Doanh nghiệp xe khách: Cạnh tranh thời xăng dầu tăng giá

07/08/2008 01:00 GMT+7 | Thế giới

Quầy vé rộng mênh mông, nhưng chỉ lác đác vài người mua vé
So với nhiều năm trước, người đi xe đò (xe khách) ngày nay thật tiện lợi. Nhà ga của bến xe miền Đông (TP HCM) mát mẻ, có ghế ngồi. Có màn hình tivi LCD. Các hãng đều niêm yết bảng giá, cạnh tranh quyết liệt bằng tiện nghi, giảm giá. Thật khổ cho các doanh nghiệp xe khách khi xăng tăng giá đến 30% mà họ hầu như không dám tăng giá vé.

Từ tháng 5-7/2008 tại bến xe miền Đông (BXMĐ), nhiều doanh nghiệp xe đò lớn như Mai Linh, Rạng Đông, Kumho-Samco, Việt Tân Phát... đã giảm 15-20% giá vé và cho rằng mình không cạnh tranh phá giá. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ lại cho rằng các doanh nghiệp lớn dùng chiêu giảm giá, dùng tiện nghi của xe để loại dần các đối thủ yếu hơn, cạnh tranh như vậy là không lành mạnh... Những doanh nghiệp đầu tư xe bằng vốn vay chịu lãi suất 20-24%/năm mà phải hạ giá vé thì doanh nghiệp nhỏ không thể chịu nổi. Ông Đỗ Văn Anh - nhân viên BXMĐ đã hơn 20 năm lại cho rằng cạnh tranh thì người dân đươc lợi. Nếu không tính các dịp lễ tết thì chưa bao giờ người đi xe lại thoải mái như hiện nay. Nhiều xe mới, tiện nghi, giá rẻ tha hồ chọn. Tuy nhiên tiền nào của nấy, muốn thoải mái sạch sẽ và độ an toàn cao, cơm ăn nước uống vệ sinh thì nên đi xe doanh nghiệp lớn. Hầu hết xe đò dù trong vé không tính tiền cơm, thì xe cũng dừng cho khách ăn cơm ở những quán tương đối đàng hoàng. Nạn cơm tù gần như chấm dứt, dù đi xe giá rất rẻ thì cũng không đến nỗi bị ngược đãi, ăn cơm tù...

Xăng tăng nhưng không dám tăng giá vé

Tuyến xe đò TP HCM - Quảng Ngãi trước đây có 200 xe nay còn khoảng 100 xe. Việc giảm số xe như vậy dẫn đến thiếu xe trong các dịp lễ, tết, học sinh đi thi...

Bà Tuyết Nga - Trưởng phòng vé BXMĐ nói: Dù xăng đã tăng giá 30%, nhưng tính đến ngày 1/8 thì chỉ có 9/256 doanh nghiệp tại BXMĐ tăng giá vé từ 7 đến 20%, và chỉ các doanh nghiệp lớn tăng giá để lấy lại mức giá trước thời điểm họ đã giảm giá. Sớm muộn gì các doanh nghiệp khác cũng phải tăng giá, nhưng họ phải "nhìn nhau". Việc tăng giá tùy thuộc vào chất lượng của xe. Qua thực tế quan sát tại BXMĐ liên tục 2 buổi sáng, chúng tôi nhận thấy xe đò thật khó tăng giá khi người đi xe không bao nhiêu. Nhà ga ghế ngồi còn dư rất nhiều. Các quầy vé vắng vẻ. Rất nhiều phụ xe đi rảo ngoài nhà ga, mời khách đi xe, hứa hẹn xe sẽ đưa đến tận nhà...

Sẽ có nhiều doanh nghiệp “chết” ?

Ông Trần Duy Sinh - Phó GĐ BXMĐ chỉ đồng ý một phần với ý kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp xe đò "chết" do cạnh tranh. Ông cũng cho rằng các doanh nghiệp xe đò đang làm ăn cầm cự, lãi rất ít. Do cạnh tranh khốc liệt nên dù số doanh nghiệp vận tải hành khách tại BXMĐ tăng lên rất nhanh: Tháng 6/2006 có 197 doanh nghiệp, đến tháng 6/2008 tăng lên 256 doanh nghiệp nhưng tổng số xe hoạt động ở bến đến giữa năm 2007 chỉ là 3.500 xe (cuối năm 2006 là 3.400 xe). Cuối tháng 7/2008 còn 3.090 xe. Theo ông Sinh, nếu doanh nghiệp biết làm ăn thì sẽ không thể "chết", nhu cầu đi xe vẫn rất cao. Nhất là khi các phương di chuyển tiện khác có giá vé cao hơn cả chục lần xe đò. Trong cuộc cạnh tranh, các doanh nghiệp lớn sẽ chiếm lấy thị phần phục vụ bằng xe chất lượng cao (CLC). Một số doanh nghiệp sẽ giữ thị phần bình dân và dân nghèo. Thị phần nào cũng có khách và cũng cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên thị phần bình dân đang nhiều khách gấp mấy chục lần thị phần xe CLC, và nhiều năm nữa cũng vẫn sẽ như vậy.

Một tài xế xe đường dài trao đổi: Các xe đò bình dân đường dài, không máy lạnh, không bao cơm luôn đông khách hơn xe CLC, do giá vé rẻ hơn 1/5 đến 1/6 lần. Đa số người bình dân quan tâm xe giá rẻ, có ghế ngồi, đi đến nơi về đến chốn. Lãnh đạo BXMĐ và bến xe miền Tây (hai bến xe chủ yếu ở TP HCM) đều cho rằng hãy để các doanh nghiệp cạnh tranh, nhưng cạnh tranh công bằng. Nên có cơ chế đảm bảo phần lớn doanh nghiệp có đủ lãi hoạt động, đáp ứng nhu cầu các dịp lễ, ngăn chặn tình trạng độc quyền rất có thể sẽ xảy ra.
 
Theo DĐDN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm