Học sinh cấp 2 nghỉ hè thế nào?

17/06/2015 14:43 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nghỉ hè, các em học sinh tiểu học và nhi đồng thường được cha mẹ quản lý thời gian khá nghiêm ngặt với lý do còn quá nhỏ để tự lập. Học sinh THPT thì lo học thêm chạy đua vào các trường đại học. Những học sinh THCS ở thành phố liệu có được "buông lỏng, thả ga"...

Ngủ nướng và lướt facebook

Kỳ nghỉ hè thường kéo dài trong thời gian 3 tháng. Các em học sinh sẽ làm gì, ở đâu trong suốt khoảng thời gian này là một vấn đề nan giải với nhiều gia đình. Đối với các em nhi đồng và tiểu học, thời gian nghỉ hè thường được các bậc phụ huynh quan tâm sát sao với lý do con trẻ còn quá nhỏ để tự lập. Với học sinh THPT, nghỉ hè là những tháng ngày khó nhọc trong các lớp học thêm với cuộc chạy đua vào các trường đại học.

Trong khi đó, qua khảo sát của PV, nhiều học sinh khối THCS ở thành phố lại được buông lỏng, thả ga nghỉ hè mà không có kế hoạch, thời gian biểu cụ thể. Thay vào đó là những khoảng thời gian thoải mái với ngủ nướng, chơi games, lướt web, tụ tập bạn bè, đam mê thần tượng,…

Nhiều học sinh THCS lãng phí thời gian nghỉ hè của mình trong những quán net..

Chia sẻ về thời gian nghỉ hè của mình, em Trần Hương Trà, học sinh lớp 9 trường THCS Quang Trung – Đống Đa cho biết: “Kỳ nghỉ của em đơn giản lắm. Em thường đi xem phim, tụ tập bạn bè trà chanh hoặc đi chơi, và cũng thỉnh thoảng đi học thêm vào dịp cuối hè. Thời gian trong ngày em thường online facebook. Do bố mẹ rất hay vắng nhà nên em thường ngủ từ 3 – 4 giờ sáng đến 11 – 12 giờ trưa, có khi đến tận 2 giờ chiều mới dậy”.

Cũng giống như Hương Trà, em Triệu Tùng Lâm, học sinh lớp 9 trường THCS Vạn Phúc lại dành thời gian 10 đến 12 tiếng/ ngày để ngủ. Ngoài ngủ nướng và online facebook, Lâm chia sẻ em thường đến các quán net để tụ tập bạn bè cùng có sở thích chơi games, lướt web. Theo Lâm, “bố mẹ khá bận công việc nên không quản lý thời gian ăn, ngủ, nghỉ của em. Vì thế dịp nghỉ hè của em khá thoải mái, em có thể tùy ý làm những gì mình thích mà không có sự gò bó, ép buộc nào”.

Trong khi đó, hầu hết các em đều không thực hiện sinh hoạt hè theo thời gian biểu cụ thể, có những em còn tỏ ra xa lạ với các hoạt động đoàn đội vào dịp hè ở nơi cư trú. Em Hoàng Khánh Linh, học sinh lớp 8 trường THCS Lương Thế Vinh cho biết: “Em chưa từng tham gia sinh hoạt đoàn đội tại phường bao giờ, vì bản thân cảm thấy không hứng thú lắm, một phần vì bố mẹ chưa cho phép. Thời gian trong ngày chủ yếu em dành để nghe nhạc, đọc truyện tranh và tìm hiểu những thông tin về thần tượng Taylor Swift”.

Linh không thực hiện thời gian biểu hàng tuần vì không thể duy trì được: “Em cũng thử lập thời gian biểu theo yêu cầu của mẹ nhưng không thể làm theo được. Bố mẹ có nhắc nhở đôi lần nhưng cũng không quan tâm tới điều đó lắm nên kỳ nghỉ của em khá tự nhiên và thoải mái”.

Thiếu kế hoạch hợp lý

Thực tế, trong khi các con nghỉ hè thì các bậc phụ huynh vẫn phải đi làm. Không có người quản lý giúp, không có kế hoạch nghỉ hè cụ thể là nguy cơ khiến trẻ dễ dàng sa vào tình trạng xả hơi với những thú vui vô bổ. Đặc biệt là các em học sinh khối THCS đang trong độ tuổi chưa đủ lớn để có nhận thức đúng đắn cũng không còn quá nhỏ để có được sự quan tâm sát sao, thường xuyên từ phía gia đình.


Thạc sỹ - chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh. Ảnh: NVCC

Nói về hiện trạng học sinh khối THCS vẫn bị “thả lỏng” vào dịp hè, Thạc sỹ - chuyên gia tâm lý học Nguyễn Thị Minh cho rằng, tình trạng không ít các học sinh THCS vẫn thường dành thời gian nghỉ hè vào những hoạt động không mang lại hiệu quả đều xuất phát từ việc chưa có kế hoạch sinh hoạt hè hợp lý. Ngoài việc các bạn nhỏ chưa ý thức được mục tiêu sống của mình thì gia đình, cha mẹ vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức do bận công việc hoặc cũng có những bộ phận cha mẹ vẫn chưa đủ tầm nhận thức để dành thời gian trò chuyện cùng con, cùng con xác định mục tiêu trong cuộc đời, cùng con chia sẻ những ước muốn và vạch ra kế hoạch cho con, phân tích và hướng dẫn cho con những tác động tốt – xấu từ các việc làm cụ thể…

Bên cạnh đó, nguyên lý liên kết giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội vẫn chưa được đảm bảo thực hiện có hiệu quả nên chưa tạo ra được những môi trường giáo dục lành mạnh với những chương trình, hoạt động phù hợp với các em. Trong khi môi trường sống, học tập, vui chơi lại có tác động mạnh mẽ đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của trẻ. Đặc biệt là trong độ tuổi vị thành niên.

Theo bà Minh: “Các bậc phụ huynh nên cùng với con lập một kế hoạch nghỉ hè cụ thể với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, đồng thời cũng nên lường trước những nguy cơ trong kỳ nghỉ, kế hoạch đó. Phụ huynh cũng nên lắng nghe những ý muốn, sở thích của con trẻ, tạo điều kiện để trẻ được thỏa mãn nhu cầu trong điều kiện cho phép của gia đình. Như vậy sẽ tránh được cảm giác buồn chán, ức chế ở trẻ, vừa đảm bảo trẻ phát triển phù hợp và toàn diện hơn”.

Dẫu rằng nghỉ hè là khoảng thời gian để các em học sinh nghỉ ngơi, thư giãn sau 9 tháng học tập căng thẳng. Tuy nhiên, kỳ nghỉ hè cũng cần có những kế hoạch, định hướng cụ thể và sự quản lý phù hợp để trẻ phát triển đúng hướng, không quá sao nhãng vào những thứ vô bổ hay sa vào những cám dỗ. Đây là một chiến lược dài hơi đòi hỏi phải có sự phối hợp hiệu quả giữa cha mẹ và con cái.

Thanh Mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm