Hà Nội đi Lào Cai chỉ còn mất 3 giờ

05/09/2008 13:57 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Đó là khẳng định của ông Phùng Minh Mỡ, Giám đốc Ban thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, thuộc hành lang đường xuyên Á Hải Phòng - Côn Minh (Trung Quốc).

Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai sẽ có vai trò chiến lược trong việc nối liền thủ đô với toàn bộ vùng Tây Bắc tổ quốc, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt - Trung.

 Tuyến đường huyết mạch

Tuyến đường có chiều dài khoảng 264km, đi qua 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Khi tuyến đường được đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Hà Nội – Lào Cai (từ 9 giờ đồng hồ như hiện nay xuống còn 3 giờ đồng hồ).

Đây là con đường có vai trò chiến lược trong việc phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội vùng Bắc - Tây Bắc tổ quốc; phục vụ cho việc phân bố lại dân cư phía hữu ngạn sông Hồng - khu vực Tây Bắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, dự án cũng có ý nghĩa đặc biệt  quan trọng góp phần thực hiện thành công thỏa thuận cấp chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm, gồm: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội -Hải Phòng; Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai kinh tế duyên hải vịnh Bắc Bộ.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc TCVN 5729-1997. Vận tốc đoạn Hà Nội - Yên Bái tối thiểu 100km/h; đoạn Yên Bái - Lào Cai tối thiểu 80km/h. Sau khi hoàn chỉnh Dự án, mặt cắt ngang đoạn Nội Bài - Yên Bái 6 làn xe rộng 33m, đoạn Yên Bái - Lào Cai 4 làn xe rộng 24m. Đây là dự án do Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư thực hiện theo hình thức thu phí hoàn vốn trong 32 năm.

Dự án thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn I, điểm đầu tuyến tại Nội Bài, điểm cuối tuyến tại vị trí đấu nối với đường Trần Hưng Đạo thuộc QL4E đoạn Lào Cai, tổng chiều dài 245km, đoạn Hà Nội - Yên Bái 4 làn xe rộng 25,5m; đoạn Yên Bái - Lào Cai 2 làn xe rộng 13m, những đoạn có điều kiện mở rộng nền đường 4 làn xe. Dự kiến, giai đoạn I hoàn thành vào năm 2012, có tổng mức đầu tư trên 1,2 tỷ USD.

Nguồn đầu tư gồm vốn đối ứng gần 12,25%  do VEC phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ; vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) 1,096 tỉ USD, trong đó vốn vay ưu đãi là 200 triệu USD, còn lại 896 triệu USD vay thông thường. Giai đoạn 2, xây dựng tiếp 19km đến vị trí đầu nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu tại xã Quang Kim, Bát Xát, Lào Cai; tổng chiều dài tuyến 264km.

Tháng 10/2008 sẽ khởi công

Ông Phùng Minh Mỡ cho biết: Dự án có toàn bộ số diện tích phải giải phóng mặt bằng là 2.467 ha. Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1665/TTg - CP ngày 17/10/2006 về công tác giải phóng mặt bằng, tháng 1/2008, VEC đã thành lập 5 tiểu dự án giải phóng mặt bằng cho TP.Hà Nội và UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và bàn giao cho các địa phương đo đạc, kiểm đếm, thực hiện công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Việc triển khai tư vấn cắm cọc đã được tiến hành từ 2/2008 và đến nay bàn giao toàn bộ cộc mốc giải phóng mặt bằng cho các tỉnh. Công tác kiểm đếm đạt khoảng 70-80%….

Theo ông Mỡ, cho tới thời điểm này, việc chuẩn bị để khởi công dự án đã gần hoàn tất. Phần thiết kế kỹ thuật đã hoàn thành; công tác đấu thầu đã được chấp thuận của ADB. Đấu thầu sơ tuyển xây lắp giai đoạn I đã xong và đang tiếp tục thực hiện giai đoạn II, đồng thời VEC đang chấm kỹ thuật tư vấn giám sát và hoàn tất những thủ tục để đưa dự án vào khởi công vào tháng 10/2008 tới đây”.

Chỉ tính riêng giai đoạn I, dự án có tổng mức đầu tư là 1.249 triệu USD với dài 245 km qua nhiều địa hình sông suối. Công tác thiết kế kỹ thuật được triển khi từ tháng 1/2007 đến nay đã hoàn thành.

Về  quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, ông Mỡ cho biết: Dự án được sự ủng hộ tích cực của chính quyền và nhân dân nơi có tuyến đường đi qua. Vì thế, cho tới thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng dường như không gặp khó khăn. VEC phối hợp với các địa phương thực hiện đo đạc; kiểm đếm; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư việc giải phóng mặt bằng bàn giao đất cho chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án. “Theo đó, giải phóng mặt bằng không còn là việc riêng của chủ đầu tư mà cả hệ thống chính trị nơi có dự án đi qua sẽ cùng vào cuộc, tiến độ sẽ bảo đảm. Sau khi thiết kế kỹ thuật được duyệt là chúng ta đã có mặt bằng thi công ngay” – ông Mỡ cho biết.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm