Hậu duệ của “Thánh thơ” Cao Bá Quát: Cắt tóc - Tổ trưởng dân phố - Viết văn

21/09/2010 17:03 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Là hậu duệ của “Thánh thơ” Cao Bá Quát, ông Cao Văn Tuế với vóc dáng thấp nhỏ, phúc hậu nay tròn 80 tuổi và có thâm niên hành nghề cắt tóc hơn 60 năm. Từ khi qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, mắt ông sáng trở lại và không phải đeo kính. Tuy tuổi cao nhưng ít ốm đau, trời phú cho sức khỏe tốt, ông vẫn hành nghề cắt tóc. Cắt tóc là niềm đam mê của ông ngay từ thuở thiếu thời.

Đối với ông “Cắt tóc - Tổ trưởng dân phố - Viết văn” là bộ ba “xe - pháo - mã” đưa ông đến thành công về sự nghiệp văn chương.

Người thợ cạo viết văn

Sinh ra ở một làng quê có truyền thống khoa bảng nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa - làng Phú Thị - hay còn gọi là Làng Sủi thuộc huyện Gia Lâm trước đây, nay là quận Long Biên, Hà Nội. Làng quê này từng sản sinh ra 10 vị Tiến sĩ được ghi tên trong văn bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).


Ông Cao Văn Tuế hành nghề thợ cạo
Lớn lên, khi học hết tiểu học, do nhà nghèo, Cao Văn Tuế đi làm nghề cắt tóc từ khi 15 tuổi. Chính cái nghề “đè đầu vít cổ” thiên hạ đã đưa ông tới nghiệp văn chương. Ông còn nhớ mãi kỷ niệm năm 1962, khi được cố Nhà văn Nguyễn Công Hoan tìm đến tiệm của ông cắt tóc và có lời khuyên “Anh cứ cắt tóc và viết như thế này là thành đạt đấy”. Lời khuyên tâm huyết đó có sức mạnh diệu kỳ đi suốt cuộc đời ông. Từ đó đến nay, thông qua những “thượng đế” đến cắt tóc, ông có dịp tiếp cận với nhiều đối tượng xã hội lắng nghe, tích lại những nỗi niềm, vui buồn của họ, của cuộc sống sôi động xung quanh, kết hợp với thâm niên làm tổ trưởng dân phố sâu sát với dân đã tạo cho ông có một vốn sống phong phú để từ đó suy ngẫm biến thành ý chuyện, tứ thơ và những câu đối, câu châm ngôn sáng giá lưu truyền hướng dẫn về đạo đức, lối sống và kinh nghiệm sống.

Ông thợ cạo, tuy chẳng ở trong biên chế một cơ quan nào nhưng đã vinh dự được kết nạp vào Hội Văn nghệ Hà Nội từ năm 1966 và là một trong những hội viên lứa đầu của Hội Văn nghệ Thủ đô. Từ bài thơ ban đầu Công an tí hon đăng trên Báo Độc lập, Báo Thiếu niên Tiền phong năm 1959, lại được NXB Văn học in vào hợp tuyển thơ văn thiếu nhi năm 1945 - 1960 đến bài Cái lẹm móc cua của bà đã được NXB Giáo dục năm 2003 chọn in trong tập 7 bài tập tình huống Giáo dục công dânmục nói về “Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ”, ông đã có một bước tiến dài trên văn đàn.

Tài hoa đáng nể

Năm 2000, NXB Văn hóa thông tin xuất bản cuốn sách Nghìn câu thơ tài hoa, trong đó có 4 câu thơ của Văn Tuế nói về cái chết của Cao Bá Quát: “Xương không nằm trong phần mộ/ Khi tưởng nhớ/ Nhìn trang sách mở/ Trông lên trời”... Trong những năm gần đây, ông đã từng được 6 giải thưởng trong các cuộc thi văn học viết về những đề tài khác nhau. Sáu lần viết về Làng Sủi - nơi chôn nhau cắt rốn - ông đều được giải thưởng. Báo Văn nghệ Công an số 10 (110) tháng 10 năm 2004 trong mục “Người tốt - Việc thiện” đã ca ngợi ông là “ Người thợ cạo tài hoa” đất Hà thành và 4.000 câu châm ngôn độc đáo. Tạp chí Thế giới mới số 499 phát hành ngày 13/8/2001 trong mục “Nét đẹp đời thường” với bài viết Người thợ cạo thành Hà Nội đã đánh giá ông Cao Văn Tuế “là một trong những người viết nhiều châm ngôn nhất Việt Nam”. Ông khiêm tốn gọi những câu châm ngôn đó là những dòng tâm thức và đã được NXB Văn hoá Thông tin in thành sách năm 1995 với tên gọi Tâm văn.

Trong lời tựa giới thiệu sách Tâm văn, nhà văn Hoàng Tiến đã phác họa mấy nét chân dung: “Tác giả Cao văn Tuế là một ông lão nhỏ bé nhưng trời lại cho ông đầu óc khái quát, sâu sắc, thâm trầm. Nó đúc kết cái lẽ đời đen bạc, đổi thay cái tình người ấm lạnh sớm chiều, bằng những câu nói ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc. Vừa có hơi khí cổ đại nhuần nhụy, xa xưa, pha trộn với cái hiện đại, sắc sảo thời thượng, tạo thành một lối nói riêng, khó ai bắt chước được”.
 

Và cầm bút viết văn
Câu châm ngôn của ông Cao văn Tuế nói về kinh nghiệm sống “Nói thật nhưng chớ nói hết”. Cần nói ra sự thật nhưng chỉ nên vừa đủ thành sự thật, không thể phơi bày tất cả, thảm họa sẽ sinh ra từ đó. Câu châm ngôn ông tâm đắc nhất để thường xuyên nhắc nhở bản thân và góp phần khuyên răn người đời: “Chê người mà được thưởng là gặp thánh. Khen người mà bị phạt là gặp thần”...

Không phải là người thông thạo về Hán Nôm nhưng ông Cao văn Tuế có biệt tài viết câu đối bằng chữ Hán hoặc Hán Nôm. Điển hình nhất là câu đối mà ông viết về “Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn”:

“Chí tráng sơn hà lưỡng quốc tạc
Danh truyền sử sách thiên thư lưu”
(Chí khí sông núi hai nước khắc
Danh truyền sử sách vạn trang lưu)

Câu đối này của Văn Tuế đã được gia đình con gái Tướng Nguyễn Sơn trân trọng mời ông đến đọc trước mộ ở Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) và treo trên bàn thờ Tướng Nguyễn Sơn. Câu đối này cũng được một họa sĩ đưa vào bức tranh sơn mài về Tướng Nguyễn Sơn treo trang trọng ở Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam, lại được in trong tập sách Lưỡng quốc Tướng quân của Nhà xuất bản Lao động năm 1996 và được in ngay trang đầu cuốn sách ảnh Tướng Nguyễn Sơn bằng 3 ngữ: Việt - Anh - Trung do NXB Thông tấn biên soạn xuất bản năm 2008 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tướng Nguyễn Sơn (1/10/1908 - 1/10/2008).

Kỷ lục 46 năm làm tổ trưởng dân phố

Điều đáng trân trọng đối với ông Cao Văn Tuế là tuy tuổi đã cao nhưng bà con dân phố vẫn tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố số 29, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Ông là con rể của phường Bưởi, được bà con tin yêu, mến trọng bầu làm tổ trưởng dân phố đến nay đã 46 năm liên tục, một kỷ lục hiếm có người tại vị “tổ trưởng” lâu như vậy.

Công việc của tổ trưởng dân phố - theo ông Cao Văn Tuế - là bách sự bách hành (trăm việc phải làm) không phải là “8 giờ hành chính” mà là 24/24h. Những việc đại loại như lo sao cống rãnh cho thoát, điện nước cho đều, việc hỷ trong tổ, việc hiếu trong phường, khai báo tạm trú, ngày trật tự, đêm tuần tra, cơn bão phòng xa, hỏa hoạn lo phòng chống... đều đến tay người tổ trưởng.

Ông bộc bạch: Tổ trưởng dân phố là “cán bộ đáy” của phường, phố, không có chế độ hưu trí. Những năm trước đây, tổ trưởng dân phố không có chế độ trợ cấp gì. Gần đây, tổ trưởng dân phố được thành phố cho hưởng chế độ trợ cấp một ít gọi là “thuốc nước”. Với trợ cấp ít ỏi như vậy làm sao sống bằng nghề tổ trưởng dân phố. Nghề sống chính của ông là cắt tóc.

* * *

Có một vị Việt kiều đi lâu năm về thăm quê ở phường Bưởi, thấy ông Cao Văn Tuế điều khiển cuộc họp tổ dân phố hòa nhã, cởi mở, khúc chiết, ai cũng lắng nghe tiếp thu công việc của tổ về thực hiện. Nghe bà con trong phố nói gia đình nào có việc gì đến mời, ông đều đến ngay. Có việc tưởng như căng thẳng, ông đến giải quyết, xem xét kỹ, phân tích có lý, có tình trở nêm êm ả... Vị Việt kiều thấy lạ liền hỏi:

- Ông làm Tổ trưởng mỗi tháng lương được bao nhiêu?

Ông điềm đạm bảo:

- Tôi làm công tác này đã hơn 40 năm chưa bao giờ nghĩ đến hưởng lương.

Vị Việt kiều sửng sốt, mắt tròn xoe:

- Tôi làm việc lâu năm ở nước ngoài, sự lôi cuốn, ràng buộc không có gì bằng kinh tế. Ông làm công tác mấy chục năm không có lương thế mà không chán à!

Với lòng tự trọng, phản xạ tự nhiên, ông bảo:

- Nói chí lý ra chính làm không lương mới không chán, vì có cái còn cao quý hơn lương. 9 năm kháng chiến chống thực dân, toàn dân, toàn quân nào ai có lương mà dốc lòng, dốc sức vậy! Vị Việt kiều sững sờ về câu trả lời khúc chiết, chí lý của ông tổ trưởng và xin được bắt tay thán phục:

- May mắn tôi về thăm đất nước lần này, thật mãn nguyện được gặp người tổ trưởng dân phố Hà Nội của ngàn năm Thăng Long văn hiến với công việc bình dị mà cao quý.

Vũ Xuân Bân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm