Giáo dục hơn là một công nghệ! (Bài 1): Chỉ nghệ sĩ mới có nhu cầu lặp lại thao tác của Mozart

12/10/2009 05:20 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Từ 1980, khi mới là một giảng viên trẻ tại Học viện Quân y, tôi đã nghe về Công nghệ Giáo dục (CNGD), vì một đồng nghiệp có con học ở Trường Thực nghiệm (TTN), thánh địa của phương pháp.

Ngày đó, với tâm thức của người vừa tốt nghiệp đại học ngành vật lý lý thuyết, tôi vô cùng ấn tượng khi biết ở TTN, trẻ em lớp một đã làm quen với khái niệm tập hợp! Kể từ đó, tôi đã nghe và đọc khá nhiều bài viết về CNGD. Nhưng xin thú thật rằng, cho đến rất gần đây, tôi hoàn tòan không hiểu CNGD là gì. Vì thế tôi rất cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh về bài viết Hủy bỏ “triết lý đọc - chép” bằng Công nghệ Giáo dục? trên TT&VH ngày 20/9/2009. Qua đó tôi được biết thực chất của CNGD, từ triết lý tới hành động.

Vì giáo dục là sự nghiệp toàn dân, nên với tư cách một người cũng đang đứng trên bục giảng, trong bài này tôi muốn trao đổi với TS Nguyễn Văn Vịnh về CNGD.

Theo TS Nguyễn Văn Vịnh, CNGD là tổ chức công cuộc giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm, dựa trên kết quả của nghiên cứu tâm lý giáo dục trên thế giới, nhất là ảnh hưởng của Piaget. Vì thế một số thông tin sơ bộ về nhà tâm lý học Thụy Sĩ là cần thiết cho những trao đổi về sau.

Tác giả bài viết cho rằng đa số  trẻ em không có nhu cầu lặp lại thao tác của Mozart (Mozart lúc 6 tuổi - ảnh minh họa)

Jean Piaget (1896-1980) là nhà tâm lý học nổi tiếng với lý thuyết phát triển nhận thức, nhất là nhận thức trẻ em. Theo ông, quá trình nhận thức trẻ em bao gồm bốn giai đọan: cảm giác - vận động, tiền thao tác (tạm dịch cụm từ tiếng Anh preoperational stage), thao tác cụ thể và thao tác trừu tượng.

Cảm giác - vận động, từ lúc sinh tới 2 tuổi, là giai đoạn trẻ cảm nhận thế giới qua vận động và các giác quan. Tiền thao tác, từ 2 tới 7 tuổi, là giai đọan mà các suy nghĩ có tính “ma thuật”, “thần thánh” chiếm ưu thế; và trẻ chưa có khả năng tư duy logic. Thao tác cụ thể, từ 7 tới 12 tuổi, là giai đoạn trẻ bắt đầu biết tư duy logic nhưng rất cụ thể trong suy nghĩ, tức chỉ có thể suy luận logic qua các đối tượng cụ thể. Cuối cùng là giai đoạn thao tác trừu tượng, khi trẻ từ 12 tuổi trở lên bắt đầu phát triển tư duy trừu tượng, nên dễ dàng suy nghĩ một cách logic.

Piaget có ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực, nhưng mạnh mẽ nhất là trong giáo dục sớm và giáo dục đạo đức. Dưới ảnh hưởng của ông và nhiều người khác, trong những năm 1970 và 1980, hệ thống giáo dục Âu Mỹ đã chuyển sang một tiếp cận lấy học sinh làm trung tâm mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, lý thuyết phát triển nhận thức của ông có thể dùng như một công cụ trong giáo dục tiểu học, với điểm mấu chốt là trẻ phát triển tốt nhất qua các tương tác trong lớp học, trong đó tương tác giữa trẻ với nhau mang tính quyết định.

Quay lại chủ đề chính, để thuận tiện, tôi sẽ lần lượt trao đổi theo thứ tự các vấn đề như trong bài viết của TS Nguyễn Văn Vịnh.

1. “Giáo viên thiết kế, học trò thi công, thầy tổ chức trò hoạt động… Nguyên lý vận hành được tóm gọn trong công thức A ≠ a. Thành phần A gồm ba dạng: khoa học, nghệ thuật và niềm tin…”.

Đương nhiên trong một nền giáo dục “kiểu Piaget”, người thầy cần tổ chức để trò họat động hay “tương tác” với thầy cô và với nhau. Tuy nhiên thầy giảng giải, trò tiếp nhận vẫn có thể có chỗ đứng. Trong lớp học về Vật lý thần kinh tại Viện hàn lâm thế giới thứ ba (Trieste, Italy) năm 1995 mà tôi tham dự, ngoài những “hoạt động” và “tương tác” đa dạng, học viên vẫn phải nghe nhiều bài thuyết giảng, mỗi bài có thể kéo dài nhiều giờ. Với các nhà khoa học đầu đã hai thứ tóc còn thế, nên nếu trẻ em phải nghe giảng thì có gì là không được?

Trong hoạt động nhận thức, phần tiếp nhận a của các chủ thế nhận thức đương nhiên khác nhau và khác với đối tượng nhận thức A. Tuy nhiên xem A chỉ là khoa học, nghệ thuật và niềm tin thì thật không ổn. Phải chăng CNGD đặt ra mục tiêu chỉ đào tạo nhà khoa học và giới nghệ sĩ? Và tại sao chỉ quan tâm tới niềm tin? Đâu rồi tính nhân bản, lòng tốt, đức hy sinh, tinh thần vượt khó và nhiều đặc trưng tinh thần khác của con người? Rồi các hoạt động thể chất, một phương thức phát triển cả thế chất và trí tuệ như những nghiên cứu mới đã chỉ ra, không có vai trò gì trong CNGD hay sao?

2. “Phương pháp giáo dục… là phương pháp để trẻ chiếm lĩnh thực tại, chiếm lĩnh đối tượng khoa học, đi lại con đường nhà bác học… người nghệ sĩ đã đi, không buộc trẻ tiếp nhận chân lý có sẵn…”.

Đây là cách đặt vấn đề tuy hay nhưng chỉ thực hiện được với số rất ít học sinh kiệt xuất, chứ không thể với số đông. Và nếu thay “chiếm lĩnh” bằng các thuật ngữ khác, như “tìm hiểu” hay “nhận thức”, thì có lẽ chính xác hơn. Có khả năng nhận thức không tệ, lại có học vị cao về chuyên môn, nhưng nếu bắt phải “chiếm lĩnh đối tượng” vật lý lý thuyết thì người viết cũng xin “người ra đi đầu không ngoảnh lại” (thơ Nguyễn Đình Thi)! Và chỉ nhà khoa học tương lai mới cần đi lại con đường của Newton; chỉ các nghệ sĩ mới có nhu cầu lặp lại thao tác của Mozart (dù chỉ trên nguyên lý); đa số trẻ có lẽ không có nhu cầu đó.

Quan niệm “không buộc trẻ tiếp nhận chân lý có sẵn” cũng là sự cực đoan hóa kiểu Piaget. Theo Piaget, trẻ em phát triển tiêu chí đạo đức không phải theo các khuôn mẫu người lớn đưa ra, mà chủ yếu qua tương tác với bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên nhiều người không đồng ý với ông. Chẳng hạn nhà tâm lý Nga Vygotsky nhấn mạnh nền tảng văn hóa trong quá trình nhận thức; như trẻ em phương Tây và phương Đông có thể  hiểu khác nhau về tự do cá nhân. Quan niệm đó cũng không phù hợp với phương châm “đứng trên vai người khổng lồ” của khoa học. Trong khoa học tự nhiên, với các nguyên lý hay tiên đề, là những chân lý không thể chứng minh, được “đốn ngộ” tại cái thời khắc “eureka” không thể giải thích, thì trẻ em “đi lại con đường” khám phá đó như thế nào? Trong những trường hợp đó, cả loài người buộc phải tiếp nhận chân lý có sẵn, nói gì đến trẻ em!

(Còn nữa)

Đại tá Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường

(* Tựa bài do TT&VH đặt)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm