GP10 - Lớp phóng viên cho 'trận đánh cuối cùng'

16/03/2013 08:17 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - “GP10 là lớp đặc biệt, xứng đáng là một danh hiệu trong lịch sử xây dựng và phát triển của TTXVN, đào tạo phóng viên cho trận đánh cuối cùng (giải phóng miền Nam). Khi nói tới GP10 mọi người nhận diện được ngay. 40 năm qua, cả TTXVN đều biết lớp phóng viên GP10 đã trở thành thương hiệu, là một danh hiệu”.

Đó là nhận xét của nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng trong bài viết mở đầu giới thiệu cuốn sách “GP10- Bốn mươi năm, một danh hiệu” do NXB Thông tấn ấn hành nhân kỷ niệm 40 năm Ngày phóng viên khóa GP10 đi chiến trường (16/3/1973- 16/3/2013) và kỷ niệm 38 năm Giải phóng miền Nam.

Mới hôm nào, các “cử nhân” được tuyển về cơ quan TTXVN, bước đến cổng số 5-Lý Thường Kiệt, Hà Nội, tuổi mới đôi mươi, mái tóc còn xanh. Đến  nay, 149 phóng viên lớp GP10 đều trên 60 tuổi, trong đó có 2 liệt sĩ, 8 trường hợp bị bệnh hiểm nghèo đã về cõi vĩnh hằng. Số anh chị em còn lại đều đã nghỉ hưu, bước sang dốc bên kia của cuộc đời, tóc đã bạc và đều đã “lên chức” ông, bà. Nhiều phóng viên nhiếp ảnh trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và quốc tế.

Cuốn sách “GP10- Bốn mươi năm, một danh hiệu”

Cuốn sách “GP10 - Bốn mươi năm, một danh hiệu” có nội dung khá phong phú. Những bài viết, hình ảnh sinh động được thể hiện trong cuốn sách đã phần nào tái hiện sự hồn nhiên, tươi sáng của tuổi trẻ trong những tháng năm gian khổ hành quân vượt Trường Sơn, cuộc sống trong chiến khu, bưng biền, đi theo những cánh quân thần tốc giải phóng Sài Gòn 30/4/ 1975, thống nhất đất nước. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, góp phần giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; bảo vệ biên giới phía Bắc, hòa bình xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế; những trải nghiệm làm phóng viên, biên tập cũng được khắc họa khá đậm nét trong cuốn sách. Đánh giá về lớp phóng viên GP10, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi cho rằng: Suốt chiều dài lịch sử xây dựng, hình thành và phát triển trong gần 70 năm, TTXVN đã tuyển chọn, đào tạo nhiều khóa phóng viên, nhưng có thể nói  hiếm có khóa phóng viên nào ghi dấu ấn đặc biệt như lớp phóng viên GP10... Các anh chị thuộc thế hệ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai...”

Không quản ngại gian khổ hy sinh, không một ngày ngơi nghỉ sau khi rời giảng đường đại học, các anh chị đã bước ngay vào cuộc chiến đấu với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Đỉnh cao vinh quang và vinh dự mà chỉ phóng viên GP10 có được, đó là nhiều anh chị đã trực tiếp tham gia đưa tin, chụp ảnh, góp phần phản ánh một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sách “GP10- Bốn mươi năm, một danh hiệu” dày gần 600 trang, khổ 19x21cm, giấy trắng, trình bày in đẹp. Cuốn sách tập hợp gần 70 bài viết gồm những hồi ức, kỷ niệm, kỷ yếu... và trên 120 ảnh do anh chị em phóng viên GP10 chụp trong 40 năm qua, là những tư liệu quý giá.

Phóng viên lớp GP10 không chỉ thạo đưa tin trong thời chiến mà cũng rất nhạy bén trong thời bình, đưa tin, chụp ảnh tuyên truyền về phát triển kinh tế xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, biểu dương nhân rộng những điển hình, nhân tố mới... Những đóng góp của phóng viên GP10 nói riêng và TTXVN nói chung, xứng đáng được Tổ quốc ghi công.

Cuốn sách là vật kỷ niệm quý để mỗi khi mở ra đọc, chúng ta nhớ lại những tháng năm gian khổ “Một thời đạn bom. Một thời hòa bình” có một lớp phóng viên GP10 đã nêu tấm gương sáng về ý chí và tinh thần không  ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân khi Tổ quốc cần.

Vũ Xuân Bân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm