Hà Nội ơi nhớ về thành phố xa xôi

11/02/2013 07:40 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - Có địa danh nào trên đất nước ta được các nghệ sĩ nhắc đến nhiều như Hà Nội? Có kinh thành nào trong lịch sử hàng năm của nước Việt tích tụ được nhiều sáng tác hay như Hà Nội? Câu trả lời là chỉ có duy nhất Hà Nội mà thôi!

Như máu chảy về tim trong một cơ thể bất diệt, Hà Nội luôn giữ nhịp đập vững bền cho các hồng cầu nghệ thuật hướng về. Hầu hết các nghệ sĩ trên cả nước đều ít nhiều sáng tác về Hà Nội, về tất cả những gì của kinh thành mà họ yêu quý. Chỉ mỗi món ăn thôi, các nhà văn bậc thầy như Vũ Bằng, Nguyễn Tuân có hẳn những cuốn sách. Với Vũ Bằng, khi ông đã vào Sài Gòn sinh sống sau 1954, ông mang theo Hà Nội trong nỗi nhớ và giãi bày lên từng trang viết. Vũ Bằng nhớ Hà Nội trong điều kiện ông phải giấu bớt đi vì đang hoạt động tình báo dưới vỏ bọc nhà báo, nhà văn nên những trang viết giàu cảm xúc của ông gửi vào các món ăn. “Ôi nhớ sao mà nhớ thế!” thường lặp đi lặp lại trên các trang viết của Vũ Bằng trong những tháng ngày xa Hà Nội. Nỗi nhớ của Vũ Bằng dây dưa, chằng chịt không chỉ thể hiện “miếng ngon Hà Nội” mà còn thể hiện rất nhiều điều sâu kín khiến người chưa một lần đến thủ đô cũng cảm giác được Hà Nội thân quen, thi vị đến dường nào.


Hà Nội xưa...

Những dòng sông, những ngọn núi, những ao hồ… nơi nào cũng có, nhưng có bao nhiêu sông, núi, ao hồ trở thành biểu tượng của một vùng đất và của cả dân tộc? Xin thưa rằng không nhiều. Riêng ở Hà Nội, những sông núi ao hồ đều trở thành hình tượng của nghệ thuật, mà lại là những hình tượng đẹp của nhiều sáng tác hay. Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa sinh ra ở Hải Dương, cậu bé Khoa viết về hồ Gươm thân thuộc như cái ao nằm cạnh nhà mình khi đem bài ra học mỗi sáng mai: “Hà Nội có hồm Gươm/Nước xanh như pha mực/Bên hồ ngọn tháp bút/Viết thơ lên trời cao”. Trẻ con nước Việt ai cũng biết sự tích hồ Hoàn Kiếm kể chuyện vua Lê “giã từ vũ khí” để xây dựng cuộc sống thái bình. Cậu bé Trần Đăng Khoa chắc hẳn biết chuyện này nhưng “trò chơi chiến tranh” không phải dành cho cậu, trò chơi của Khoa là làm thơ. Đấy, hồ Gươm - Hà Nội trong mắt một thần đồng rất khác với hồ Gươm của những người đang trong tuổi yêu đón gió heo may trông lá vàng cuối Thu rơi nhẹ, lại rất khác hồ Gươm trong mắt một người lính trận từ chiến trường về hay đang bảo vệ thủ đô. Hà Nội đẹp, linh thiêng trong mắt mỗi người.

Không biết từ đâu tôi rất ghét cái kiểu xưng danh mình là “người Hà Nội”, “người Sài Gòn”… chính hiệu. Bởi “chính hiệu” thì đã sao khi bản thân không đóng góp được gì cho vùng đất mình sinh thành, mở rộng ra là đóng góp được gì cho đất nước? Vậy “chính hiệu” như thế có gì đáng để tự hào, khoe khoang?!


... và nay

Các tác phẩm văn học nghệ thuật khiến người cả nước thêm thương yêu Hà Nội do rất nhiều nghệ sĩ không phải người Hà Nội “chính hiệu” sáng tạo nên. Nhà thơ Phan Vũ viết Em ơi, Hà Nội phố cực hay có “quê cha đất tổ” ở Đà Nẵng. Nhà thơ Thanh Tùng viết Hà Nội ơi mỗi khi lòng xác xơ tôi vội vã trở về được Phú Quang phổ nhạc cũng cực kỳ tình cảm lại là người Nam Định và lớn lên ở Hài Phòng. Nhạc sĩ Anh Bằng viết Hà Nội ơi nhớ về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi khi ông đã di cư vào Nam nhớ về Thăng Long, nơi mình từng sống. Anh Bằng quê ở xứ Thanh. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, trưởng nữ của nhà văn Kim Lân quê Bắc Ninh, hiện sống tại TP.HCM luôn mang những gam màu của Hà Nội lên tranh của bà…

Đấy là nói về những nghệ sĩ sinh ra hoặc đã từng ghé qua Hà Nội sáng tác về nơi đây. Rất nhiều trường hợp chưa từng đến Hà Nội, chỉ biết Hà Nội qua sách vở cũng dành cho vùng đất này một tình cảm đặc biệt. Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn lớn lên ở cao nguyên Lâm Đồng, khi đang là sinh viên tại TP.HCM, anh viết bài thơ chia tay người bạn gái Hà Nội học chung lớp đại học, sau này được Trương Quý Hải phổ nhạc thành Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, một bản “hit” của Top ten Làn sóng xanh năm 1997. Khi sáng tác bài thơ này, Bùi Thanh Tuấn chưa hề đặt chân đến Hà Nội nhưng những địa danh của Hà Nội được Tuấn đưa vào thơ tự nhiên… như người Hà Nội.

Hà Nội cũng như rất nhiều vùng đất “tên chưa quen với người dân thị thành”, nhưng khi có một tác phẩm hay về vùng đất ấy được nhiều người đón nhận, thì nghiễm nhiên vùng đất đó có thể xa về địa lý nhưng lại rất gần trong tình cảm mọi người. Huống gì Hà Nội có rất nhiều tác phẩm hay viết về mình. Sự gần gũi của Hà Nội với mọi người như chính nơi chôn nhau cắt rốn vì thế không ngừng tăng lên khi ngày càng có nhiều sáng tác hay về nơi đây.

Sau ngày hai miền Nam - Bắc thống nhất, ông già Nam bộ Sơn Nam lần đầu ra thăm Hà Nội bằng máy bay đã rưng rưng khi nhìn sông Hồng từ trên cao. Sự xúc động của nhà văn Sơn Nam cũng là sự xúc động của nhiều người, bởi trong hành trình mở cõi, mồ cha mả tổ của rất nhiều lưu dân còn nằm lại chốn này. Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ đã khẳng định điều đó: Từ độ mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.

Tôi không biết có bao nhiêu thủ đô trên thế giới này có được nhiều sáng tác hay như Hà Nội? Nhưng tôi biết chắc chắn rằng Hà Nội là niềm cảm hứng của rất nhiều nghệ sĩ trên mọi miền Việt Nam.

Ở Nam vẫn nhớ về Hà Nội

Nhiều người bất ngờ khi biết tác giả của một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội, mà mỗi lần giai điệu cất lên, người nghe, dù không phải người Hà Nội, cũng thấy rưng rưng…, lại không phải người Hà Nội. Ông, tác giả bài hát Nhớ về Hà Nội, chính gốc Nam bộ.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp sinh ra ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, tác giả của hàng trăm bài hát, trong đó có rất nhiều ca khúc nằm lòng của người yêu nhạc nhiều thế hệ, từ Câu hò bên bờ Hiền Lương, Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông, Đất quê ta mênh mông, Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về… Năm 1984, 9 năm sau ngày trở về quê hương miền Nam, trong một lúc nhớ lại 20 năm sống ở Hà Nội (từ 1954 đến 1975), cảm xúc tự nhiên tuôn trào, ông đặt bút viết “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…”. Giờ đây, mỗi lần nghe ca khúc này, nhạc sĩ cho biết cảm xúc trong ông về Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn. Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa Hè/Và nhớ những công viên vừa mới xây, bước chân em chưa mòn lối/Ôi nhớ hồ Gươm xanh thắm, nơi tháp Rùa nghiêng soi bóng, thành cũ Thăng Long, hồn nước non thiêng còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng…(Nhớ về Hà Nội).

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm