Đổ xô đi mua cao dán giữ nhiệt

27/01/2011 15:29 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trước thời tiết lạnh kỷ lục của mùa Đông năm nay, người dân tìm mọi cách để đối phó với giá rét. Một trong những “độc chiêu” chống rét mới xuất hiện trong giới trẻ là những miếng “cao dán giữ nhiệt”.

Giữa những ngày nhiệt độ Hà Nội xuống dưới 10 độ C, chúng tôi quyết tâm tìm mua bằng được cao dán giữ nhiệt. Mất 1 ngày sục sạo trên mạng, lần mò đến từng con ngõ có rao bán loại cao dán “thần kỳ” này, chúng tôi vẫn không hiểu rõ hết về nó!

Mỗi nơi một kiểu

Sau khi gọi điện đến vài nơi rao bán trên mạng và gọi điện đến một công ty chuyên nhập khẩu sản phẩm này, rồi ghé cả vào một cửa hàng chuyên cung cấp, trong vai là những người đi mua hàng, chúng tôi thực sự bị choáng ngợp, lúng túng trước giá cả và cách sử dụng của loại cao dán này.

Hiện trên thị trường có bán hai loại cao dán giữ nhiệt: cao dán cơ thể và cao dán chân. Theo tìm hiểu của chúng tôi loại cao dán này chủ yếu là hàng xách tay từ nước ngoài, bắt đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam khoảng 2 năm trở lại đây, chủ yếu bằng phương thức bán hàng trực tuyến. Thành phần của cao dán gồm có bột sắt, than hoạt tính, nước, muối và vamiculite - theo lời quảng cáo miệng của một nhân viên công ty cung cấp, miếng cao dán này có thể ấm lên là nhờ “bột sắt gặp không khí sẽ toả nhiệt”.

Giá cả chênh lệch khá nhiều từ 100 đến 250 nghìn đồng một gói tùy nơi bán. Vì là hàng xách tay nên mỗi nơi bán cao dán của một hãng khác nhau, vì thế có sự chênh lệch giá là chuyện bình thường. Và cũng vì lí do đó mà trên bao bì sản phẩm cũng không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, người bán hướng dẫn sử dụng với người mua chủ yếu bằng phương thức “truyền miệng”. Ngay bản thân người bán hàng cũng chỉ được “truyền miệng” từ một ai đó. Có lẽ cũng chính vì thế mà họ cũng không hiểu nhiều về cách sử dụng sản phẩm này.

Dán cơ thể hay dán chân?

Khi được hỏi về sự khác nhau giữa cao dán cơ thể và cao dán chân thì tất cả những nhân viên bán hàng chúng tôi tiếp xúc đều trả lời rằng: chúng chỉ khác nhau về kích thước, mua cao dán cơ thể cũng có thể dán được ở chân.

Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi: vậy tại sao cao dán chân lại có giá đắt gần gấp đôi so với cao dán cơ thể, nhân viên bán hàng trên phố Kim Mã chỉ cười trừ mà không biết. Mặc dù những người bán hàng đều quả quyết rằng không có sự khác biệt giữa hai loại cao này nhưng theo quan sát của chúng tôi thì trên bao bì của cao dán cơ thể và cao dán chân có ghi nhiệt độ chênh lệch nhau đến 20 độ C. Cụ thể là trên bao bì của cao dán cơ thể có ghi nhiệt độ từ 50 đến 62 độ C, trong khi đó của cao dán chân là từ 34 đến 41 độ C.

Những hình ảnh quảng cáo miếng dán giữ ấm tràn lan trên mạng

Cách dán loại cao này cũng có sự không nhất quán. Người hướng dẫn dán trực tiếp lên da, người lại bảo dán lên quần áo, dán trực tiếp lên da “sợ gây bỏng”. Theo người bán hàng, loại cao dán này có thể giữ ấm ít nhất là 12 tiếng, nhưng giữa họ lại không thống nhất về chu kỳ dán. Người khuyên nên dán liên tục trong vòng 12 tiếng, dùng cách quãng sẽ không hiệu quả; người khác lại bảo: “nếu chưa dùng hết 12 tiếng thì đem gói kín trong túi nilon, khi nào cần thì đem ra dùng tiếp cũng được”.

Nhân viên của một cửa hàng cho biết đối tượng mua chủ yếu là các bạn trẻ. Tuy nhiên, theo chị, loại cao dán này không giới hạn về đối tượng sử dụng, từ trẻ nhỏ đến người già đều có thể sử dụng một cách an toàn mà không phải băn khoăn về vấn đề gì? Còn một nhân viên khác đon đả giới thiệu: “than hoạt tính trong cao dán có khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ của miếng cao phù hợp với nhiệt độ của cơ thể người sử dụng” (?)

Thuỳ Trang (học sinh PTTH Hà Thành) một “tín đồ” của loại cao dán này cho biết: “Cao dán này chỉ âm ấm thôi, nếu đã dùng thì phải dùng vài miếng, dùng một miếng không có cảm giác ấm đâu”. Minh Ngọc (học sinh trường chuyên Hà Nội- Ams) bổ sung thêm: “Miếng cao này dán chỗ nào thì ấm chỗ đó, chứ không ấm được vùng xung quanh”.

Để kiểm chứng, người viết đã mua một gói (loại 180 nghìn đồng 10 miếng, nhiệt độ tối đa là 62 độ C), dán trực tiếp lên da. Quả thực, đúng như lời Thùy Trang, chỉ sau 4 tiếng sử dụng, chỗ da được dán cũng chỉ ấm được một chút.

Ngoài ra, trước sự tự phát của thị trường cao dán giữ nhiệt như hiện nay, người tiêu dùng vẫn chủ yếu mua theo kiểu “truyền miệng” để… khỏi phải mặc nhiều áo ấm, mà không rõ công dụng, cách dùng cũng như những nguy cơ, tác dụng phụ (nếu có”) từ miếng dán. Vì thế, người dùng cần cẩn trọng, hoặc hỏi ý kiến bác sĩ tư vấn trước khi dùng.

Hà Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm