Độc đáo Tết của người Giáy Gia Hội

31/01/2014 08:55 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Khi những cây mơ, cây mận bung nở những chùm hoa nhỏ trắng xinh bên trái nhà, cũng là lúc đồng bào người Giáy ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn (Yên Bái) rục rịch đón tết. Khác với người nông dân ở địa phương khác, đồng bào Giáy ở Gia Hội thường gieo cấy vụ đông xuân sau Tết Nguyên đán để tránh rét đậm, rét hại. Công việc của những ngày cuối năm chỉ là cày bừa nốt những thửa ruộng và chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc.

Ông Lò Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Gia Hội, huyện Văn Chấn cho biết: Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để những nét văn hóa đặc sắc của người Giáy được bảo tồn và phát huy. Tục ăn tết của người Giáy đa dạng, độc đáo, tuy có những đặc điểm khác nhau, nhưng tết của họ cũng có những nét tương đồng với các dân tộc anh em. Đó là sinh hoạt cộng đồng (gia đình, làng bản) gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (trời, đất, sông, núi, gió, mưa...) nhằm cầu sức khỏe, cầu mùa, cầu chúc phúc, lộc, thọ. Tết là thời điểm giã từ năm cũ, là dịp để mọi gia đình sum họp, vì vậy tục ăn tết của người Giáy ở Gia Hội không ngoài ý nghĩa, nội dung đó.

Đồng bào Giáy ở huyện Văn Chấn có trên 2.500 người sinh sống chủ yếu ở thôn Chiềng Pằn 1 và Chiềng Pằn 2 ở xã Gia Hội. Số lượng ít, lại sinh sống đan xen trong cộng đồng các dân tộc nhưng người Giáy ở Gia Hội vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những nét văn hóa đặc sắc, mang ý nghĩa linh thiêng, được thể hiện qua tục đón tết của người Giáy đã được duy trì qua nhiều thế hệ.

Ảnh minh họa.

Đồng bào Giáy ở Gia Hội bao gồm 5 họ chính là họ Trương, họ Đàm, họ Tạ, họ Hoàng và họ Lục. Tổ tiên người Giáy từ xưa vốn rất linh hoạt, tháo vát trong làm ăn, buôn bán. Tương truyền rằng, người Giáy sau khi thu hoạch vụ mùa thì rủ nhau đi buôn, nhưng do lạc đường nên họ đã không kịp về đón giao thừa. Vì vậy người Giáy ở Gia Hội thường đón giao thừa vào rạng sáng mùng 1 tết hoặc mùng 2 tết tùy từng họ. Điều đặc biệt, người Giáy không căn cứ vào giờ đồng hồ mà đón giao thừa theo tiếng gà gáy.

Theo quan niệm, khi tiếng gà đầu tiên của gia đình gáy trong đêm giao thừa đó là báo hiệu tổ tiên, ông bà về ăn tết cùng con cháu. Lúc đó cả gia đình đều dậy, người mổ gà, người đun nước làm cơm cúng giao thừa. Nét độc đáo, mang đậm tín ngưỡng tâm linh và nét văn hóa độc đáo của đồng bào Giáy là tục lấy nước đầu năm. Khi chuẩn bị mâm cúng giao thừa, một thành viên khỏe mạnh trong gia đình lên khe suối đầu nguồn để lấy nước mới, trước khi lấy nước mới phải thắp hương xin thần suối ban nước sạch.

Anh Hoàng Văn Duân, thôn Chiềng Pằn 2, xã Gia Hội cho biết thêm: Cứ vào đêm 30, rạng sáng mồng 1 thì gia đình nào cũng đi lấy nước mới, mục đích là để rửa cái cũ, làm cái mới. Khi lấy nước về phải đun sôi rồi đặt một ấm lên bàn thờ mời ông bà uống, sau đó cả gia đình mới được uống. Nước này có thể dùng pha chè, thổi xôi, luộc gà…Theo quan niệm của người Giáy thì gia đình nào có điều kiện lấy nước sớm thì gia đình đó sẽ có lộc nhiều hơn, tốt hơn…

Đồng bào Giáy ở Gia Hội cũng có nhà sàn như người Thái, người Tày. Tuy nhiên người Giáy quan niệm gian ở vị trí trung tâm là gian chính vì thế đây cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ của người Giáy thường đặt cao trên tầm đầu người thể hiện sự tôn thờ, biết ơn những người đã khai phương mở lối, xây dựng bản làng, quê hương.

Ngày tết tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà việc mua sắm, chuẩn bị đón tết có khác nhau nhưng nhà nào cũng có mâm cỗ cúng tổ tiên. Khác với cỗ cúng của các dân tộc khác, trong mâm cỗ cúng của người Giáy nhất thiết phải có thịt lợn, nếu là đầu lợn, chân lợn và đuôi lợn thì càng tốt. Trên mâm cỗ có đặt một chum rượu nhỏ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên. Ngoài ra còn đặt 5 cái bát, 5 cái chén và 5 đôi đũa; một số quần áo cắt bằng giấy màu đỏ và màu tím, còn giấy màu vàng nhạt cắt hình con trâu với ý nghĩa là "con cháu có tiền thuê người chăn trâu cho ông bà, mua trâu cho ông bà cầy cấy".

Trước khi cúng, các thành viên trong gia đình thắp hương mời gọi tổ tiên về chơi thăm con cháu. Sau đó chủ nhà hoặc thầy cúng sẽ đọc bài khấn cầu và thể hiện mong ước, nguyện vọng của con cháu. Lời khấn rằng: “Hôm nay nhân dịp đón năm mới, tiễn năm cũ chúng con sắm chút lễ mời ông bà, tổ tiên về chứng giám lòng thành của con cháu. Mời ông bà, tổ tiên xơi cơm, xơi rượu, xơi thịt và phù hộ cho gia đình năm mới mạnh khỏe, may mắn, sản xuất được nhiều thóc gạo, nuôi được nhiều trâu bò…"

Trong những ngày tết, cùng với những hoạt động văn hóa, văn nghệ, mọi người tham gia các trò chơi như: đánh quay, múa xòe, múa then, nhà nhà mời nhau uống rượu, hàn huyên. Bên chén rượu nồng ấm đầu xuân, mọi người sẻ chia những tâm sự, những câu chuyện tâm tình cởi mở về kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy con cái và cùng chúc nhau năm mới bình an, may mắn. Qua những hoạt động này thêm gắn bó tình cảm keo sơn của cộng đồng người Giáy đồng thời gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc sắc truyền thống của dân tộc.

Ông Lò Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Gia Hội cho biết thêm: Tết của người Giáy xã Gia Hội, không chỉ thể hiện tín ngưỡng, tâm linh mà là nét đặc sắc văn hóa truyền thống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trước những tác động của đời sống kinh tế xã hội, những lễ nghi, phong tục tập quán đặc sắc của người Giáy ít nhiều thay đổi, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mỗi dịp tết đến, xuân về, đồng bào Giáy lại có dịp khơi dậy những nét văn hóa đặc sắc ấy, để gìn giữ, lưu truyền cho con cháu mai sau...

Tuấn Anh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm