Đâu nét đẹp gái Nha Mân

27/03/2012 11:05 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Nha Mân, vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp vốn được nhiều người biết tới bởi nét đẹp của người con gái nơi đây. Từ bao đời nay có câu thơ lưu truyền về những người con gái nức tiếng “đẹp nết, đẹp người” vang khắp đồng bằng sông Cửu Long: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”.

Người dân ở đây thường kể về sự kiện xưa kia chúa Nguyễn Ánh cùng bầu đoàn thê tử đóng quân tại vùng đất này. Bị nghĩa quân Tây Sơn truy đuổi, quân nhà Nguyễn rút chạy bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ. Chính những cô cung tần se duyên kết tóc với đàn ông xứ này đã để lại những thế hệ con cháu cho đến ngày hôm nay. Từ thời Nguyễn Ánh đến đây, vùng đất này đã mang cái tên vàm Nha Mân.

Vẻ đẹp từ cung tần mỹ nữ

Anh Huỳnh Hoàng Quân, Trưởng ấp Tân Lập, xã Tân Nhuận Đông dẫn chúng tôi đến nhà cụ bà Huỳnh Thị Sáu, 84 tuổi. Thời con gái cụ là người đẹp nhất, nhì xứ Nha Mân này. Dù ở độ tuổi “gần đất xa trời” nhưng nét thanh tân thời son trẻ vẫn ẩn khuất đâu đó trên gương mặt đã nhuốm màu thời gian.

Cụ Sáu tự hào: “Xứ Nha Mân này con gái đẹp, có duyên lắm. 10 cô thì có đến 9 cô có dáng thon đẹp, khuôn mặt xinh tươi rồi. Dù làm lụng đồng áng vất vả nhưng làn da của con gái Nha Mân đều trắng ngần”.

Cụ bà Phạm Thị Cám đã 94 tuổi, người phụ nữ Nha Mân

Nhìn cụ Sáu, mái tóc đã bạc trắng, da lấm tấm đồi mồi, đôi bàn tay nhăn nheo, thế nhưng làn da trên đôi gò má của cụ vẫn căng, môi cụ vẫn hồng hào. Cụ cười: "Thời con gái bà còn bị mấy ông quan thầy Pháp kéo tới, đeo đuổi. Lúc đó nhà nghèo lắm, nhưng bà đâu có chịu, bà lấy chồng cũng nghèo như bà”.

Nói đến câu thơ lưu truyền: "Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”, cụ Sáu tay vuốt mái tóc búi củ hành kể: “Con gái đẹp thì xứ nào chẳng có nhưng xứ Nha Mân thì nhiều hơn xứ khác. Chữ “bảnh” trong câu thơ còn nói đến cái nết nữa. Cái nết “công dung ngôn hạnh” mới là cái nét đặc trưng nổi tiếng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long của con gái ở xứ Đồng Tháp này. Ngày xưa, dù nhà nghèo nhưng ba má luôn dạy cho con gái lễ nghĩa. Làm phận gái sao cho nề nếp, thiệt thà, ăn nói dịu dàng, biết dạ thưa. Má bà thường kể, chắc là do cái nết này bắt nguồn từ những cung tần khi còn sống ở trong cung, khi họ ra ngoài thì họ vẫn giữ”.

Xót xa cho chiếc áo chân quê

Chúng tôi tiếp tục rong ruổi ở vùng đất Nha Mân, nhưng giữa vùng đất được xếp vào hạng kinh tế phát triển nhất, nhì so với các xã khác trong huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, chẳng thể tìm thấy đâu bóng dáng một cô gái Nha Mân xinh đẹp, dịu dàng trong chiếc áo bà ba.

Tay rót chén trà mời khách, bà Nguyễn Thị Lan, 61 tuổi, nói bằng giọng trách móc: “Ngày xưa cha, mẹ giáo dục chúng tôi biết giữ lễ nghĩa nhiều bao nhiêu thì xấp nhỏ bây giờ lại lảng tránh bấy nhiêu. Mấy đứa giờ nó chê làm ruộng cực khổ mà ít tiền. Con gái Nha Mân đến tuổi trưởng thành đều bỏ xứ lên thành phố kiếm tiền. Nhà cửa ở quê chỉ còn lại mấy ông bà già sống với nhau. Còn sức thì ra đồng làm ruộng, còn không thì bỏ phế hoặc cho người khác thuê. Đến mùa gặt lúa, tiền thuê nhân công quá đắt đỏ, làm chẳng thấy lời lãi bao nhiêu, thậm chí có mùa lúa còn điêu đứng vì… lỗ".

Con gái Nha Mân

Trong suốt chuyến hành trình, “câu kết” cho câu chuyện về người con gái Nha Mân của những người dân tại xứ này mà chúng tôi từng gặp chỉ là sự xót xa cho “nét đẹp” đang bị biến mất. Nhất là kể từ thời điểm rộ lên phong trào lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Nha Mân náo loạn bởi những tay môi giới hôn nhân lùng sục từng nhà. Bà Lan kể: “Cách đây 7 năm, mấy người môi giới lấy chồng nước ngoài đến nhà, lúc đó gia cảnh rất nghèo. Nếu chấp nhận thì có ngay 30 triệu đồng tiền mặt, đối với gia đình tôi thì số tiền đó lớn nhưng cũng may là không nghe lời, nếu không thì giờ ân hận cũng muộn màng. Mấy chú cứ đi hết xã này mà hỏi, con gái Nha Mân lấy chồng ngoại nhiều lắm”.

Ngay cả ông Phúc Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhuận Đông cũng thừa nhận là không thể nắm được có bao nhiêu trường hợp lấy chồng nước ngoài. Bằng con đường làm hồ sơ đi du lịch, hay cách này cách khác… con gái Nha Mân bỏ xứ đi rất nhiều với mong muốn thoát cái nghèo.

Được biết, xã Tân Nhuận Đông đang có đề án phấn đấu đến năm 2015 sẽ đủ điều kiện thành lập thị trấn Nha Mân. Ông Trần Thanh Tươi, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông, cho biết: Đặt tên Nha Mân cho thị trấn là nguyện vọng của người dân ở xã này. Vì cái tên Nha Mân gắn liền với cuộc sống của họ từ bao đời qua và quan trọng nhất là niềm tự hào của họ về vùng đất đã sản sinh ra những người con gái nổi tiếng đẹp người, đẹp nết khắp các tỉnh miền Tây.

Vào năm 2005, trong quá trình xây ngôi chợ Nha Mân ngay nơi Nguyễn Ánh, cùng đoàn phi tần dừng chân, đơn vị thi công đã phát hiện ra 2 hòm tiền cổ. Hiện nay số tiền cổ này đang được bảo tàng của tỉnh Đồng Tháp lưu giữ. Sự kiện này, theo ông Tươi, khiến người dân càng thôi thúc được gắn lại tên Nha Mân cho thị trấn trong tương lai.

Như vậy thị trấn Nha Mân sẽ hình thành trong tương lai nhưng liệu nó chỉ là “hư danh” khi truyền thống “đẹp nết, đẹp người” của người phụ nữ Nha Mân, Đồng Tháp đang ngày mai một.

Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm