Giải mã hiện tượng đất ngoại thành “nổi sóng”

30/04/2011 12:11 GMT+7 | Thế giới

Chỉ 2 tháng lại đây, tại nhiều vùng ngoại thành Hà Nội, tập trung ở phía đông gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Ninh Hiệp, Gia Lâm… đất cát trong các làng, xã này bỗng “thức giấc!”. Tạt vào quán nước ở bất kỳ xã nào của các huyện nêu trên, nếu hỏi về chuyện đất cát thì hầu như ai cũng vanh vách giá đất trong vùng.

Theo các môi giới đất đai tại các xã Minh Phú, Minh Trí, Nam Cương, Bái Thượng, Phù Linh, Thanh Xuân của huyện Sóc Sơn, từ khi thị trường vàng, USD bị quản chặt, lượng người lên hỏi mua đất tại các xã này tăng đáng kể. Nếu như cuối năm 2010, giá đất có sổ đỏ tại các xã trung bình chỉ từ 2-3 triệu đồng/m2 thì đến nay đã được đẩy lên tới 7-8 triệu đồng/m2. Đặc biệt các khu vực mặt đường ô tô qua lại được, giá đất đắt gấp 3 lần.

Tăng giá nóng nhất và giao dịch sôi động nhất của huyện Đông Anh trong 2 tháng lại đây phải kể đến các xã Vĩnh Ngọc, Phương Trạch (chân cầu Nhật Tân). Vào thời điểm giữa năm 2010, đất khu vực hai xã này đã nóng lên 1 lần và đất mặt đường lớn đắt nhất mới chỉ 55 - 60 triệu đồng/m2. Nay vẫn những khu vực mặt đường, giá đã giao dịch ở mức trên dưới 80 triệu đồng/m2.

Đất các vùng ven Hà Nội đang nổi sóng-Ảnh internet

Anh Nguyễn Văn Hải, một môi giới có tiếng ở thôn Vĩnh Giang cho rằng, giá đất tại Vĩnh Ngọc và Phương Trạch vẫn còn khả năng lên giá vì theo quan sát của anh trong 2 năm nay, hạ tầng cầu Nhật Tân và đường dẫn hoàn thiện đến đâu, giá đất xung quanh tăng đến đó. Anh Hải cho rằng, cho đến khi cầu Nhật Tân hoàn thành, giá đất ở các vị trí mặt đường lớn trong khu vực đầu cầu này sẽ chẳng dừng mức dưới 100 triệu đồng/m2. Một cơ sở nữa để anh Hải nhận định khả năng tăng giá là so sánh với giá đất mặt đường bên kia cầu Nhật Tân (đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) đang có giá hàng trăm triệu đồng/m2 thì không có lý gì chỉ cách nhau 1 cây cầu (2 km) mà giá đất lại chỉ bằng 1/3.

Chẳng riêng gì đất Đông Anh, Sóc Sơn nơi “nổi sóng” vì có cầu Nhật Tân đang hoàn thiện mà đất các huyện Ninh Hiệp, Gia Lâm, thậm chí lan đến cả các huyện ngoài Hà Nội như Thuận Thành - Bắc Ninh, huyện Văn Lâm, Văn Giang - Hưng Yên cũng được các nhà đầu tư (NĐT) đổ về mua. Tất nhiên, đất tìm mua là những khu vực giá chỉ vài ba triệu đồng/m2.

Chị Vân Khánh, nhân viên môi giới sàn bất động sản Hà Nội Home cho biết, ngay khi có tin thị trường vàng, USD sẽ bị quản chặt, các nhà đầu tư quen thuộc của sàn đã rủ nhau sang Bắc Ninh mua đất dự án tại huyện Thuận Thành. Mục tiêu của các nhà đầu tư là đất dự án giá tầm 2 - 3 triệu đồng/m2. “Nay giá đất loại này đã được đẩy lên từ 5 - 6 triệu đồng/m2, hết hấp dẫn nên giao dịch đã chững rồi anh ạ. Họ lại tiếp tục tìm các khu vực quanh Hà Nội nhưng giá chỉ tầm vài triệu đồng/m2 mới mua”, chị Khánh cho biết.

Theo chị Vân Khánh, nếu phân khúc nào mà các nhà đầu tư cảm thấy không thể kiếm lời được thì họ sẽ tìm các phân khúc khác có tiềm năng hơn. Các nhà đầu tư chọn mua đất khu vực phía đông và bắc của Hà Nội là do đất các vùng này vẫn còn rẻ hơn so với phía tây khi so sánh về khoảng cách địa lý với trung tâm. Thường thì khi có một, hai người đổ tiền về mua đất vùng ven, họ sẽ giới thiệu, kéo thêm nhiều người mua theo, rồi mỗi người một tiếng phân tích về quy hoạch, về tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng, về sự đắt rẻ giữa các khu vực… khiến nhiều người khác nghe “bùi tai” cũng “đâm lao”. Nhiều người cùng hỏi mua sẽ tạo nên làn sóng tăng giá. “Báo chí phản ánh là do cò thổi giá đất nhưng tôi nghĩ, chuyện giá đất ở khu vực nào tăng cũng đều có lý của nó. Không phải bỗng dưng cò thổi được. Thổi giá mà không có lý, cò bán cho ai?”, chị Vân Khánh nói.

Giá đất có vô lý?

Về hiện tượng đất vùng ven của Hà Nội tăng giá, các chuyên gia bất động sản (BĐS) đồng thuận, đó là quy luật và không hề vô lý.

GS TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, do nhu cầu về BĐS của Hà Nội hoàn toàn khác với các tỉnh nên dù cho thị trường chung giá có thể chững nhưng cục bộ vẫn có những điểm giá đất nóng. Đó là các khu vực sẽ được quy hoạch làm trung tâm hành chính, thương mại và cơ sở hạ tầng được đầu tư mới.

Theo chuyên gia BĐS độc lập Renasto, sở dĩ xuất hiện làn sóng mua đất rẻ ngoại ô là do các NĐT đã có kinh nghiệm khi đánh giá về hiệu quả kinh doanh. Phân khúc chung cư ở Hà Nội bên cạnh việc giá đã hết ngưỡng hấp dẫn, tiền tệ đang bị siết chặt thì nguồn cung tiềm năng sẽ ngày càng nhiều do các dự án đã và đang triển khai. Do đó, phân khúc chung cư trong thời gian tới không những không thể tăng giá mà còn có thể giảm nếu chính sách tiền tệ thắt chặt duy trì lâu.

Phân khúc biệt thự hay đất liền kề thì đòi hỏi vốn lớn, các biệt thự phần lớn lại nằm ở phía Tây, nơi giá đất được đánh giá là không còn nhiều khả năng tăng hoặc cần thận trọng khi đầu tư, nếu có chính sách đánh thuế BĐS.

Tại sao các NĐT đổ tiền vào đất rẻ vùng ngoại ô? Đơn giản là vì giá đất rẻ, rủi ro không nhiều xét trong hiện tại. Còn trong tương lai, hạ tầng các khu vực ngoại ô của Hà Nội sẽ được đầu tư, các đô thị sẽ mọc lên và giá đất các khu vực này sẽ được hưởng lợi.

Bà Nguyễn Thị Hồng Mai, Trưởng Phòng đầu tư Quỹ Bảo hiểm Bưu điện cho rằng, người có tiền hiện nay vẫn muốn tìm kênh đầu tư hơn là gửi tiết kiệm bởi sau nhiều năm kinh nghiệm cho thấy: Sau lạm phát, kinh tế ổn định thì các thị trường đầu tư đều phục hồi và lợi nhuận từ các kênh đầu tư (ngoài gửi ngân hàng) vẫn cho tỉ suất sinh lời cao hơn. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, kênh vàng và USD được Nhà nước quản chặt để chống tình trạng đô la và vàng hóa nền kinh tế. Bên cạnh đó, tương lai của các kênh đầu tư này chưa rõ nên các NĐT không muốn bỏ tiền vào. Thị trường chứng khoán thì bấp bênh, tăng rất mạnh nhưng giảm cũng rất sâu. Chỉ còn kênh BĐS là các NĐT cảm thấy yên tâm. Đương nhiên, các NĐT cũng đã cân nhắc kỹ nên đổ tiền vào đâu để vừa tránh được rủi ro vừa đảm bảo khả năng sinh lời cao. Chính vì thế, trong thời gian tới, đất rẻ ngoại ô và những khu vực hạ tầng phát triển mạnh (giá đang hợp lý) vẫn còn có khả năng tăng giá vì các NĐT sẽ vẫn đổ tiền vào.

Theo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm