Ghi chép từ vùng lụt

08/10/2010 10:03 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - LTS: Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật vừa có chuyến công tác đáng nhớ vào Quảng Bình khi chuyến tàu chở ông đi gặp mưa lớn, và rồi lũ lụt tràn ngập miền Trung. “Tôi may mắn chỉ ở những nơi ven lũ, nhưng cũng đã thấy nhiều cảnh tang thương. Trong khó khăn tôi thấy người Quảng Bình vẫn rất điềm đạm” - ông nhận xét.

Xin trân trọng giới thiệu những ghi chép của ông từ chuyến đi này.

1. Cách đây mươi hôm, anh họa sĩ ở Hội Văn nghệ Quảng Bình nói với tôi: “Chúng tôi ở sát đường cái, xe đi ra cứ đi ra, đi vô cứ đi vô, không có gì dừng lại cả. Sang năm, chúng tôi đăng cai triển lãm mỹ thuật khu vực miền Trung, mà anh em không biết hiện mỹ thuật ra sao. Phiền anh làm một chuyến thông tin cho chúng tôi, nhân trại sáng tác tháng 10 này”.


Nước rút, dân xã Đồng Trạch, (Bố Trạch) thuê xe công nông để chở những chiếc thuyền
cứu mạng họ mấy hôm nước ngập về nhà, chỉ có bò là không cứu được... Ảnh Vũ Lâm

Tôi mua vé tàu đi tối mùng 3, và về tối mùng 5/10. Gần ra ga thì có người bạn gọi điện bảo rằng tàu anh đang đi dừng ở Đông Hà, nên chuyển sang ô tô, và khuyên tôi nên hỏi lại nhà ga, vì trong này mưa tầm tã nhiều ngày rồi. Nhà ga bảo cứ đi...

Khi tàu qua Vinh, tôi mới thấy lo sợ thực sự. Mưa như trút nước rầm rầm trong đêm, tàu bắt đầu chạy chậm lại và nhiều chỗ lò dò như người đi bộ. Gần sáng hai bên đường nước ngập mênh mông đến tận mái nhà. Đường tàu có đoạn như sợi chỉ căng trên mặt nước. Nhưng khi nhìn thấy vài người dân đội mưa đêm trên mái nhà, tôi cũng bớt sợ, tự nhủ cùng lắm là mình ngồi trên nóc tàu. Cuối cùng cũng về ga Đồng Hới. Ngay sau đó vài giờ thì những đoạn đường sắt đó có nơi đã ngập tới một thước.

Ga Đồng Hới có rất nhiều người dồn lại. Ở phía Nam là Đông Hà, Lệ Thủy, phía Bắc, là Vinh, Hà Tĩnh, Ba Đồn... từng chặng, từng chặng khách qua đường bộ và đường sắt bị ách lại. Chắc là cuộc sống trong mưa lụt không dễ chịu gì, nhưng so với tình cảnh người dân các huyện ở Quảng Bình trèo lên cây và ngồi trên nóc nhà còn hơn chán.  

2. Chúng tôi đi về trại sáng tác của Hội Văn nghệ ở khách sạn Thanh Niên sát biển. Điện mất, các đoạn đường bị phân cắt lung tung bởi nước, trong khách sạn nước cùng chảy lênh láng suốt các tầng không ngớt. Còn ngoài trời, gió rất mạnh, mưa cứ chảy đều từ trên trời xuống dày như tấm lưới suốt ngày đêm hòa với tiếng biển gào.


Một gia đình bị ngập mất bè vó, phải dựng lều sống tạm trên bờ. Ảnh Vũ Lâm
Người ta đem chiếc máy nổ cũ kỹ chạy tạm điện cho chúng tôi làm được hai buổi thông tin về mỹ thuật Việt Nam hiện tại. Có lẽ nội dung văn nghệ này không hợp chút nào với hoàn cảnh thực tại, nhưng cũng chẳng ai đi đâu được, và đã vào đây thì cứ thế mà làm.

Quảng Bình là mảnh đất nhỏ hẹp và dốc, nên mưa thường không đọng lâu. Nhưng lần này khác, mưa quá dày và quá dài, đất đai cũng bị tác động bởi những xây dựng mới nên giữ nước và gây lụt cục bộ. Trong quá khứ, lụt thường giáng vào nhiều làng ven cửa sông, nên vài nơi quen với lụt tới mức coi lụt là bình thường, thậm chí tổ chức hội lễ. Họ nói rằng đó là dịp bắt cá kiếm củi, trừ được chuột và mối. Tuy nhiên những làng này không nhiều và phản ánh việc chủ động chung sống với lũ lụt với cái nghèo ven sông nước.

3. Ngoài sông Nhật Lệ nước đã tràn bờ và cuồn cuộn đổ ra biển. Cây củi trôi thành những đám lớn táp vào bờ và người dân tranh thủ kéo lên những đống củi lớn. Đêm mùng 5 và sáng mùng 6, tôi đi ra đường vì nghe nói đường bộ đã tạm thông. Tuy nhiên xe cộ còn tắc, ở phía Nam chưa chạy ra Bắc được. Nhiều đoạn quốc lộ 1A, tuy trông chắc chắn nhưng nước còn ngập hai bên kéo theo rất nhiều rong rêu, và trông như cái cầu dài bắc trên biển. Bò chết trôi rất nhiều, cũng như nhiều người dân tranh thủ đi kéo củi, vớt bò, bắt cá. Nhiều đoạn đường làng chỉ nổi lên 2 vệt cây trên mặt nước đánh dấu cho những người đánh bạo đi lại. Nhiều nhà nền cao, lát đá đưa cả đàn bò đứng đầy hiên và trong nhà. Người thì ăn mỳ tôm và bò thì chén cả cây cảnh trong chậu.

Tôi may mắn chỉ ở những nơi ven lũ, nhưng cũng đã thấy nhiều cảnh tang thương. Trong khó khăn tôi thấy người Quảng Bình vẫn rất điềm đạm.

Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ

Tiếp tục chuyến công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ các tỉnh miền Trung, chiều 7/10, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã vào Quảng Bình kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, thăm hỏi nhân dân vùng bị thiên tai.

Trong đợt lũ lụt từ 30/9 đến 5/10, Quảng Bình là địa phương miền Trung chịu thiệt hại nặng nề nhất. Toàn tỉnh đã có 33 người chết, 22 người mất tích, 11 người bị thương, hơn 103.600 ngôi nhà bị ngập, trong đó hơn 1/3 số nhà bị ngập sâu trong nước. Tổng thiệt hại trong đợt lũ lụt này ước tính trên 1.270 tỷ đồng.

Trước mắt, các cơ quan chức năng tập trung khôi phục nhanh trường học, trạm xá, nhà ở, đường giao thông, tìm kiếm người mất tích, các tàu thuyền còn mất liên lạc trên biển; rà soát lại sản xuất nông nghiệp để có kế hoạch giúp dân vùng lũ về giống cây trồng, vật nuôi, sớm ổn định sản xuất và đời sống vùng lũ.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quyết định hỗ trợ ngay cho tỉnh Quảng Bình 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng khắc phục hậu quả đợt lũ lụt này.

Ngọc Châu

 
Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm