Hồ Gươm: Nên lát bằng loại gạch có tính sinh thái

14/05/2010 14:34 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nhân đọc báo, thấy lãnh đạo Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có quyết định rất dân chủ “Tạm dừng công trình lát đá quanh Hồ Gươm để lấy ý kiến nhân dân”, tôi rất mừng. Mừng vì lãnh đạo Quận đã rất trách nhiệm thực thi khẩu hiệu mà lâu nay chúng ta đã nêu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sẽ có nhiều ý kiến đóng góp về việc có nên lát đá quanh Hồ Gươm hay không. Cá nhân tôi cho rằng nên lát bằng loại gạch xếp hình con sâu có tính sinh thái, có tác dụng “thấm lọc” nước trước khi chảy xuống Hồ Gươm.

Từ ước mơ “gạch hóa”, “bê tông hóa”...

Xưa kia nông thôn ta nghèo lắm. Cái mơ ước ngàn đời của người nông dân châu thổ Sông Hồng chỉ là làm sao xây được cái nhà ba gian, sân gạch Bát Tràng và ra khỏi ngõ là có con đường xếp gạch sống trâu nhỏ hẹp cho khỏi lầy bùn, trơn trượt. Cái sân gạch Bát Tràng xưa là một biểu hiện của sự giàu sang. Người nông dân cần cái sân gạch để phơi phóng thóc lúa ngô đậu... Cần đường gạch trong làng để chống bùn lầy sau khi làm đồng về. Ra khỏi cổng làng là lầy lội, gồ ghề. Xe đạp đi còn khó, sau này nhờ những chương trình nhà nước và dân cùng làm nên đường xá dần dần mới được khang trang như ngày hôm nay.


Đường dạo quanh Hồ Gươm có nên lát đá? Ảnh TPO
Cái sân gạch, tưởng sang nhưng thực ra ở nhiều nơi nó lại trở thành cái họa. Mùa hè, trời nắng chang chang, sân gạch bị nung nóng, phả hơi nóng vào nhà khiến trời đã nóng lại nóng thêm. Sau này, nhiều nhà kiến trúc đã khuyên bà con nên bố trí sân phơi cho hợp lý, trước nhà nên trồng cây hay đào ao làm vườn để không khí được điều hòa, có lợi cho sức khỏe.

Loại gạch này là một phát minh khoa học đã được ứng dụng ở nhiều thủ đô trên thế giới. Lát gạch mà không bít kín sẽ tạo điều kiện cho nước thẩm thấu vào lòng đất nhanh và tốt hơn.

Oái oăm thay, cái tâm lí sợ đất, sợ bùn nó ám ảnh trong đầu óc người ta bao đời nay nên ở nông thôn bây giờ, cái tâm lí “gạch hóa”, “bê tông hóa”, “đá hóa” nó vẫn như một cái mốt. Đất chật đã đành nhưng nhà nào nhà ấy đều tường gạch, sân gạch đỏ rực đến tức mắt, nước thải, phân lợn thì tuôn ra cống rãnh đen ngòm chạy dài ngõ xóm. Hầu như cả làng không một bóng cây. Nước thải đổ tuồn tuột ra cống rồi từ cống lại tuôn vào các hố trũng, đất thấp hay đường mương hôi thối, rác rưởi, ruồi muỗi tống ra rìa làng. Xưa kia, vườn đất còn trồng cây, nước thải sinh họat đem tưới cây, nước ngấm vào đất và vườn tược xanh tươi không có cảnh cống rãnh ngập ứ, hôi thối như bây giờ.


Lát gạch mà không bít kín

Dân đô thị cũ cũng như mới, vốn được sống trong những khu phố được quy họach lâu đời (Như khu phố Tây ở Hà Nội). Hoặc trong các phố cổ có tuổi vài trăm năm, người ta đã chú ý đến đường xá, ao hồ, cống rãnh thoát nước. Có thảm cỏ, cây xanh và công viên. Nhờ vậy, hệ sinh thái đô thị có phần quy củ ngăn nắp và người ta cố gắng tạo ra một sự hài hòa với tự nhiên.

Đành rằng với đà phát triển của mọi đô thị, cái yếu tố bất lợi của đô thị với môi trường ngày càng gia tăng. Sự tăng dân số, bùng nổ giao thông, hệ thống nước sạch và cống thải bị thiếu hụt và quá tải. Khói bụi, tiếng ồn, khí thải ngày càng gia tăng...là những vấn nạn của đô thị. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, khi xây mới hoặc chỉnh trang đô thị, người ta đòi hỏi phải hết sức thận trọng, tính toán sao cho đô thị giữ được sự hài hòa với môi trường, gìn giữ được những giá trị văn hóa, nhân văn.

Nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, nhân dân Hà Nội và cả nước hoan hỉ mong chờ đại lễ. Chỉnh trang đô thị là một trong những công việc được đề ra nhân dịp lễ. Chỉnh trang đô thị, theo tôi nghĩ là chỉnh trang toàn bộ cuộc sống của đô thị. Chỉnh trang ở đây có nghĩa là tạo ra một môi trường sinh hoạt đô thị cho thật lành mạnh. Nước, không khí, ánh sáng tốt hơn, giảm thiểu mọi tác hại sống của môi trường, mọi dịch vụ công cộng từ chợ búa, hàng quán đến cống rãnh, rác thải rồi giao thông, vận tải...cùng cái nếp sống văn hóa, cái văn minh, văn hóa cao trong sinh họat của người Thủ Đô phải được nâng lên một tầm cao mới.

Việc này lẽ ra lúc nào cũng phải làm nhưng nhân dịp kỉ niệm ta làm mạnh hơn, quyết liệt hơn, tạo nên một cú hích mới để thủ đô của ta tiến bộ vượt bậc.

Việc có nên tiếp tục lát đá quanh Hồ Gươm hay không đã nêu ra từ tuần trước sau khi có nhiều ý kiến cho rằng gạch lát nền quanh Hồ vẫn còn đang sử dụng tốt và cũng đã đẹp rồi, nay chào mừng Đại lễ lại bóc lên thay bằng đá xẻ gây tốn kém. Tuy nhiên tôi lại nhìn nhận vấn đề này dưới khía cạnh khác:

Hồ Hoàn Kiếm cũng như nhiều hồ khác nó sẽ theo quy luật diễn thái tự nhiên. Nếu không có sự quản lí và coi sóc của con người thì dần dần đáy hồ sẽ bị bùn đất lắng đọng rồi cạn dần mà trở thành đầm lầy. Nước hồ sẽ bị ô nhiễm nếu như các nguồn nước mưa, cống rãnh khi mưa úng lại tràn từ bờ hồ trực tiếp dồn xuống hồ. Thông thường, khi nước chảy xuống mọi hồ ao hay sông ngòi, chúng thấm qua lớp đất ven hồ. Cỏ cây và vùng đất ven hồ chính là cái màng thấm lọc nước trước khi thấm vào hồ.

Bởi thế, người ta đã phát minh ra loại gạch xếp hình con sâu (hoặc các hình thù khác) với nhiều kiểu trang trí đẹp mắt để xếp lên các vỉa hè, công viên, quanh hồ. Loại gạch này là một phát minh khoa học đã được ứng dụng ở nhiều thủ đô trên thế giới. Nó khoa học bởi tính sinh thái của vật liệu này. Người ta có thể tận dụng những chất phế thải để chế tạo gạch. Gạch tạo độ nhám cần thiết chống trơn trượt. Lát gạch mà không bít kín sẽ tạo điều kiện cho nước thẩm thấu vào lòng đất nhanh và tốt hơn. Khi cần sửa chữa những công rình ngầm chôn dưới lòng đất sẽ dễ dàng thực hiện mà chi phí rẻ nhất.

Loại đá tảng có gốc đá vôi đang thí điểm lát hè này dễ bị mài mòn và sẽ nhẵn bóng, trơn trượt, không an toàn cho người đi bộ dù có đánh nháp lúc dầu.

Cần tạo thêm các hệ lọc tự nhiên

Tôi là người Hà Nội cao tuổi. Mấy chục năm nay sáng nào tôi cũng đi tập thể dục quanh hồ và nhận thấy chính khu vực đang thí điểm lát hè đá tảng là nơi mỗi trận mưa đến là nước cống đen ngòm từ phía Hàng Ngang, Hàng Đào lại đổ thẳng vào hồ. Bởi vậy, ngoài việc khai thông cống rãnh, ngăn không cho nước cống tràn vào hồ, nơi này cũng như nhiều vị trí khác quanh hồ cần phải tạo các thảm cỏ, để làm hệ lọc tự nhiên. Quá trình lát đá tảng và đổ bê tông kè như hiện tại là làm ngược lại quy luật sinh thái.

Nhớ lại hơn chục năm trước, thành phố Huế đã tổ chức xây kè phủ kín hai bờ sông Hương. May mà có nhiều nhà khoa học và nhân dân lên tiếng can ngăn và cũng may mà lãnh đão thành phố Huế đã kịp thời nghe ý dân mà ngừng lại nên sông Hương mới được gìn giữ như hôm nay.

Vì thế, chúng ta nên dừng việc lát đá quanh Hồ Gươm. Đừng nên biến cái không gian thiêng và đẹp nhất Hà Nội này thành “cái sân gạch” quê mùa, thiếu thân thiện với môi trường cho dù chất liệu đá có quý và sang trọng đến đâu chăng nữa cũng chẳng làm “văn minh, thanh lịch” được Hồ Gươm thân thương của Hà nội chúng ta.

Nhân đã trót đào bới vỉa hè khu vực này, tôi đề nghị nên chuyển luôn cái nhà vệ sinh làm bằng I-nốc xấu xí dựng chềnh ềnh ngay cái chỗ đẹp nhất để ngắm đền Ngọc Sơn linh thiêng.

Hà Nội ngày 12-5-2010

TS.Vũ Thế Long (*)

(*) Tác giả nguyên là Trưởng ban nghiên cứu “Con người và môi trường” của Viện Khảo cổ học. Hiện đang tham gia giảng dạy về “văn hóa và môi trường” tại Đại học ĐHQG Hà Nội.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm