Giám đốc ICS Trần Khắc Tùng: Bộc lộ mình không bao giờ đơn giản

10/10/2012 06:00 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH Cuối tuần) - Nhạc sĩ Phương Uyên bị “người tình” gài bẫy trong “vụ” Tiếng hát Việt. Ca sĩ Lâm Chí Khanh bất ngờ thành cô gái Khanh Lam Chi và công bố hình cưới… - những chuyện “động trời” như vậy đang trở thành “mồi ngon” cho các loại truyền thông lá cải. Nhưng bên cạnh đó, những hoạt động truyền thông vì quyền lợi của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT - lesbian, gay, bisexual, transgender) cũng được tổ chức công khai, chính thức. Mới nhất là cuộc thi Miss Angel dành cho người chuyển giới ở TP.HCM. Rồi chương trình nhảy flashmob được tổ chức đồng thời ở hai thành phố lớn thu hút hàng ngàn bạn trẻ cả trong lẫn ngoài giới LGBT tham gia…

Tuy nhiên, để dũng cảm thừa nhận “tôi là người đồng tính” như Stephen Gately - anh chàng có gương mặt baby nhất nhóm hát Boyzone - đã làm, vẫn còn là điều quá khó ở Việt Nam, nhất là những người của công chúng. Với tư cách Giám đốc của ICS, tổ chức vận động quyền của LGBT tại Việt Nam, Trần Khắc Tùng đã chia sẻ câu chuyện riêng của mình và cái nhìn của anh vào chuyện giới tính ở showbiz Việt.

Nên tôn trọng quyết định công khai giới tính của nghệ sĩ

* Là Giám đốc của ICS, thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông vì LGBT và bản thân cũng là một người thuộc cộng đồng này, xin anh chia sẻ góc nhìn của anh về những vụ ầm ĩ trên truyền thông và dư luận vừa qua có liên quan đến vấn đề giới tính trong giới nghệ sĩ?

- Bất kỳ người đồng tính nào cũng trải qua một giai đoạn khó khăn và thường trực với hai sự lựa chọn: sống theo số đông hay sống thật, sống công khai để rồi có thể phải đối mặt với những cái nhìn soi mói, lời nói xúc phạm hay thậm chí bị đánh đập. Nghệ sĩ cũng vậy thôi. Nhưng nghệ sĩ còn chịu nhiều áp lực hơn vì họ là người của công chúng. Chính vì vậy, tôi hoàn toàn hiểu và tôn trọng sự lựa chọn cá nhân của bất kỳ ai khi họ quyết định có công khai về mình hay không. Ngoài ra, tôi muốn đề cập tới sự kỳ vọng hay hiếu kỳ của công chúng. Công chúng không thể đòi hỏi nghệ sĩ công khai xu hướng tính dục vì đây là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân. Tôi biết nhiều nghệ sĩ cũng bộc lộ mình với gia đình và bạn bè, nhưng họ không nhất thiết phải công khai với công chúng. Công việc của những người như tôi là tạo ra môi trường để tất cả mọi người đều có thể sống thật với bản thân, dù bạn là người đồng tính, dị tính hay chuyển giới. Và tôi cũng quan niệm, đã là một con người thì phải sống tốt, là một công dân tốt, không kể là người đồng tính hay dị tính.

Mình luôn mong muốn sống được là chính mình và sống thật với bản thân. Ảnh: V.C

* Anh nhận xét thế nào về nhận định cho rằng người đồng tính ngày càng nhiều, nhất là ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật?

- Theo nghiên cứu khoa học thì người đồng tính luôn chiếm từ 3 - 5% dân số toàn cầu, đó là một tỷ lệ ổn định và thuộc về tự nhiên. Nếu có tác động của xã hội thì đó chỉ là việc môi trường xã hội đã tạo điều kiện để người đồng tính được bộc lộ mình, được sống thật với bản thân và mọi người chứ không phải giấu giếm như trước đây. Còn nói rằng người đồng tính tập trung nhiều ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thì cũng chưa hẳn đúng, họ có thể xuất hiện ở bất cứ tầng lớp và nghề nghiệp nào, từ trẻ em lang thang, người khuyết tật, nhân viên văn phòng hay giám đốc. Chỉ có điều khi làm các công việc liên quan đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, họ dễ dàng được biết đến mà thôi.

* Anh thấy thế nào về ý kiến cho rằng hình ảnh các nghệ sĩ đồng tính hiện nay đang trở thành hình mẫu cho thanh thiếu niên bắt trước?

- Nhiều người bị ảnh hưởng bởi việc “định chuẩn hóa dị tính”. Vì người dị tính (người có quan hệ luyến ái với người khác giới - TT&VH) chiếm đa số trong xã hội nên mọi người vô tình lấy xu hướng dị tính làm chuẩn và coi đồng tính là bất bình thường, dẫn đến việc người ta thường đặt câu hỏi để cố tìm ra sự bất thường này. Người ta hay hỏi tại sao một người là người đồng tính, nhưng không hỏi tại sao một người là người dị tính? Suy nghĩ một chút thì cả hai câu hỏi này đều có cùng một câu trả lời. Trong trường hợp nói trên, hãy đặt câu hỏi tại sao một đứa trẻ lại bị ảnh hưởng bởi người đồng tính - một cộng đồng rất nhỏ trong xã hội - trong khi nó được tiếp xúc với rất nhiều người dị tính xung quanh? Câu trả lời là bản thân nó sinh ra đã như vậy, nhưng chỉ khi đến tuổi bắt đầu có tình cảm yêu đương, thì xu hướng này mới bộc lộ ra. Khoa học khẳng định không có chuyện “nhiễm” hay “lây” ở đâu.

Bộc lộ mình không đơn giản

* Trở lại với câu chuyện của cá nhân anh, sinh năm 1973, nghĩa là ở cái tuổi mà anh biết mình là người đồng tính thì xã hội còn rất khắt khe với vấn đề này. Anh đã sống những ngày tháng đó như thế nào?

- Nếu người chuyển giới nhận thức về giới tính của mình từ khi còn rất nhỏ và thể hiện ra bên ngoài một cách tự nhiên, thì người đồng tính chỉ nhận ra xu hướng của mình - yêu người cùng giới - khi vào tuổi dậy thì và có thể che giấu. Đối với cá nhân tôi, năm đầu lớp 10 tôi bắt đầu thấy mình có tình cảm với các bạn nam khác. Điều này làm cho tôi suy nghĩ dằn vặt bản thân sao mình lại khác người. Tôi cũng chẳng nói ra điều này với ai, chỉ âm thầm giữ cho riêng mình và tập trung vào học tập. Tình cờ một lần về quê, ngồi trên xe khách đọc bài báo có một bạn hỏi câu tương tự. Tôi không nhớ câu trả lời của bài báo là gì nhưng thấy mình thật nhẹ nhõm vì biết rằng trên đời này có nhiều người cũng giống mình. Cho tới lúc kết thúc đại học, tôi chỉ tập trung vào việc học và không tiếp xúc với các bạn trong cộng đồng LGBT, không nói với ai mình là người đồng tính. Giờ nhìn lại thì thấy tiếc là không có một mối quan hệ nào thời học sinh sinh viên thôi, chứ không hẳn phải trải qua sự kỳ thị gì.

Ca sĩ Lâm Chí Khanh không che giấu việc trở thành Khanh Chi Lâm hiện nay nhưng rất ít người chọn cách như vậy

* Là một bác sĩ chuyên làm việc trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, từng nhận được học bổng Hội đồng Anh, làm việc cho tổ chức Y tế thế giới WHO, rồi Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF tại Bangkok…, anh có gặp khó khăn gì vì là người đồng tính không?

- Thực sự là không, chỉ đôi khi thấy hơi chạnh lòng một chút thôi, vì mọi người cứ hỏi khi nào thì Tùng lấy vợ, đại ý là công việc ổn định rồi thì nên lập gia đình. Tôi hiểu đây là sự quan tâm của mọi người, chứ không có ý kỳ thị gì nhưng đôi khi mọi người cứ hỏi việc có bạn gái chưa, lấy vợ chưa, cứ mặc định mình là người dị tính cũng làm cho mình hơi chạnh lòng. Môi trường làm việc ở các tổ chức quốc tế rất cởi mở và họ có chính sách rõ ràng nói về việc tôn trọng sự đa dạng tính dục và không phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới và xu hướng tính dục. Thậm chí, Liên hiệp quốc còn có chế độ bình đẳng cho các cặp cùng giới và khác giới. Trên các giấy tờ chính thức thì họ dùng từ spouse (trong tiếng Anh có nghĩa là vợ hoặc chồng mà không đề cập tới giới tính của chủ thể, tương tự như từ phối ngẫu trong tiếng Việt) chứ không dùng wife (vợ) hoặc husband (chồng).

* Từ khi nào thì anh quyết định bộc lộ mình?

- Tôi luôn mong muốn sống được là chính mình và sống thật với bản thân, nhưng việc bộc lộ mình không đơn giản. Thực sự từ khi biết và làm việc cùng với các bạn ICS từ những ngày đầu thì động lực này càng mạnh hơn. Việc bộc lộ mình giúp cho mọi người nhận thấy người đồng tính không phải ai xa lạ mà chính là những người xung quanh mình, hàng xóm của mình, bạn bè của mình, người thân của mình. Từ đó mọi người có cái nhìn đúng hơn về cộng đồng LGBT và ủng hộ cho cộng đồng nhiều hơn.

* Những người đồng tính luôn thừa nhận gia đình lại chính là thành trì cuối cùng và khó khăn nhất mà họ phải vượt qua trong quá trình bộc lộ mình, anh đã vượt qua thành trì này như thế nào?

- Đúng vậy, mỗi bậc cha mẹ đều kỳ vọng vào con cái của mình rất nhiều. Và chính điều đó đôi khi tạo áp lực cho con, khiến những người con phải suy nghĩ rất nhiều rằng liệu mình có làm bố mẹ thất vọng không, liệu bố mẹ có yêu thương mình như trước không. Đối với cá nhân tôi, có lẽ bố mẹ cũng lờ mờ biết tôi là người đồng tính. Trong gia đình không hề đề cập tới vấn đề này nhưng bố mẹ đều yêu quý những người bạn trong giới của tôi. Có lẽ bố mẹ vẫn nghĩ đây chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời và hy vọng đến một lúc nào đó thì con mình sẽ “hết” đồng tính.

Cách đây hơn 1 năm, tôi và mẹ đã có một buổi nói chuyện về vấn đề này. Mẹ đã khóc nhiều khi tôi khẳng định mình là người đồng tính và cuối cùng thì mẹ nói “mẹ vẫn yêu con như trước đây”. Sau buổi nói chuyện này, tôi thấy hai mẹ con gần nhau hơn rất nhiều, cảm thấy mẹ đã biết về con người thật sự của mình. Giờ tôi lại tiếc, giá như hai mẹ con nói chuyện này sớm hơn thì hay biết mấy. Tuy chưa ủng hộ ra mặt, nhưng tôi biết mẹ đang làm hết khả năng để tôi có một cuộc sống yên ổn, hạnh phúc. Tôi biết mẹ nói với họ hàng đừng hỏi tôi về chuyện cưới vợ để khỏi gây áp lực cho tôi. Cũng phải nói thêm rằng, việc cha mẹ tiết lộ với người khác rằng con mình đồng tính cũng không hề dễ dàng, họ cũng e ngại sự kỳ thị từ những người xung quanh.

Phim Hotboy nổi loạn… mới chỉ đề cập một góc rất hẹp của cộng đồng người đồng tính

* Còn cha anh thì sao?

- Sau khi tôi nói chuyện với mẹ, chắc mẹ đã nói lại với ba. Thực sự giữa hai ba con vẫn chưa nói chuyện với nhau về việc này. Chỉ biết ba vẫn đối xử với tôi như bình thường, vẫn quan tâm chăm sóc. Trong quá trình làm việc với các phụ huynh thì tôi thấy người bố cảm thấy khó khăn hơn người mẹ rất nhiều để có thể chấp nhận việc con mình là đồng tính. Vì vậy người cha nói riêng và phụ huynh nói chung cũng cần thời gian và những hỗ trợ cần thiết để vượt qua.

Phim Việt về người đồng tính còn sai lầm và phiến diện

* ICS liên tục tổ chức các hoạt động văn hóa chẳng hạn như đặt hàng Đoàn kịch Thể nghiệm Nhà hát Tuổi Trẻ vở kịch về đề tài đồng tính Được là chính mình để phục vụ miễn phí tại các trường đại học, các nhà hát ở Hà Nội, TP.HCM, tổ chức nhảy flashmob, sắp tới là việc trao giải Trái tim Cầu vồng cho phim xuất sắc về đề tài đồng tính của YxineFF. Nguyên do của việc này là gì?

- Văn hóa nghệ thuật luôn có sức mạnh lớn trong việc tác động vào nhận thức. Nếu cứ thuyết giảng thì sẽ chẳng ai nghe cả. Với vở kịch Được là chính mình, chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả, cả những người lớn tuổi cũng bày tỏ rằng xem xong kịch họ có cái nhìn khác về người đồng tính, còn cán bộ Đoàn ở các trường đại học thì nói những hoạt động thế này rất cần thiết với thanh niên.

Trần Khắc Tùng trong chuyến tham gia cứu hộ nhân dân Myanmar sau trận bão Nargis

* Chỉ trong năm 2012, số phim chiếu rạp có đề cập đến người đồng tính đã chiếm quá nửa tổng số phim được sản xuất. Vậy anh thấy phim ảnh Việt Nam đã phản ánh đúng về người đồng tính chưa?

- Tôi thấy rằng các bộ phim đã làm được một việc tốt là góp phần bình thường hóa vấn đề về người đồng tính và chuyển giới trong các tầng lớp khán giả khi xem phim. Tuy nhiên, cái nhìn của các nhà làm phim về người đồng tính và chuyển giới còn phiến diện và có phần sai lầm. Đề cập đến chủ đề này, phim Việt Nam vẫn bị bó gọn trong hai xu hướng: một là bi lụy hóa cuộc sống của người đồng tính; hai là mang họ ra làm trò cười. Thật ra vấn đề tình cảm, cuộc sống của người đồng tính cũng đa dạng và giống với những người dị tính, nếu đã xem bộ phim Brokeback Mountain, A Single Man, The Kids Are All Right thì bạn sẽ thấy rõ điều đó. Đặc biệt đáng lên án một số bộ phim dựa trên kiến thức hoàn toàn phản khoa học, rằng đồng tính có thể “chữa” khỏi bằng cách gần gũi thể xác người khác giới. Nó có thể tạo nên những lầm tưởng cho phụ huynh. Trên thực tế nhiều phụ huynh đã ép con mình quan hệ tình dục với người khác giới, thậm chí cho người khác giới hiếp con mình để mong “chữa” được đồng tính.

* Còn Hotboy nổi loạn… thì sao? Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng dường như luôn xây dựng hình ảnh người đồng tính rất đẹp.

- Tôi rất thích cách dẫn dắt câu chuyện của phim này. Cái hay là nó mang vấn đề đó cho khán giả, phổ biến hóa hình ảnh của người đồng tính trong xã hội để khán giả được biết thêm. Có một số người trong giới LGBT nói rằng phim hơi đen tối vì không phải người đồng tính nào cũng trở thành callboy. Cá nhân tôi thấy phim chỉ đề cập một góc rất hẹp của cộng đồng người đồng tính. Nhưng đó là “bệnh” chung của cả nền điện ảnh chứ không chỉ của riêng Hotboy nổi loạn... Tôi không thể đòi hỏi anh Đãng đề cập tới mọi mặt của cộng đồng LGBT trong một bộ phim của anh ấy được. Nhưng nếu những phim về đề tài đồng tính chỉ nói về vấn đề callboy thì đúng là có vấn đề thật.

* Còn hình ảnh người đồng tính trong các bộ phim hài như Để Mai tính, Cưới ngay kẻo lỡ hay Nàng men chàng bóng mới đây?

- Một số phim về đề tài LGBT trong đó có nhân vật nam mà ăn mặc và có các cử chỉ, điệu bộ như một người phụ nữ, đó là nói về người chuyển giới - những người mà nhận dạng về giới tính của bản thân khác với giới tính sinh học của họ khi sinh ra. Ví dụ một người sinh ra với cơ thể là nam nhưng trong đầu luôn nghĩ mình là nữ hoặc ngược lại. Chính vì vậy, việc họ thể hiện ra bên ngoài qua cách ăn mặc hay cử chỉ, điệu bộ như một người phụ nữ là việc hoàn toàn bình thường. Các nhà làm phim hay lấy chuyện này ra để chế giễu gây cười làm tổn thương họ là điều không nên. Người chuyển giới là bộ phận thiệt thòi nhất trong cộng đồng LGBT vì chịu sự kỳ thị nhiều nhất từ xã hội, và từ chính cộng đồng LGBT. Vì vậy họ gặp nhiều khó khăn trong học tập, sinh hoạt và đặc biệt là mưu sinh. Tôi rất mong các nhà làm phim nghĩ đến điều này và có cái nhìn toàn diện hơn về người đồng tính hay người chuyển giới để các tác phẩm điện ảnh phản ánh chân thực về nhiều khía cạnh trong cuộc sống của cộng đồng LGBT. Khi đó các tác phẩm sẽ có sức sống mãnh liệt hơn, lan tỏa hơn và được cộng đồng đón nhận hơn.

* Cảm ơn anh.

Dương Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm