Hãy xem tôi như một Người khuyết tật!

04/12/2008 20:30 GMT+7 | Thế giới

1

Đã định không viết gì vào cái ngày không vui không buồn này. Phải, ngày 3/12, Quốc tế Người khuyết tật.

Liệu rằng anh có vui không trong chính cái ngày anh bị nhắc nhở về sự khuyết tật của anh? Về số phận trớ trêu một cách không hiểu nổi?

Nhưng liệu anh có buồn được không khi có một ngày trong năm dành riêng cho anh? Một ngày thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội, toàn thế giới đối với sự khuyết tật của anh?

Quả thật, là không vui nổi mà cũng chẳng buồn nổi.

Một ngày éo le, cho một câu chuyện éo le, về một thân phận éo le.

Quá éo le!

Tác giả bài viết (đứng giữa) trong buổi trao giải của báo Tuổi trẻ

2

Nếu đột nhiên, một sớm mai thức dậy, bạn phát hiện ra rằng đôi chân của bạn, đôi tay của bạn không còn nghe theo sự điều khiển của bạn nữa, tâm tình lúc đó của bạn sẽ như thế nào?

Không dễ chịu lắm, thậm chí có khi còn tuyệt vọng đến không muốn sống nữa.

Nhưng đó là từ khía cạnh một người bình thường. Một người khuyết tật không nghĩ nhiều về chuyện đó. Sự sống vốn rất kỳ lạ và kỳ diệu. Nếu có lần nào bạn trong thấy một cái cây đứng chênh vênh trên một vách đá, một bờ tường vẫn oằn mình hướng về mặt trời, bạn sẽ thấy sự sống kỳ diệu như thế nào. Ở nước ngoài có lần người ta thành lập cả một hiệp hội để bảo vệ một cái cây bỗng dưng mọc lên giữa xa lộ. Sự sống vốn luôn kỳ lạ và kỳ diệu, cần phải nâng niu và bảo vệ nó.

Một người khuyết tật tuyệt nhiên chỉ có bất tiện chứ không hề có bất hạnh. Bất tiện trong đi lại, trong sinh hoạt trong công ăn việc làm. Tuy nhiên, từ bất tiện đến bất hạnh là một khoảng cách rất gần.

Bạn đi học rất bất tiện, bạn sinh hoạt rất bất tiện, bạn đi làm rất bất tiện… thì cuộc sống của bạn chẳng mấy chốc sẽ rất bất hạnh. Và chính bạn cũng thấy mình quá bất hạnh. Giá như bạn không khuyết tật thì đã khác.

Khác rất nhiều!

Một người khuyết tật sinh ra ở Mỹ, có lẽ số phận sẽ bớt bất hạnh hơn một người khuyết tật sinh ra ở Việt Nam. Một người sẽ trở thành giáo sư đại học, còn một người sẽ phải đi bán vé số.

Làm thế nào chúng ta quyết định chúng ta được sinh ra ở đâu? Sinh ra bởi ai? Chúng ta tuyệt nhiên không quyết định được những chuyện như thế này. Trên thế gian vốn có rất nhiều chuyện chúng ta không quyết định được.

Người khuyết tật Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản. Biết làm sao hơn, khi quốc gia còn nghèo thì người dân còn khổ, khi vết thương chiến tranh bao nhiêu năm còn chưa liền sẹo, thì làm sao cho bằng được với quốc gia người ta?

Đành phải cố gắng bước đi từng bước vậy!

3

“Tôi không bất hạnh” vốn là một cuốn tự truyện nổi tiếng của chàng sinh viên khuyết tật người Nhật, Ototake. Anh sinh ra đã khuyết tật tứ chi. Tay và chân của anh như những mụn khoai mọc trên củ khoai vậy. Cũng chính anh là người đã phát động phong trào “không rào cản”, một phong trào nổi tiếng ở Nhật để vận động phá bỏ những rào cản ở Nhật đối với người khuyết tật. “Khuyết tật vốn không có gì là bất hạnh, khuyết tật chỉ là sự bất tiện” là câu nói nổi tiếng của anh.

Cô bé Trần Tử Khâm trong một cuốn tự tuyện khác “Hoa hướng dương không cần mặt trời” cũng viết những dòng đầy xốn xang. Khi nói về bệnh tật của mình cô đã viết: cũng giống như thầy giáo giao bài tập cho học sinh, những học sinh khá nhất sẽ được chọn giải bài tập khó nhất. Thượng Đế đã chọn tôi, và tôi phải cố gắng giải bài tập của người.

Và còn nữa, còn nữa, những Stephen Hawking, những Helen Keller, những Nguyễn Ngọc Ký… họ đều là những học trò khá nhất lớp của Thượng Đế.

Chúng ta nhìn họ như nhìn những tấm gương sáng về nghị lực. Họ đã dạy cho chúng ta những bài học sinh động về sự kỳ diệu của cuộc sống.

Ý nghĩa của cuộc sống là gì?

Hãy đặt câu hỏi này cho họ, bạn sẽ nhận được câu trả lời xác đáng.

4

Nhiều người bạn nói với tôi rằng: tôi chưa bao giờ xem bạn là khuyết tật, cho nên vào cái ngày này tôi chẳng quan tâm. Quả thực, tôi cảm kích vô cùng nhưng cũng buồn vô cùng.

Vào cái ngày này tôi chỉ mong bạn hãy nhớ đến tôi như một người khuyết tật. Phải, một người khuyết tật chính cống 100%.

Khi bạn nhớ tôi như là một người khuyết tật, khi bạn nhớ bạn có một người bạn khuyết tật, một người anh khuyết tật, một người em khuyết tật, một người con khuyết tật, một người chồng, người vợ khuyết tật… bạn đã tự đứng vào hàng ngũ của những người khuyết tật chống lại những rào cản của xã hội. Đến bất cứ đâu, làm bất cứ gì bạn cũng sẽ nghĩ đến tôi, người bạn khuyết tật của bạn, có thể đến được không, có thể làm được không có thể tham gia được không?

Từng người, từng người như thế, chúng ta sẽ nhanh chóng quét sạch những rào cản không đáng có trên cuộc đời này. Sẽ không còn nước mắt, không còn khổ đau, không còn bất hạnh.

Cho một thế giới không có rào cản.

Vì thế, trong ngày này xin hãy xem tôi là một người khuyết tật. Một người bạn chẳng may bị khuyết tật của bạn. Một người em, một người anh, một người con…

Phải, hãy xem tôi là một Người khuyết tật.

------------------------------------------

Tây Ninh 4/12/2008

Viết cho tất cả những người bạn khuyết tật.

Phan Mạnh Tân

Theo TinNhanhBlog

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm