Họa sĩ Vũ Đức Quỳnh: Có một nghề... vẽ báo tường!

26/11/2012 07:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Loanh quanh trong ngõ 221 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), cuối cùng tôi cũng tìm thấy căn nhà nhỏ của họa sĩ già Vũ Đức Quỳnh. Ông đang cặm cụi làm tờ báo tường cho một lớp học nhạc.

Đã 20 năm nay ông vẫn làm cái công việc đi ngược thời đại này.


Họa sĩ già Vũ Đức Quỳnh vẫn miệt mài với công việc vẽ báo tường. Ảnh: CMT

Làm báo tường ở Trường Sơn

Chuyện làm báo tường với ông chẳng khó nhọc gì, đơn giản vì ông là họa sĩ. Tốt nghiệp khóa Trung cấp mỹ thuật Điện ảnh năm 1963, ông được cử về Hãng phim Tư liệu - Khoa học Trung ương.

Cái duyên báo tường đến với ông từ năm 1968, khi ông nhập ngũ và chiến đấu tại Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.

Những lúc rảnh rỗi, anh lính công binh Vũ Đức Quỳnh thường vẽ ký họa cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của đồng đội. Lúc là cuộc họp tác chiến, khi là cảnh văn nghệ, hay đơn giản là phong cảnh núi rừng.... Anh lính họa sĩ cũng "gánh" luôn việc chung của cả đoàn 559 là làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của anh em phong phú hơn: Vẽ báo tường.

Tờ báo tường do Vũ Đức Quỳnh phụ trách cứ thỉnh thoảng lại ra đời đem lại cơ hội cho nhiều người được bày tỏ tâm tình của mình qua những truyện ngắn, bài thơ, tranh vẽ… tại chiến trường khốc liệt. Những bài thơ, truyện ngắn, bức tranh nếu bình thường người lính làm xong lại cất vào ba lô coi như kỷ niệm. Nhưng khi có báo tường, họ luôn chia sẻ dù hay dù dở. Tờ báo của Đoàn 559 cũng vì thế mà "sống khỏe" giữa nơi chiến trường.

Đất nước giải phóng, xuất ngũ, việc đầu tiên ông nghĩ đến là theo học khoa Thiết kế mỹ thuật Sân khấu (khóa 1) và trở lại với cuộc cuộc sống của một “họa sĩ công chức”. Mặc cho cái nghề họa sĩ thời bao cấp chẳng khá khẩm gì, ông vẫn quyết bám nghề và cố gắng sử dụng nhiều nhất cơ hội mà mình có được. Năm 1984, ông chuyển công tác sang Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 1986 cho đến lúc nghỉ hưu, ông về Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương.

Những tờ báo tường… vỉa hè

“Lương hưu ba cọc ba đồng, còn vợ con, mình phải kiếm thêm thôi” - ông tâm sự. Chẳng ngại cái danh họa sĩ, công chức nhà nước, ông vác bút lông, màu vẽ ra ngoài vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám kiếm sống. Tranh chân dung, tranh sơn dầu, phong cảnh, phố cổ, thậm chí cả tranh đặt hàng… ông nhận vẽ hết. Vỉa hè nuôi sống gia đình ông từ đó.

Rồi có một ngày, mấy đứa trẻ tìm đến ông, chúng muốn ông trang trí giúp tờ báo tường nhân dịp 20/11. Đám trẻ mở tờ báo ra trầm trồ thán phục, cũng là lúc chúng mở cho ông một hướng đi mới: trang trí báo tường cho học sinh.

Thông thường, ông chỉ mất 2 ngày là hoành thành xong 1 tờ báo tường, nhưng tùy theo yêu cầu, cũng có những tờ ông phải làm cả tuần đến nửa tháng.

Ngoài sự sáng tạo, cẩn thận trong từng nét vẽ, điều quan trọng với ông là hiểu được ý của "khách hàng", phải làm được nhiều hơn những gì khách hàng muốn truyền tải được thông điệp của tờ báo tường đó.

Những tờ báo tường đầu tiên ông vẽ cho đám học sinh đạt giải cao ở trường. Vậy là cứ đến dịp lễ, chúng lại tìm đến ông, ông chính thức treo bảng "Nhận vẽ báo tường".

"Tôi không tự vẽ hết cho đám trẻ mà chỉ là người truyền đạt lại ý tưởng của chúng. Thậm chí có những đứa trẻ mang bản phác thảo nhỏ đến, trình bày ý tưởng để tôi có thể "phóng to" lên thành một tờ hoàn chỉnh. Phần nội dung còn lại thì đám trẻ phải thực hiện nốt để đảm bảo ý nghĩa của một tờ báo tường" - ông kể.

Tiếng về ông Quỳnh họa sĩ chuyên vẽ báo tường cứ dần lan rộng ra, các doanh nghiệp, các đơn vị công an, quân đội cũng tìm đến. Việc trở nên phức tạp hơn, không chỉ là trang trí, bo viền, viết tiêu đề... Với nét chữ đẹp, khả năng trình bày tốt, ông thường được giao trình bày hoàn trình cả tờ báo tường với đầy đủ bài viết, chữ lớn chữ nhỏ, hình vẽ minh họa... Đối với ông, báo của các đơn vị bộ đội, công an thì đơn giản bởi thời gian trong quân ngũ giúp ông biết mình cần phải làm gì. Đối với doanh nghiệp, ông phải tìm hiểu thêm để đảm bảo không bị "lạc mốt".

Chẳng mong có người... nối nghề

"Hè năm nào tôi cũng dạy vẽ cho các cháu học sinh, thi thoảng cũng có giao bài tập dạng trang trí báo tường. Nhưng tôi thích dạy các cháu các kiến thức cơ bản của vẽ hơn là chăm chăm vào vẽ báo tường. Vậy nên tôi cũng chẳng mong có người "nối nghiệp". Với tôi, vẽ báo tường cũng giống như một cái thú chơi, kiếm thêm một chút đồng ra đồng vào" - ông tâm sự.

Xem thêm:
Khám phá công việc vẽ báo tường của họa sĩ Vũ Đức Quỳnh qua ảnh.

Bản thân ông cũng chẳng rõ nguồn gốc của báo tường từ đâu ra, chỉ biết báo tường ra đời trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc trong thời kỳ chiến tranh nhằm phục vụ nhu cầu thông tin của một số nhóm người cụ thể. Kể cả đã qua thời thịnh hành của loại báo này, một số cơ quan, trường học vẫn phổ biến việc làm báo tường để tạo những thói quen sinh hoạt văn hóa riêng cho đơn vị của mình.

"Bây giờ, ai theo cái nghề lỗi thời này cho phí ra" - ông cười sảng khoái.

Rút từ một góc tủ tập tài liệu được bọc gói cẩn thận, ông khoe những bức tranh ký họa ở Trường Sơn khốc liệt. Tranh ông không gai góc, chúng đơn giản, đời thường và dễ hiểu như những tờ báo tường ông vẫn hay làm vậy. Ngay cả những bức tranh sơn dầu, phong cảnh về Hà Nội, ông cũng vẽ khá nhẹ nhàng. "Là người quê ở Hà Tây (cũ), trưởng thành ở Hà Nội, tôi thích mọi thứ đơn giản và dễ hiểu như những gì tôi nhìn thấy".

Cao Mạnh Tuấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm