03/06/2014 07:07 GMT+7 | Thế giới
Sáng qua (2/6), gần 1 triệu học sinh THPT bước vào ngày thi tốt nghiệp đầu tiên với môn Ngữ văn. Việc đưa vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam vào đề thi năm nay đã làm “nóng” trường thi. TT&VH có cuộc trao đổi ngắn với PGS. TS Trịnh Hòa Bình:
* Ông đánh giá thế nào về việc giàn khoan trái phép của Trung Quốc được đưa vào đề thi TN THPT?
- Tôi đánh giá rất cao vì đề thi vừa sức học sinh. Khi đề thi vừa được Thethaovanhoa.vn đăng tải, tôi đã thấy có nhận định: Đề thi trên không nằm trong phần dùi mài kinh sử của các em nên là không công bằng với các em thí sinh chăm học. Nhưng nhận định đó là vô trách nhiệm.
Vì việc hệ trọng như thế này liên quan tới tất cả công dân. Hơn thế, những em học sinh TN THPT đã hoặc sẽ bước vào tuổi 18, đương nhiên phải được trang bị những vốn kiến thức chính trị xã hội đó. Cho dù các em tập trung ôn luyện những điều có trong sách giáo khoa, không chú tâm tìm hiểu sâu sắc vấn đề thời sự nhưng các em cũng phải có kiến thức ở mức cơ bản về biển đảo quê hương. Nên tôi hoàn toàn ủng hộ đề thi này.
* Liệu đề thi này có tạo ra nhiều bài thi “đặc biệt” (cả theo nghĩa tích cực và tiêu cực) không, thưa ông?
- Tôi có quan sát dư luận xã hội cả ngày qua khi đề thi công bố. Khá nhiều người quan ngại rằng các em học sinh sẽ bị “trượt tủ” và chịu kết quả không tốt khi buộc phải “vẽ” chữ cho dầy bài thi. Nhưng tôi thấy lối tư duy này có phần lệch lạc. Thậm chí từ trước tới nay chúng ta ra đề cũng không đúng tinh thần. Trên nguyên tắc, chúng ta ra đề cho kiến thức toàn khóa nhưng chúng ta thường chỉ hỏi về năm cuối. Điều này dĩ nhiên sẽ dẫn tới “học tủ”, máy móc.
Cũng như vậy, để có thể nói sâu về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương- 981, các em phải hiểu rõ những “Bước đường cùng”, “ Sống mòn” hay “Hịch Tướng Sĩ”, “Đại Cáo Bình Ngô”...
Khi các em thấu hiểu nỗi nhục mất nước, tinh thần ái quốc của cha anh và cả những chiến thắng khi ta đương đầu với giặc ngoại xâm từ phương Bắc, các em sẽ viết được những bài viết xuất sắc về vấn đề biển đảo đương thời. Và tôi tin, hi vọng vào những bài văn “đặc biệt” theo chiều hướng này.
* Vậy câu hỏi về “bày tỏ thái độ của anh/chị về sự kiện trên” liệu có gây khó khăn trong việc lập barem chấm thi?
- Tôi không nghĩ câu này sẽ xây dựng được một barem chấm điểm cụ thể, chi tiết. Câu này sẽ phụ thuộc khá nhiều vào thế đứng và bản lĩnh chính trị của người chấm.
Song điều này không có nghĩa là ai thích chấm gì, cho điểm ra sao cũng được. Thái độ của cả đất nước với vụ giàn khoan Hải Dương- 981 vẫn có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt đó là câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đề thi TN THPT môn Ngữ văn năm 2014 |
Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất