17/12/2012 10:11 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Nghe bảo triển lãm Hà Nội 18h/6h của nhiếp ảnh gia người Pháp Sébastien Laval cung cấp một “góc nhìn khác lạ” về Thủ đô. Người viết tự hỏi: “Vẫn còn góc nhìn nào đó khác lạ về Hà Nội nữa sao?”.
Hà Nội khác lạ…
Thông tin về triển lãm từ Trung tâm Văn hóa Pháp giới thiệu: “Những bức ảnh của Sébastien Laval, nhiếp ảnh gia người Pháp rất quen thuộc với khán giả Việt Nam, thể hiện một cách nhìn khác về Hà Nội về đêm… Hà Nội về đêm là một thành phố khác, nơi mà cảnh vật thành thị biển đổi hoàn toàn về màu sắc”.
Riêng ý này thì chính xác: “Hà Nội về đêm là một thành phố khác”.
Ảnh của nhiếp ảnh gia Sébastien Laval trong triển lãm Hà Nội 18h/6h |
Nghe Sébastien Laval nói về bộ ảnh mà anh chụp trong khoảng thời gian từ 6h tối đến 6h sáng, trong vài năm liền, có thể thấy anh cơ bản “đọc vị” được Hà Nội đêm. Nhưng không phải là vẻ đẹp khó thấy nhất mà là vẻ đẹp ai cũng nhìn thấy.
Ánh đèn vàng, đỏ tạo nên vẻ đẹp mờ ảo của Hà Nội đêm mà Laval gọi rất hay là “ánh sáng như thơ” khi trả lời phỏng vấn, vẻ gợi cảm của những bóng cây in trên đường phố. Có lẽ hầu hết những ai sống hoặc từng lại qua phố cổ Hà Nội buổi tối cũng đã có trải nghiệm. Ngắm nhìn những bức ảnh của Laval, người viết có cảm giác chính những khung cảnh đó đã được đưa thẳng từ cuộc sống vào ảnh, một cách chân thực. Trong đó, chân thực là công rất lớn của nghệ sĩ.
… nhưng bình dân
Cùng lúc xem một loạt ảnh của Laval trong bộ Hà Nội 18h/6h này, ngay từ đầu người xem sẽ có cảm giác đơn điệu. Không nhiều góc chụp lạ, càng không thể nói là khác người. Ánh sáng thì hầu như ảnh nào cũng giống nhau.
Có một nhóm bức ảnh chụp đường ray tàu hỏa ở giữa và những ngôi nhà hai bên đường tàu với bố cục y hệt nhau, không thể nói là không nhàm. Nhưng điều quan trọng là nghệ sĩ đã mô tả rõ ràng những gì muốn mô tả. Vài nhiếp ảnh gia người Việt có mặt tại buổi khai mạc triển lãm vào tuần qua nhận định, cái khác của Laval so với họ khi chụp Hà Nội chính là màu của ánh sáng. Một màu sắc trung thực.
Và điều này thì khán giả phải cảm ơn nhiếp ảnh gia người Pháp, bởi ông đã chọn một Hà Nội đêm không sang trọng. Phố cổ có những nơi trông rất sang, có những nơi trông rất bình dân. Laval đã bỏ hẳn phần đầu tiên, đó là lựa chọn có ý thức.
Cuộc sống về đêm của Hà Nội là ở đó, chẳng cách điệu gì nhiều, dù trong ảnh Laval, con người hoặc không xuất hiện hoặc chỉ là những chiếc bóng mờ nhạt. Kể cả kỹ thuật chụp khiến ánh đèn pha của xe máy và con người đều hóa thành những vệt sáng, cũng là chủ ý của người chụp. Dấu ấn của họ nằm ở những rãnh nước đen trên vỉa hè, những bức tường ố, những cánh cửa gỗ rách nát. Một đôi trai gái ôm nhau bên những thanh kim loại rỉ của cầu Long Biên.
Không dừng lại ở bên ngoài, những con đường, bức tường và cánh cửa, ống kính của nhiếp ảnh gia vào cả bên trong các ngôi nhà ở phố cổ. Laval đã có một cái nhìn không hời hợt. Từ 6h tối đến 6h sáng, anh có một khoảng thời gian dường như vô tận để khám phá những không gian sống nhỏ hẹp của con người ở phố cổ. Những bậc cầu thang vừa dốc vừa hẹp, những căn phòng nơi người ta treo quần áo, nồi niêu, để rổ rá, chổi lau nhà… cùng một mảng tường.
Xem ảnh, chúng ta mới nhận ra, Hà Nội cũ kỹ thế. Lộn xộn thế và… không đẹp thế. Ngột ngạt thế. Từ một ống kính Pháp.
Nhưng đó chẳng phải chính là Hà Nội đương đại? Trong góc nhìn của người nước ngoài, qua nhiều lần chối từ và loại bỏ, Laval chọn một Hà Nội như thế.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất