Giới trẻ Hà Nội nói gì về những ngày tháng 10 lịch sử?

10/10/2008 01:35 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Hà Nội chào mừng kỉ niệm 54 năm ngày Giải phóng Thủ đô, bạn đang sống trong thời bình, lại đại diện cho giới trẻ Hà thành, bạn có cảm xúc hay suy nghĩ gì về những ngày tháng 10 lịch sử này??? 
 
Trịnh Hiền Thương (28 tuổi, thạc sĩ, Trung Tâm Văn hóa Nghệ thuật PVCC Hà Nội).
 
Chúng ta đã có một quá khứ vinh quang và hào hùng. Là một người công tác trong ngành văn hóa cho nên khi nói đến ngày Giải phóng Thủ đô tôi luôn nhớ đến những ca khúc cách mạng viết về thời kỳ này. Tôi nhớ đến nhạc sĩ Nguyễn Thành và nhà thơ Tạ Hữu Yên qua ca khúc “Cảm xúc tháng Mười”. Tôi nhớ nhạc sĩ Văn Cao với ca khúc đầy khí thế hào hùng “Tiến về Hà Nội”. Tôi nhớ đến nhạc sĩ Huy Du đã từng nhắn nhủ trong Ca khúc “Sẽ về Thủ đô” một lời hẹn ước: “Ngày mai sẽ về Thủ đô đắp xây chốn xưa”. … Năm tháng đi qua, những ca khúc đó chắc hẳn vẫn còn ghi dấu trong lòng những người yêu Hà Nội.
 
Tôi nghĩ rằng giới trẻ của chúng ta ngày hôm nay cần phải cố gắng học tập, nỗ lực làm việc không chỉ để khẳng định mình mà còn để xây dựng một tương lai vững chắc cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
 
Trần Ngọc Trâm (25 tuổi, Phóng viên báo điện tử Vnexpress)
 
Mỗi lần đi trên một con đường của Hà Nội, tôi lại có cảm giác bình yên vô cùng. Tôi tự hào về thành phố tôi đang sống, một thành phố xanh, một thành phố hòa bình. 
Nhưng tôi cũng biết rằng, để có được hòa bình ấy, bao nhiêu máu đã đổ trên mảnh đất này.
 
Mỗi ngày 10/10, chúng ta lại rầm rộ kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, nhưng tôi băn khoăn tự hỏi, 10 - 20 năm sau, khi những chứng nhân lịch sử không còn, chúng ta sẽ kỷ niệm bằng cái gì? Bằng những câu chuyện suông hay những tượng đài?

Khi những lớp trẻ học lịch sử như một môn học đau đầu. Họ tìm cách quay cóp bài để vượt qua trong mỗi lần thi. Thật đáng buồn khi những câu chuyện như có học sinh cấp 3 cho rằng Trương Định là 1 trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc không phải là hiếm. Việc hô khẩu hiệu thực sự có làm sống lại những câu chuyện lịch sử hay làm lớp trẻ ý thức được xương máu cha ông đã đổ xuống vì hòa bình hay không?
 
Tôi chỉ nghĩ, chúng ta nên kỷ niệm những ngày này âm thầm và thiết thực hơn bằng những công trình, những câu chuyện mưa dầm thấm lâu, những cuốn lịch sử sống động bởi những câu chuyện, những chứng nhân lịch sử sẽ được tồn tại đời đời qua những chuyện họ kể được ghi thành phóng sự...
 
Hoàng Tuấn Ninh (26 tuổi, Chuyên viên CNTT, Văn phòng Tập đoàn BCVT Việt Nam)
 
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tôi yêu Hà Nội như một phần máu thịt của mình. Hà Nội đang thay đổi từng ngày và thế hệ trẻ của Hà Nội cũng đang thay đổi từng ngày.
 
Có những thay đổi tốt và cũng có những thay đổi chưa tốt. Tôi hi vọng thế hệ trẻ Hà Nội sẽ gìn giữ được những nét tinh túy của một Hà Nội mà thế hệ cha anh đã phải đổ bao xương máu để bảo vệ tới mãi mãi mai sau.
 
Lê Trọng Hiếu (24 tuổi, SV ngành kỹ sư xây dựng châu Âu tại Pháp - Génie Civil Européen)

Tôi sinh sống tại Hà Nội từ nhỏ. Giờ phải sống xa Hà Nội, tôi thấy nhớ rất nhiều, về gia đình, bè bạn... đặc biệt là trong những ngày lễ quan trọng của Hà Nội cũng như cả nước, nỗi nhớ càng lớn. Cũng vì thế tôi càng cảm thấy tự hào hơn về những thế hệ đi trước đã ngã xuống để bảo vệ đất nước, trong đó có mảnh đất quê hương mình đã từng sống và đã nuôi dưỡng mình như hôm nay.

Có thể với nhiều bạn trẻ, những ngày này chỉ đơn giản là dịp tụ tập bạn bè, đi chơi dạo phố... Việc đó cũng thú vị, nhưng tôi thì nghĩ đây là một dịp tốt để các bạn trẻ có cơ hội hiểu biết thêm về một trong những trận chiến đấu quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Những nhân chứng của lịch sử vẫn còn đang sống và mọi người đang cố gắng truyền tải thông điệp của họ cho thế hệ sau. Có nhiều chưong trình phóng sự rất hay trong ngày này, cả trên truyền hình cũng như sách báo, và tôi đã không để lỡ cơ hội để xem và đọc.
 
 
Thế giới ngày càng mở rộng, và tầm quan trọng của kiến thức càng quan trọng hơn, lịch sử lại càng không thể thiếu trong hành trang của các bạn khi tiếp cận thế giới. Nhiều lần tôi đọc được những bài báo viết về lỗi học lịch sử của các bạn trẻ, tôi không biết buồn hay vui. Có thể đổ lỗi một phần cho chương trình học, nhưng tôi nghĩ các bạn đã quá thụ động với việc tiếp nhận thông tin.
 
“Học lịch sử là để biết mình là ai”, tôi vẫn nhớ câu nói của cô giáo chủ nhiệm mình khi xưa. Giờ đây, khi ra nước ngoài học tập và sinh sống, tôi luôn tự tin khi tiếp xúc với các bạn nước ngoài, và chưa bao giờ phải mặc cảm mình là người Việt Nam. Tôi mong rằng các bạn hãy cố gắng học tập và làm việc hết sức mình vì thế hệ đi trước, đừng như ai đó “bắn viên đạn vào quá khứ” rồi nhận “phát bắn đại bác trong tương lai”.
 
Nguyễn Hoàng Linh (20 tuổi, BTV Tạp chí MI Chuông Gió)
 
Với một tình yêu Hà Nội luôn sẵn có trong tim, thế hệ cha anh chúng tôi sau ngày giải phóng đã tiếp tục những ngày xây dựng và cống hiến vì Hà Nội, vì những đổi thay của thủ đô ngàn năm. Giờ đây, cũng với tình yêu ấy, nhưng những người trẻ lại có những cách thể hiện rất giản dị thôi... nhưng thật chân thành và đáng yêu. Chỉ cần một chút thời gian lướt web trong những ngày này, bạn sẽ thấy tràn ngập khắp các blog cá nhân là những lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Là ảnh Bác Hồ. Là những câu blast „Yêu Hà Nội“, „Tiến về Hà Nội“, „Nồng nàn hà Nội“... Là những entry lãng đàng về mùa thu, về những món ăn vặt phố cổ, về sự thiếu vắng hàng rong quen thuộc...Là những tâm sự háo hức về ngày lễ lớn, những câu chuyện về kế hoạch làm phim, làm sách ảnh, những bài thuyết trình về lịch sử Hà Nội mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu có bóng dáng đồng phục trắng xanh. Chỉ cần một chút quan tâm, bạn sẽ thấy những người trẻ chúng tôi không hề vô cảm, vô tâm trước mảnh đất lịch sử và những tháng ngày hào hùng này.

Hơn một câu khẩu hiệu. Hơn một lời thuyết giáo, áp đặt. Có lẽ những người trẻ chỉ cần đơn giản một sự ghi nhận kịp thời, những câu chuyện mang tính tích cực để thôi thúc tình yêu Hà Nội từ những điều giản dị nhất để từ đó tình yêu Hà Nội sẽ có dịp được bộc lộ qua những hành động, những cách rất-riêng-của-những-người-trẻ!

Dương Mạc Anh Quân (19 tuổi, SV ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội)  

Chỉ còn 2 năm nữa chúng ta sẽ kỉ niệm tròn 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Những hoạt động văn hóa và xã hội được tổ chức ngày càng nhiều và quy mô hơn, mang đậm những dấu ấn lịch sử của thủ đô Ngàn năm văn hiến.
 
Xung quanh Hồ Gươm, nơi tập trung của giới trẻ Hà Nội những ngày này có rất nhiều sân khấu ca nhạc. Khí thế hào hùng của những ngày tháng 10 lịch sử được các bác, các cô, các chú truyền lại cho thế hệ trẻ chúng tôi qua những bài hát. Điều đó giúp cho thế hệ trẻ chúng tôi thêm yêu quê hương đất nước mình.
 
Khi còn học lớp 3, tôi đã vinh dự được tham gia đánh trống trong chương trình Đại lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Và ngay từ khi đó, tôi đã cảm thấy rất tự hào và hãnh diện khi được tham gia vào một sự kiện trọng đại như thế của dân tộc.
 
Tôi cảm thấy rất tự hào khi mình là một thanh niên của thành phố Hà Nội và mong sẽ góp sức mình xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng đẹp hơn, ngày càng giàu có hơn.
 
Còn bạn, ý kiến của bạn trước câu hỏi trên? Hãy cùng chia sẻ với TT&VH Online. 
 
Thành Trung (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm