Hầm qua sông Hồng: Lo đụng nhiều công trình lớn

06/03/2011 10:52 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Vừa qua ngày 25/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Phí Thái Bình đã chủ trì cuộc họp xem xét đề xuất xây dựng đường hầm qua sông Hồng. Kết luận buổi làm việc Phó Chủ tịch Phí Thái Bình yêu cầu các sở, ngành phải làm rõ việc vì sao phải xây dựng hầm đường bộ mà không phải cầu nổi, hiệu quả của dự án này?

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang được trình duyệt, có quy hoạch xây dựng đường hầm qua sông Hồng tại vị trí cuối đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, kết nối với quận Long Biên.

Ảnh hưởng đến cả sân bay Gia Lâm

UBND TP Hà Nội đã nhận được văn bản đề nghị đầu tư xây dựng hầm qua sông Hồng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) của Công ty CP VinGroup. Công văn có nội dung đề nghị xây dựng đường hầm sông Hồng theo hình thức hợp đồng BT và khai thác quỹ đất bờ tả sông Hồng, đoạn từ đường hầm nối đến cầu Thanh Trì, huyện Gia Lâm để hoàn vốn đầu tư công trình. Đồng thời, UBND TP Hà Nội và Văn phòng Chính phủ cũng nhận được văn bản Công ty Trường An - Bộ Quốc phòng với nội dung: Hợp tác đầu tư với một số đối tác gồm Ngân hàng cổ phần Liên Việt, Tổng công ty Cổ phần thương mại xây dựng - Bộ Giao thông Vận tải, Công ty xây dựng 319 - Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần Him Lam theo phương thức liên danh để đầu tư xây dựng đường hầm qua sông Hồng theo hình thức hợp đồng BT; và khai thác thu hồi vốn đầu tư tại các quỹ đất.


Nếu xây dựng đường hầm bắt đầu từ đường Trần Hưng Đạo, nhiều công trình lớn như Bệnh viện 108 sẽ bị ảnh hưởng

Liên danh của Công ty Trường An đề xuất xin được đầu tư theo hình thức BT và khai thác đất tại 3 khu đất trên địa bàn TP Hà Nội để hoàn vốn. Đó là khu đất rộng 150ha bên bờ sông Hồng và hai khu do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý gồm khu đất của Sư đoàn 361 trên đường Lê Văn Lương rộng 5 ha, khu đất sân bay Gia Lâm rộng 100 ha.

Văn bản trả lời của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân và Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng, đều cho rằng Công ty Trường An chưa mô tả cụ thể vị trí hầm chui Trần Hưng Đạo. Nếu hầm chui nằm trong khoảng cách 2km giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy thì trên một đoạn sẽ có 3 công trình vượt sông, rất cần tính toán kỹ về hiệu quả kinh tế.

Văn bản cũng cho rằng, việc xây dựng hầm chui Trần Hưng Đạo có thể ảnh hưởng tới quy hoạch xây dựng, công trình quốc phòng của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và hoạt động bay của sân bay Gia Lâm. Việc chuyển giao 100 ha đất sân bay Gia Lâm sẽ khiến sân bay không còn khả năng đảm bảo hoạt động, phải hủy bỏ sân bay. Nếu thực hiện dự án, Hà Nội phải bố trí khu vực và đầu tư kinh phí để xây dựng sân bay mới. Bên cạnh đó, khu đất 5ha trên đường Lê Văn Lương mà Công ty Trường An đề xuất được sử dụng cũng đã được Bộ Quốc phòng xây dựng các công trình kiên cố và là vị trí đóng quân của một số cơ quan.

Đồng thời, trong văn bản góp ý của Bộ GTVT gửi Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, Bộ Giao thông Vận tải đang giao cho Cục Hàng không Việt Nam lập dự án cải tạo xây dựng cảng hàng không Gia Lâm nên việc xây dựng cần chú ý, đảm bảo không ảnh hưởng tới quy hoạch.

Cần tính toán kĩ

PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định chất lượng chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Làm hầm chui là việc rất tốn kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ; chỉ thực hiện khi không còn giải pháp nào khác như đối với vị trí xây hầm Thủ Thiêm trong TP.HCM”.

KTS Lê Trọng Bình, Viện trưởng Viện Kiến trúc cho rằng việc xây dựng hầm chui Trần Hưng Đạo có thể tạo hiệu ứng ngược bởi: “Chúng ta đang tìm giải pháp tránh đông cho trung tâm Hà Nội, nếu làm đường lớn vậy có thể kéo thêm người vào nội thành? Cần phải có lời giải cụ thể về sự cần thiết phải xây dựng, lưu lượng người qua lại tại vị trí này.

Theo bạn, có nên xây hầm chui qua sông Hồng này?

PGS-TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng sông Hồng có nền địa chất rất phức tạp và lượng bồi lắng phù sa khá lớn: “Nếu làm hầm dìm càng sâu xuống lòng sông Hồng đường dẫn kéo dài thì mức độ chia cắt trung tâm Hà Nội là rất lớn, nhất là từ đoạn đường Trần Hưng Đạo trở vào trong khu vực phố cổ”.

Tử Yến - Minh Hào


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm