09/10/2013 07:15 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Dù đã được xếp hạng hay chưa, toàn bộ 121 di tích trong phố cổ Hà Nội sẽ được ưu tiên khôi phục không gian bằng cách di dời các hộ dân đang lấn chiếm. Đó là điểm nổi bật trong Đề án giãn dân khu phố cổ Hà Nội, vừa được tổ chức triển lãm công khai vào sáng qua (8/10).
1. Dù được phê duyệt vào tháng 3 vừa qua, đây vẫn là lần đầu tiên đề án này được chính thức công bố để lấy ý kiến dư luận, đặc biệt là các hộ dân trong khu vực phố cổ Hà Nội. Dự kiến, cho tới giữa năm 2014, số lượng 1.530 hộ dân cần di dời (khoảng hơn 7.000 người) sẽ được khảo sát và lên danh sách. Tiếp đó, việc tổ chức di chuyển các hộ dân này sẽ được bắt đầu từ quý IV/2014 cho tới hết năm 2016.
"Các hộ dân đang lấn chiếm không gian của 121 di tích sẽ được ưu tiên đưa vào danh sách này. Ngoài ra, các hộ dân sống cạnh công sở, trường học, bệnh viện trong phố cổ và các đối tượng tình nguyện di dời cũng sẽ được tính đến" - ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng Ban Quản lý khu phố cổ Hà Nội - cho biết. Trên thực tế, 121 di tích này bao gồm đền, chùa, am, miếu, cửa ô, di tích cách mạng... và phần lớn đã bị lấn chiếm từ 1954 đến nay.
Những di tích quan trọng như chùa Huyền Thiên sẽ được ưu tiên giải phóng không gian. Ảnh: Chitto |
Theo TS Lưu Minh Trị (Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long), ưu tiên trên là hoàn toàn hợp lý để bảo vệ những điểm nhấn về cảnh quan trong khu phố cổ, đồng thời có tác dụng tức thời trong việc thu hút khách du lịch cho cụm di tích này.
"Sau khi được trả lại không gian, tùy thuộc tình trạng xuống cấp, các di tích cần được nghiên cứu tôn tạo lại toàn bộ hoặc một phần" - TS Trị nói - "Chẳng hạn, chùa Huyền Thiên tại phố Hàng Khoai là một trong những Thăng Long tứ quán khi xưa và có vai trò cực kì quan trọng để tạo cảnh quan cho khu vực quanh chợ Đồng Xuân hiện nay. Hoặc, theo các tư liệu cũ, trong khu phố cổ có tới 15 điểm từng là nơi tổ chức biểu diễn ca trù truyền thống. Hoàn toàn có thể ưu tiên khôi phục trước một vài điểm diễn này để làm không gian phục vụ khách du lịch".
Thực tế, trong hơn 10 năm qua, một số trường hợp giãn dân tại phố cổ cũng đã được triển khai để trả lại không gian cho một vài di tích như nhà cổ 51 Hàng Bạc hay đền Quan Đế 28 Hàng Buồm. Với trường hợp đền Quan Đế, tổng số kinh phí phải bỏ ra để di dời 5 hộ dân tại đây là 10 tỉ đồng (bao gồm cả tiền đền bù và đất tái định cư).
2. Theo dự án, sau khi điều tra và lập danh sách, 1.530 hộ dân tại phố cổ sẽ được chuyển sang định cư tại khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội). Khu tái định cư rộng hơn 11ha, gồm 1 cao ốc 15 tầng và 16 cao ốc 9 tầng. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống tầng 1 của 17 cao ốc này sẽ được nghiên cứu để các hộ dân khai thác kinh doanh, buôn bán.
Tổng kinh phí cần cho công tác giãn dân khu phố cổ Hà Nội, bao gồm cả đền bù, hỗ trợ, di chuyển phía đầu đi và đầu tư, xây dựng các khu nhà ở, các công trình phúc lợi công cộng, hạ tầng xã hội phía đầu đến (khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên) giai đoạn 1 là khoảng 6.490 tỷ đồng.
Trong thời gian từ 2017- 2020, giai đoạn 2 của dự án sẽ được triển khai với việc di dời tiếp 5.000 hộ dân ra khỏi phố cổ, nhằm đưa mật độ cư dân trung bình trong khu vực này xuống còn 500 người/ha – thay vì 823 người/ha như hiện nay.
Ngoài ra, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: Khi thực hiện giãn dân, cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc tái tạo không gian phố cổ như các phố nghề, lễ hội, các nhà cổ, nhà thờ… tạo nên cái hồn cho phố cổ và cần di chuyển các cơ sở sản xuất không hợp lý ra khỏi khu vực này.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất