Hà Nội: Ý kiến người dân về việc xử phạt xe không chính chủ

10/11/2012 10:07 GMT+7 | Pháp luật

(TT&VH Online) - Bắt đầu từ hôm nay, 10/11, các phương tiện giao thông tại Hà Nội nếu không có giấy tờ chính chủ khi bị kiểm tra hành chính có thể bị phạt từ 1 triệu đồng (đối với xe máy) cho đến 10 triệu đồng (đối với ô tô).

Nghị định này khiến người dân lo lắng bởi rất nhiều xe của họ thường chỉ mua bán trao tay, nhiều lắm thì viết giấy tờ mua bán kèm theo ghi số chứng minh thư của người bán. Nhiều trường hợp xe đã qua nhiều đời chủ, không còn xác minh được chủ sở hữu ban đầu. Đáng lo nhất vẫn là những người chơi xe cổ khi đa số họ thường sưu tầm, mua bán qua nhiều đời chủ. Thời gian cũng khiến giấy tờ bị thất lạc khiến họ có muốn làm lại giấy tờ xe cũng không biết phải liên lạc với ai.

Những chiếc xe cổ có nguy cơ bị phạt liên tục vì thường không có giấy tờ chính chủ. Ảnh N.Linh

Chia sẻ với TT&VH Online, anh Đinh Mạnh Thắng, một người đi Simson cho biết: "Xe của tôi mua lại ở Hà Giang từ lâu lắm rồi. Lúc mua chỉ trả tiền tượng trưng vì giá quá rẻ, coi như tặng nhau. Vậy nên cả hai chả xác định giấy tờ mua bán gì. Giờ muốn làm giấy tờ chính chủ cũng chả biết đâu mà lần". Anh cũng xác định, nếu bị kiểm tra, phạt với mức phạt khoảng 1 triệu đồng thì có thể bỏ luôn xe vì số tiền đó còn giá trị hơn cả cái xe anh đang đi.

Chiếc Simson của anh Đinh Mạnh Thắng có thể phải chuyển ra khỏi Hà Nội. Ảnh N.Linh

Khác với anh Thắng, ông Cao Ngọc Nông, hiện đang sở hữu 1 chiếc CD90 mang biển số Sài Gòn. Ông cho biết chiếc xe được mua trong lần đi công tác và cũng chỉ mua trao tay, không kịp làm lại giấy tờ chính chủ. Trong một chuyến công tác khác, ông bị mất ví và tất nhiên giấy tờ xe cũng không còn. "Giờ nếu bị kiểm tra, công an có thu xe cũng phải chịu vì tôi không thể tìm lại chủ cũ để chứng minh đó là xe mình. Chỉ mong cơ quan chứng năng có cách nào đó để chúng tôi có thể đăng ký lại và tiếp tục được sử dụng những chiếc xe mà mình yêu thích", ông chia sẻ.

Ngay cả trong trường hợp chứng minh được xe chính chủ, nhiều người cũng thấy rắc rối khi bị kiểm tra. Chị Nguyễn Phương, một người buôn bán ở khu vực Cầu Giấy cho biết: "Tôi thường đi chung xe của chồng. Nếu bị kiểm tra, tôi lại phải gọi chồng tôi đến sao? Hay tôi phải cầm cả chứng minh thư hoặc hộ khẩu của chồng theo người? Như vậy thì quả là rắc rối".

Chung một lo lắng với chị Phương, chị Nguyễn Phương Thanh chia sẻ: "Khi lên Hà Nội làm việc, bố tôi cho tôi chiếc xe để tiện đi lại. Trong trường hợp bị kiểm tra, tôi có thể chứng minh được chủ xe là bố tôi. Nhưng cụ không thể từ Sơn Tây đi xuống Hà Nội và cầm theo hộ khẩu ngay được. Nếu sau 1-2 ngày thì kiểu gì cũng bị giữ xe và điều đó chắc chắn ảnh hưởng tới công việc của gia đình tôi".

Những nhóm, hội chơi xe cổ có lý do để lo lắng. Ảnh Quân Minsk

Trao đổi về vấn đề này, cư dân mạng cũng có nhiều ý kiến và đang tạo nên một diễn đàn khá sôi nổi. Đa số cho rằng nghị định này đang khuyến khích người dân mua xe máy mới để có được giấy tờ chính chủ. Trong khi thực tế các thành phố lớn lại đang cố gắng tìm cách giảm các phương tiện giao thông cá nhân.

Đối với các hội chơi xe cổ, mặc dù rất lo lắng nhưng vẫn tỏ ra chấp nhận. Nhiều chủ xe xác định, nếu bị kiểm tra, họ đành chấp nhận bỏ xe vì đa số không thể tìm được chủ xe vì giấy tờ thất lạc, thậm chí chủ xe có thể đã chết.

Điều mà tất cả họ đang chờ là xem cơ quan chức năng xử lý thế nào trước khi quyết định có mua xe mới hay không. Anh Đinh Mạnh Thắng khẳng định: "Dù sao tôi vẫn phải đi làm và tất nhiên tôi vẫn đi chiếc xe có nguy cơ bị phạt đó. Lâu dài, có thể tôi phải chuyển xe ra khỏi Hà Nội và chỉ sử dụng nó cho các chuyến đi ngoại tỉnh".

C.M.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm