoa của kiến trúc nghệ thuật Phật giáo. Đây là biểu tượng tối cao của thế giới Cực Lạc, thế giới của cõi Niết Bàn, nơi Đức Phật A D i Đ à thường tr ụ. Ngài ngự ở hàng cao nhất của Cửu Phẩm, dùng ánh sáng vô lượng, công lực vô biên phổ chiếu cứu độ chúng sinh, tiếp dẫn thế gian về cõi Tây Phương Cực Lạc.
Chùa Côn Sơn trong Lễ Liên Hoa Hội Thượng. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN
Theo thuyết Cửu Phẩm vãng sinh và Kinh A Di Đà... của Phật giáo Tịnh Độ tông, đường tu để đạt đến chính quả của Tịnh Độ gồm chín phẩm, mỗi phẩm tương ứng với một đài sen và được phân thành Thượng Phẩm, Trung Phẩm và Hạ Phẩm. Kinh A Di Đà viết Cửu Phẩm Liên Hoa là một cối kinh vi diệu, nếu vừa đi vừa đẩy tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, thành tâm niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật ” thì mỗi vòng quay sẽ tương ứng với 3.542.400 câu niệm Phật, cứ như vậy chúng sinh sẽ được Phật chứng mà lên cõi niết bàn.
Trước lễ khai hội đã diễn ra nghi lễ rước nước. Từ sân chùa Côn Sơn, đoàn rước gồm hàng trăm người với rồng, cờ lọng, bát bửu, các cỗ kiệu tiến ra hồ Côn Sơn. Tại đây, các nhà sư làm lễ dâng hương, cáo thần, đăng đàn cầu nước. Các đại biểu thành kính thực hiện nghi thức lấy nước trong vòng sinh khí đổ vào bình thủy rồi rước nước trở lại chùa làm lễ an vị. Rước nước là một nghi lễ quan trọng trong lễ hội Côn Sơn với mục đích lấy nước thiêng để thờ cúng trong Phật điện, làm nghi lễ mộc dục (tắm tượng), biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, cầu mùa, cầu nước...
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2017 được UBND tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 10/2 đến ngày 19/2/2017 (tức ngày 14 đến 23 tháng Giêng âm lịch) với nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi mang đậm chất truyền thống, dân gian như: lễ dâng hương, lễ khai hội, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ Đàn mông sơn thí thực, hội thi bánh chưng, bánh dày, vật dân tộc, liên hoan pháo đất...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất