Hà Nội nhận diện lại các di tích: Ghi nhận thêm gần 700 di tích

12/01/2016 10:47 GMT+7 | Hà Nội ngày nay

(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn 2 năm thực hiện tổng kiểm kê, đánh giá phân loại di tích trên địa bàn Hà Nội (từ tháng 7/2013 đến tháng 12/2015), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cơ bản hình thành một bức tranh tổng thể về hệ thống di tích. Qua đợt kiểm kê này, cơ quan quản lý di tích Hà Nội nhận diện thêm gần 700 di tích và tạo cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống quản lý thông tin di tích.

Thực tế, Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước, nhưng trước đó thành phố chưa có cuộc tổng kiểm kê để nhận diện giá trị, lập danh mục và nắm bắt hiện trạng về hệ thống di tích trên địa bàn. Các đợt kiểm kê (nếu có), chủ yếu do các địa phương cấp quận, huyện hoặc phường, xã tổ chức thực hiện để phục vụ công tác quản lý của mình.

Do vậy, số liệu các đợt kiểm kê này không đồng nhất, có địa phương chỉ thống kê di tích đã xếp hạng, có địa phương thống kê toàn bộ các di tích, các công trình tôn giáo tín ngưỡng trên địa bàn. Công tác kiểm kê lần này nhằm mục đích đánh giá, phân loại giá trị, phân loại hiện trạng di tích và là cơ sở phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu sưu tầm và các hoạt động bảo tồn di tích như xếp hạng, tu bổ tôn tạo, giải quyết vi phạm, lưu trữ tư liệu, tuyên truyền phát huy giá trị di tích…


Cổng tam quan chùa Đồng Quang

Trước tổng kiểm kê, Hà Nội ghi nhận có 5.175 di tích. Qua đợt tổng kiểm kê, ngành văn hóa Hà Nội đã rà soát 7.966 di tích, địa điểm, công trình có trong danh mục di tích của các cấp quản lý và các công trình, địa điểm có dấu hiệu là di tích do địa phương giới thiệu trong quá trình khảo sát thực tế. Kết quả, ngành văn hóa đã đề xuất danh mục di tích thành phố Hà Nội với 5.847 di tích; trong đó có 1 di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.167 di tích quốc gia, 1.179 di tích cấp thành phố.

Như vậy, sau đợt tổng kiểm kê, cơ quan quản lý văn hóa ghi nhận thêm gần 700 di tích. Theo giải thích của ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội: “Không phải di tích xuất hiện mới mà đợt tổng kiểm kê đã nhận diện chính xác hơn các di tích”.

Qua đợt tổng kiểm kê, Hà Nội cũng thống kê được số lượng di tích được tu bổ, tôn tạo (từ năm 2008 – 2014), thực trạng xuống cấp của các di tích, tình trạng vi phạm di tích, mô hình quản lý di tích, di tích phân loại theo niên đại khởi dựng… Đáng lưu ý là số di tích bị vi phạm có hộ dân và cơ quan ở trong khuôn viên khu vực I là 115 di tích; trong đó di tích bị vi phạm tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội thành cũ là: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng.

Điển hình là chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng), chùa Ngũ Xã (quận Ba Đình), đền chùa Huy Văn, chùa Quang Minh, chùa Đồng Quang (quận Đống Đa), chùa quán Huyền Thiên (Hoàn Kiếm). Số lượng di tích xuống cấp hiện nay rất nhiều với hơn 2.000 di tích, đòi hỏi nguồn tài chính lớn cho việc tu bổ tôn tạo di tích.

Nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp nặng, có di tích có nguy cơ sập đổ phải gia cố, chống đỡ như: Chùa Nả (huyện Ba Vì); đình Cổ Chế, Đa Chất (huyện Phú Xuyên); đình Xuân Canh (huyện Đông Anh); đình, chùa So (huyện Quốc Oai)…

Qua kết quả kiểm kê, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ xây dựng các kế hoạch, chương trình, dự án, đề án cụ thể của các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, như: Công tác lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích trên địa bàn thành phố; quy hoạch đối với di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích trong một khu vực có mối quan hệ mật thiết về văn hóa, khoa học để bảo tồn và kết nối di sản với du lịch; công tác quy hoạch khảo cổ; việc số hóa và quản lý thông tin về hệ thống di tích trên địa bàn thành phố bằng công nghệ tin học…

Đặc biệt, việc số hóa và quản lý thông tin hệ thống di tích sẽ tạo thuận lợi trong việc quản lý di tích được tốt hơn. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Mỗi di tích sẽ có lý lịch, thông tin riêng và khi cần thiết sẽ tìm ra một cách dễ dàng”.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng khẳng định: Hà Nội là địa phương có nhiều di tích nhất toàn quốc và là địa phương duy nhất thực hiện việc kiểm kê di tích có kết quả chi tiết.

Đinh Thị Thuận

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm