Đến nơi đất lành… cò đậu

09/07/2011 09:09 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Ẩn mình giữa vùng đồi núi nổi tiếng với vải thiều, vườn cò nhà ông Đặng Đình Quyển ở thôn Tân Phúc, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, Bắc Giang nổi tiếng không chỉ bởi sự đa dạng các loài chim, đông đảo về số lượng mà còn bởi chỉ cần bước chân qua hàng rào nhà bên cạnh là tịnh chẳng thấy bóng dáng một con chim nào.

Ông Quyển bảo, đó là do duyên trời.

Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc vài hình ảnh đẹp và câu chuyện thú vị về người đang sở hữu vườn cò này.

Nói là vườn cò nhà ông Đặng Đình Quyển là bởi người dân ở đây vốn đã quen gọi như thế, chứ thực ra vườn cò đã chuyển về tay chủ khác. Ông Quyển giờ chỉ còn là “người cũ”, chủ yếu làm công việc trông vườn. Chủ mới là một người khá trẻ, vì yêu mến cò, muốn giữ lại một vườn cò tránh khỏi dã tâm ăn thịt của dân nhậu nên mua lại.

Ông chủ mới của vườn cò nổi tiếng này gần như giấu mặt. Và ông cũng hạn chế luôn số lượng người vào vườn để tránh những nguy cơ có thể xảy ra với loài chim vốn gắn liền với đồng ruộng Việt Nam. Có thể nhiều người biết chuyện ông mua lại vườn cò nhưng chắc chắn, chẳng có mấy người biết mặt vị chủ vườn trẻ tuổi này.

Kể cũng lạ. Một người vốn làm nghề chẳng liên quan gì đến động vật bỗng dưng bỏ một đống tiền mua đứt quả đồi rồi thuê luôn chủ cũ làm người trông vườn thì chắc phải yêu động vật lắm. Ông Quyển kể, vị chủ mới cứ khi nào rảnh lại về đây ngắm cò, hỏi han tình hình rồi lại đi.

“Cái cách quan tâm, đầu tư cho vườn của vị chủ mới chu đáo lắm, chẳng giống nhiều người trước đó, đến chỉ nhăm nhăm mua cò làm thịt”, ông Quyển nói. Ngoài ra, ông chủ giấu mặt này cũng rất hạn chế cho người vào thăm vườn dù đã có nhiều lời đề nghị mở tour du lịch đến đây.

Thường thì những vị khách được đến đây chỉ có các nhà khoa học nghiên cứu về chim và giới báo chí. Nhưng thời gian họ được phép ở lại “làm phiền” đàn chim cũng không nhiều. Ai muốn nghiên cứu lâu thì phải đảm bảo không quấy nhiễu khiến chim sợ mà bỏ đi mất.

Cái lạ ở chỗ, cả một vùng đồi núi rộng lớn thế này nhưng chẳng hiểu sao đám cò chỉ chọn vườn nhà ông Quyển. Chúng đậu kín các ngọn cây, chành chọe, chí chóe nhau đến váng đầu. Chim cò nhiều tới mức, dân chụp ảnh vào đây không cẩn thận là cò ị cho ướt người, hỏng máy.

Một điểm thú vị nữa, đó là chỉ cần bước chân qua bờ rào, sang vườn nhà bên cạnh là lập tức không thấy có thêm bất cứ con chim nào. Chúng chấp nhận chật hẹp, chia nhau khoảng sống rộng hơn 3 hecta này.

Thực ra cũng có lần chúng bỏ đi, tản mát khắp nơi. Lý do có thể bởi khi đó vườn còn chưa được quây hàng rào, biệt lập với xung quanh nên trộm vào bắt cò nhiều. Lúc đó, hai vợ chồng nhà ông Quyển lại phải cất công đi quanh xóm làng “mời” chúng về.


Ảnh Davica - Xóm nhiếp ảnh

“Nhưng giờ thì chúng nhất quyết ở đây rồi”, ông Quyển chia sẻ rồi bảo chúng tôi tìm góc đẹp sẵn sàng cho những bức ảnh cuối cùng của vườn cò. Nói rồi ông đi thẳng lên đỉnh đồi. Sau 2 tiếng vỗ tay, đàn chim chợt xáo động vỗ cánh bay rợp trời.


Ảnh Sinbad - Xóm nhiếp ảnh

Nhóm nhiếp ảnh gia của diễn đàn Xóm nhiếp ảnh đi cùng chúng tôi tỏ ra khá vui khi được tiếp cận gần đến thế với đàn cò. Trong khi đó, những đứa trẻ thành phố lần đầu tiên đến vườn cò tỏ ra vô cùng thích thú khi được rúc bụi, ngắm cò và được bố mẹ chúng cho biết thêm nhiều điều về loài chim mà chúng mới chỉ biết trên sách vở.

Còn với tôi, tôi thích thú cái cách bảo tồn của nhân vật chủ vườn bí ẩn. Không xuất đầu lộ diện nhưng rất nhiệt tình hỗ trợ việc đưa chúng tôi đến với vườn, có lẽ anh là người đặc biệt nhất làm công tác bảo vệ động vật mà tôi từng gặp.

Cao Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm